'Tiền mất, tật mang' vì vội làm đẹp trước Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc làm đẹp bằng phương pháp cấp tốc không an toàn tại các spa tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể gây biến chứng nặng.

Các bác sĩ tại Bệnh viện JW cấp cứu cho bệnh nhân hoại tử mông sau tiêm filler.
Các bác sĩ tại Bệnh viện JW cấp cứu cho bệnh nhân hoại tử mông sau tiêm filler.

Gần Tết, nhu cầu làm đẹp của người dân càng cao. Tuy nhiên, không ít người chọn cơ sở làm đẹp “chui” với những phương pháp không xâm lấn có giá thành rẻ. Việc làm đẹp bằng phương pháp cấp tốc không an toàn tại các spa tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể gây biến chứng nặng.

Biến chứng vì làm đẹp “chui”

Mới đây, Bệnh viện JW Hàn Quốc (TPHCM) cho biết vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.T.N cấp cứu trong tình trạng hai bên mông căng tức, xuất hiện nhiều dấu hiệu hoại tử. Nguy hiểm hơn là khi các bác sĩ thăm khám, lỗ thủng trên mông bệnh nhân liên tục trào dịch mủ.

Cách đây 4 năm, chị N đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ viện trên địa bàn để thực hiện tiêm filler độn mông cấp tốc. Khi đó bệnh nhân không được spa giới thiệu chi tiết về loại filler được tiêm. Chị N chỉ biết đây là filler Hàn Quốc, khi tiêm vào mông sẽ căng đầy tức thì. Chị đã quyết định tiêm 200cc “filler không nhãn mác” vào mỗi bên mông.

Cách đây 7 ngày, thấy mông trở nên xẹp hơn, lại nôn nao làm đẹp kịp Tết, chị N tiếp tục quay trở lại spa cũ để tiêm thêm 100cc filler vào mỗi bên. Tổng filler chị được spa tiêm lên đến 600cc.

Tuy nhiên, sau tiêm 1 ngày, mông chị bắt đầu có dấu hiệu đau nhức, căng cứng. Các vết bầm xuất hiện trên mông ngày càng đậm hơn. Vì lo sợ tình trạng diễn tiến nghiêm trọng hơn, 3 ngày trước chị đã tìm đến một bệnh viện tại tỉnh Khánh Hòa để thực hiện “đục mông nặn sống” filler. Song, mông chị N vẫn liên tục chảy dịch mủ không ngừng, mỗi lần nặn rất đau đớn.

Khi “hết chịu nổi” chị N đã đến Bệnh viện JW Hàn Quốc. Tại đây, chị được cấp cứu suốt 5 giờ. Sau ca phẫu thuật, ê-kíp bác sĩ thu tới gần 2 lít gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định. Bệnh nhân sẽ được điều trị tích cực bằng kháng sinh mạch và đặt máy VAC chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 1 - 2 tuần với hy vọng giải quyết tình trạng áp xe.

Thời gian qua, Bệnh viện JW tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng thẩm mỹ sau khi làm đẹp chui. Đáng nói, tỷ lệ biến chứng do tiêm chất làm đầy luôn chiếm tỷ trọng cao trong số các nhóm làm đẹp.

Nhiều người lựa chọn tiêm filler vì không cần phẫu thuật, có hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả khi chọn đúng cơ sở uy tín, thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn và tiêm loại filler chất lượng an toàn.

Cần tìm hiểu kỹ trước khi làm đẹp

Phẫu thuật thẩm mỹ được giới y khoa xếp vào loại phẫu thuật, thủ thuật có khả năng gây nguy hiểm tính mạng con người. Vì thế, ê-kíp thực hiện phải có chuyên môn, cơ sở thực hiện phải được cấp phép. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp biến chứng nguy hiểm do thực hiện phẫu thuật, làm đẹp tại các cơ sở “chui”. Các chuyên gia cho biết, trước khi làm thẩm mỹ, người dân cần tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Năm 2022, cả nước đã ghi nhận nhiều ca tai biến thẩm mỹ dẫn đến tử vong. Ngày 6/12, một cô gái tử vong sau khi tiêm thuốc gây tê/mê để đốt mỡ tại Trung tâm Thẩm mỹ Key Beauty Center (TPHCM). Cơ sở này chỉ đăng ký kinh doanh chăm sóc da mặt, phun làm đẹp, chưa được cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước đó, một cô gái 24 tuổi, ngụ tại Quận 10 (TPHCM) không qua khỏi sau khi ủ tê thẩm mỹ vùng lưng. Đầu tháng 12, người phụ nữ 33 tuổi ở TPHCM bị hoại tử nặng vùng mông sau khi tiêm filler tại một thẩm mỹ viện, phải mổ 4 lần với viện phí hơn 300 triệu đồng. Song, bệnh nhân vẫn không thể hồi phục hoàn toàn.

Vừa qua, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng vừa tiếp nhận một phụ nữ 49 tuổi, ngụ quận Tân Bình (TPHCM) bị áp xe sau tiêm tan mỡ 2 tháng.

Bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng vùng bụng, hông, đùi xuất hiện nhiều nốt đỏ, viêm và chảy mủ. Chia sẻ về trường hợp này, BS.CK2 Phạm Thị Thanh Giang - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, bệnh nhân đã bị áp xe sau tiêm tan mỡ.

“Phương pháp giảm mỡ hiệu quả và an toàn nhất vẫn là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Bên cạnh đó, cũng có một số phương pháp an toàn để giảm mỡ như giảm mỡ nhiệt độ cao - công nghệ HIFU và giảm mỡ nhiệt độ thấp - công nghệ đông hủy mỡ. Ngoài ra, còn có các phương pháp giảm mỡ cơ học như: Xung siêu âm không nhiệt, liệu pháp laser cường độ thấp, liệu pháp sốc xung kích ngoại bào”, bác sĩ Giang cho biết.

Theo chuyên gia này, để giảm mỡ an toàn và hiệu quả, bệnh nhân nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn. Việc tiêm tan mỡ tại spa tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là để lại sẹo xấu vĩnh viễn nếu tai biến xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.