Hoại tử bàn tay vì đắp thuốc nam sau khi bị rắn hổ mang cắn

GD&TĐ - Bị rắn hổ mang cắn nhưng không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoại tử mu bàn tay.

Hoại tử bàn tay vì đắp thuốc nam sau khi bị rắn hổ mang cắn

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, nơi này vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 46 tuổi, vào viện trong tình trạng sốt, mu bàn tay trái chảy mủ, hoại tử, xám, sưng đau nóng đỏ, ấn đau.

Khai thác tiền sử, các bác sĩ phát hiện, trước khi vào viện 7 ngày, bệnh nhân bị rắn hổ mang cắn, thế nhưng bệnh nhân không đến viện điều trị mà tự đắp thuốc nam tại nhà. Cùng ngày nhập viện, bàn tay bệnh nhân bị chảy mủ kèm theo sốt, tự uống 1 viên paracetamol tại nhà nhưng không đỡ nên đã đến bệnh viện cấp cứu.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã giảm đau, dùng kháng sinh, xử trí vết thương và chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.

Đáng chú ý, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho hay, trong những ngày gần đây, cơ sở y tế này liên tiếp tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn hổ mang cắn. Đây là thời điểm mùa sinh sôi phát triển của rắn, người dân hãy cẩn trọng khi làm việc và dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sạch sẽ để tránh tạo nên môi trường phát triển của rắn.

Hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo về việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng lại càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Người bệnh khi bị rắn cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.