Hoa từ nét phấn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô giáo Đặng Thị Thanh Hảo 16 năm đứng trên bục giảng nỗ lực vượt lên số phận, cháy mãi niềm đam mê với nghề giáo.

Cô Hảo cùng học trò lớp 7C2 - Trường THCS Hoàng Diệu.
Cô Hảo cùng học trò lớp 7C2 - Trường THCS Hoàng Diệu.

Bị bệnh viêm tiêu xương, dò tủy hành hạ suốt 20 năm với 8 lần phẫu thuật, nhưng cô giáo Đặng Thị Thanh Hảo - Trường THCS Hoàng Diệu (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chưa một lần than phiền, gục ngã trước đớn đau. 16 năm đứng trên bục giảng, cô nỗ lực vượt lên số phận, cháy mãi niềm đam mê với nghề giáo.

Cô giáo “chấm phẩy”

Cô Đặng Thị Thanh Hảo (37 tuổi) - giáo viên dạy Hóa - Sinh được đồng nghiệp ghi nhận giàu nghị lực, tình yêu và có nhiều cống hiến cho nghề dạy học. Dù bệnh tật làm hỏng bàn chân phải, đi lại khó khăn nhưng cô luôn nỗ lực vượt khó, tràn đầy nhiệt huyết, đam mê dạy học.

Phòng học lớp 7C2 vào một ngày Đông giá, dù phải nhờ vào đôi nạng gỗ để lê từng bước lên lớp nhưng khuôn mặt phúc hậu của cô luôn ánh lên nụ cười tươi tắn, tràn đầy năng lượng tích cực. Cô Hảo chia sẻ: “Khó khăn mấy tôi cũng cố gắng vượt qua miễn sao được đến trường, gặp học trò. Ánh mắt hồn nhiên của các em giúp tôi xóa tan mọi thách thức trong cuộc sống”.

Cô Hảo sinh ra tại phường Đông Hải, quận Lê Chân. Từ nhỏ đã yêu trẻ thơ, cô thường được anh, chị tín nhiệm nhờ “quản trò” là em, cháu trong gia đình. Còn lý do để cô chọn nghề dạy học xuất phát từ việc quý trọng, thần tượng cô giáo từng dạy môn Hóa - Sinh tại trường THCS.

“Từ ánh mắt, nụ cười, tác phong lên lớp của cô trao cho tôi sự hào hứng trong mỗi giờ học. Vì thế, tôi yêu nghề giáo và nguyện sau này sẽ tiếp bước cô. Thật trùng hợp, khi học THPT, cô chủ nhiệm của tôi cũng dạy Hóa. Điều này càng tiếp thêm tình yêu môn học và động lực phấn đấu cho tôi thực hiện ước mơ”, cô Hảo chia sẻ.

Nói về căn bệnh hiếm gặp của mình, cô Hảo kể: Năm lớp 9, phát hiện bàn chân phải sưng to, ngón 4 - 5 của bàn chân nhức đau, gia đình cho cô đi khám và được chẩn đoán viêm phần mềm, phải tiểu phẫu loại bỏ. Đến năm học THPT, cô Hảo trải qua một lần phẫu thuật nhỏ nữa. Năm 2007 - năm cuối học cao đẳng, trong một lần đau đớn bởi chứng bệnh, cô đến viện chiếu chụp lại. Bác sĩ phát hiện các ngón chân của bàn chân phải sưng viêm, xương bị tiêu. Cô buộc phải nằm viện điều trị. Sau 1 tháng ở bệnh viện, cô về nhà nghỉ ngơi, tập phục hồi.

Năm 2008 - một năm sau ngày ra trường, bàn chân ổn định, cô Hảo xin vào công tác tại Trường THCS Hoàng Diệu. Do một chân bị bệnh nên dù cố tỏ ra bình thường thì với dáng đi của cô, đồng nghiệp và học sinh vẫn nhận ra. “Mọi người biết em “chấm phẩy” (cô Hảo - cười nói) nên đồng cảm và chia sẻ trong mọi hoạt động. Vì thế, bản thân càng thêm yên tâm công tác”.

