Thanh niên 20 tuổi bị hoại tử cánh tay do chữa rắn cắn bằng thuốc nam

GD&TĐ - Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân 20 tuổi được người nhà dùng dây cuốn chặt cánh tay và ở nhà tự bó thuốc nam nhưng tình trạng ngày càng nặng thêm...

Cánh tay bệnh nhân T. sau khi nhập viện. Ảnh: BVCC.
Cánh tay bệnh nhân T. sau khi nhập viện. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, mới đây đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân L.S.T (20 tuổi, địa chỉ xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì) bị rắn độc cắn ngày thứ 5.

Theo lời người nhà của bệnh nhân, sau khi bị rắn cắn (không rõ rắn gì), bệnh nhân được người nhà dùng dây cuốn chặt cánh tay và ở nhà tự bó thuốc nam. Được 5 ngày thì tình trạng ngày càng nặng thêm nên bệnh nhân đến trạm y tế điều trị và được chuyển ngay đến bệnh viện.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, la hét, thể trạng mệt mỏi nhiều. Cánh tay trái hoại tử tím, loét trợt, chảy dịch, mùi tanh.

Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/rắn cắn, sau khi được điều trị hồi sức tích cực, người bệnh được chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp khá đáng tiếc do quan niệm sai lầm của người dân trong xử trí và điều trị bệnh tại nhà. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về việc người dân bị rắn cắn nhưng không đến cơ sở y tế mà tin theo lời mách dùng thuốc nam đắp vào vết cắn và để lại hậu quả nặng nề, thế nhưng dường như những cảnh báo ấy vẫn chưa đủ mạnh bởi vẫn còn rất những trường hợp bị rắn cắn biến chứng nặng chỉ vì tin theo lời mách và tin đồn.

Khi bị rắn cắn, người dân không sử dụng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hoặc chữa trị bằng mẹo. Việc làm này không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị. Việc cần làm là đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, ngăn chặn không để nọc độc phát tán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