Nhưng phải đưa ra lộ trình khi nào sẽ tăng, các mặt hàng thiết yếu khác có tăng giá hay không, kiểm soát lạm phát thế nào…
Lương chưa tăng thì giá đừng “bứt tốc”
Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7. Lý do được Thủ tướng đưa ra là bởi đây là một trong nhiều giải pháp trọng tâm của Chính phủ gửi tới Quốc hội nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái “bình thường mới” sau dịch Covid-19. Việc Chính phủ đề nghị là để cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… cùng chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
GS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, thời điểm này, việc cán bộ công chức, viên chức chia sẻ khó khăn với Chính phủ cũng là dễ hiểu, dễ nhận được sự đồng thuận. Bởi những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đang tác động nghiêm trọng đến các chỉ số phát triển kinh tế. Ngân sách phải chi cho các khoản khắc phục hậu quả dịch bệnh rất lớn. Việc hoãn tăng lương, có thể không phải là tin vui với cán bộ công chức, song chắc có lẽ đa phần đều thông cảm.
Chỉ có điều hy vọng rằng, việc tiết giảm chi tiêu công, trong đó có hoãn tăng lương, sẽ tạo ra nguồn lực dồi dào hơn để phát triển, vực dậy nền kinh tế, chứ không phải là cơ hội để những kẻ tham nhũng như thổi giá máy xét nghiệm Covid-19 hay xà xẻo các chính sách khác trục lợi. Hy vọng cùng với tiết giảm chi tiêu thì Chính phủ cũng kiểm soát tham nhũng tốt hơn, đó là điều mà người dân mong mỏi.
PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trưởng phòng Phát triển Văn hóa Xã hội, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ Chính phủ với đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu vào thời điểm này. Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch, nguồn thu ngân sách bị sụt giảm. Chính phủ cũng vừa phải chi 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội để hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do và các đối tượng bị tác động bởi dịch. Cùng với đó, huy động nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như gói tín dụng 300.000 tỷ, gói tài khóa 180.000 tỷ...
Ngân sách đang rất khó khăn. Việc tạm hoãn tăng lương cũng đồng nghĩa là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhường bớt phần nào đó để cùng chia sẻ với Nhà nước, với Chính phủ và những người lao động còn khó khăn khác. Nhưng cùng với đó, Chính phủ phải có các giải pháp để kìm chế lạm phát, không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Có như thế mới bảo đảm an sinh, đời sống của cán bộ công chức, viên chức.
Cần có lộ trình tăng lương là khi nào
Theo các chuyên gia, với mức tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.600.000 đồng/tháng là không nhiều. Tính trung bình mỗi người chỉ tăng vài trăm nghìn đồng/tháng. Việc chậm tăng lương có thể chưa ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức. Bởi hiện nay một bất cập ai cũng nhìn thấy là lương chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Những bất cập của chính sách tiền lương đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, chậm tăng lương không quá ảnh hưởng. Nhưng quan trọng nhất không phải là nâng lương hay không, mà là giải pháp để kiềm chế, điều hành chính sách giá, thúc đẩy kinh tế - xã hội và chăm lo cho an sinh xã hội. Tăng lương cho người lao động mà không giữ được các điều kiện khác, để giá cả leo thang thì không có ý nghĩa gì.
Do vậy, theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, Chính phủ phải tích cực kiềm chế, điều chỉnh giá xăng, giá điện và giá các mặt hàng tiêu dùng. Làm sao để chính sách tạm hoãn tăng lương cơ sở không gây tác động gì tới người lao động. Giá tiêu dùng ngày càng tăng, ví dụ như giá thịt lợn vẫn đang trong đà tăng không kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân. Do đó, kìm chế làm phát là điều người dân mỏng mỏi hơn cả tăng lương. Ngoài đề xuất chưa tăng lương, Chính phủ cũng cần xây dựng lộ trình kế hoạch cụ thể khi nào sẽ tăng lương để cán bộ công chức, viên chức cảm thấy yên tâm, phấn khởi.
“Đề xuất này nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp đang diễn ra thì sẽ được áp dụng. Nhưng theo tôi thì khả năng lớn Quốc hội sẽ có chung tiếng nói với Chính phủ, thống nhất giải pháp này mà không cần phải tranh luận nhiều. Hiện nay số người hưởng lương từ ngân sách tính trên tổng số dân ở Việt Nam không phải là lớn. Mức tăng lương dự kiến cũng không quá nhiều, nên về cơ bản ít ảnh hưởng.
Cái quan trọng hơn nữa theo tôi là cải cách chính sách tiền lương, cách tính toán làm sao gần với thực tiễn hơn. Hiện chính sách tiền lương đã rất lạc hậu. Lương không đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên lương vẫn đi liền với “lậu”. Nhiều người sống bằng “lậu” là chính. Cách tính lương hiện nay chưa trở thành đòn bẩy kích thích tăng trưởng và động lực làm việc. Tuy vậy, tăng lương vẫn là việc làm cần thiết để cải thiện một phần cuộc sống của cán bộ công chức, viên chức”, PGS.TS Hoa Hữu Lân phân tích.