Cô Trần Thị Kim Xuyến - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, cô Hảo không chỉ xinh đẹp, tươi tắn, mà còn có tài, khéo tay và tâm huyết với học trò. Cô luôn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều đề tài hay để hướng dẫn học sinh. Đợt dịch Covid-19, cô dạy học trò cách pha chế nước rửa tay từ quả bồ hòn. Dù mang trong mình căn bệnh hiếm gặp nhưng cô Hảo luôn yêu đời, lạc quan và chủ động trau dồi kiến thức, tiên phong đổi mới phương pháp dạy học.

Cô Hảo trong giờ dạy.
Cô Hảo trong giờ dạy.

Dành trọn tình yêu cho học trò

Dù bị bệnh nhưng cô Hảo thấy mình còn may mắn hơn nhiều người và chưa bao giờ bi quan trong cuộc sống. Cô luôn biết ơn ba mẹ đã sinh ra mình; cảm ơn cuộc đời mang đến tình yêu thương đủ đầy của gia đình, đồng nghiệp, học trò, đặc biệt là người chồng luôn đồng cảm, chia sẻ.

Năm 2010, sau khi ổn định công việc, cô Hảo lập gia đình. Năm 2011, chỉ 5 tháng sau ngày sinh con gái lớn, căn bệnh cũ của cô tái phát. Bàn chân phải sưng đau, 2 vợ chồng cô phải gửi con cho ông bà để lên Hà Nội thăm khám, điều trị. Thăm khám ở 2 bệnh viện, các bác sĩ đều khuyên nên cắt bỏ bàn chân. Thương con gái còn nhỏ, cô Hảo về Hải Phòng điều trị. Năm 2014 sau khi sinh con thứ 2, cô phải đi viện làm phẫu thuật.

Sau nhiều lần chân tái viêm nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, cô Hảo không dám đi khám mà chỉ dùng kháng sinh điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm, từ tháng 11/2021 đến tháng 8/2023, nữ nhà giáo phải đi nhiều bệnh viện từ Hải Phòng đến Hà Nội và trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Mỗi lần xuất viện, cô lại nhanh chóng trở về với trường lớp, học trò, miệt mài bên trang giáo án. “Đồng nghiệp thương và giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhưng không vì thế tôi có thể ỷ lại nên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”, cô Hảo tâm sự.

Bệnh tật triền miên, lại dạy môn chuyên, đồng lương eo hẹp… nhưng cô không bao giờ nghĩ tới từ bỏ niềm đam mê đứng trên bục giảng. Với học trò, cô Hảo coi như con; quan tâm, khích lệ các em thường xuyên. Vì thế, học sinh trong lớp đều ngoan ngoãn và nghe lời “mẹ Hảo”. Mỗi lần xuất viện trở lại giảng dạy, cô nhớ nhất cảm giác đi qua các lớp, học sinh ùa ra ôm, hỏi han, thậm chí tranh nhau xách đồ. Khi đó, niềm hạnh phúc dâng trào và biến thành động lực để cô thêm yêu trường, lớp.

Mang tinh thần kiên cường, không đầu hàng số phận, cô Hảo có năng lượng tích cực và sống hướng thiện, vì thế phụ huynh càng tin yêu. Dù cô không chủ nhiệm lớp nhưng nhiều người vẫn quan tâm, sẻ chia cùng cô chuyện vui, buồn. Thậm chí trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ các em có điều gì khúc mắc cũng gọi điện cho cô tâm sự, nhờ tháo gỡ. Nhiều trò sau khi ra trường luôn nhớ và tới thăm cô. Những lúc thấy cô yếu đau, các em cắt cử nhau đến nhà hỏi han, giúp đỡ những công việc có thể làm…

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Kim Xuyến cho biết thêm, nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện để cô Hảo đi chữa bệnh. Ngược lại, cô là người có trách nhiệm với công việc, học trò… nên khi sức khỏe ổn định là nhờ chồng đèo đến trường dạy học để không ảnh hưởng đến chuyên môn được phân công.

Với hoàn cảnh khó khăn của cô Hảo, Công đoàn Trường THCS Hoàng Diệu, Liên đoàn Lao động quận, Công đoàn ngành Giáo dục thành phố Hải Phòng đã quan tâm hỗ trợ, động viên tinh thần, vật chất để giúp cô có thêm động lực vượt khó, yên tâm gắn bó với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.