Hoa trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều

GD&TĐ - Trong Cung oán ngâm khúc, hoa không chỉ xuất hiện thường xuyên, đa dạng còn mang nhiều giá trị độc đáo.

Hoa trong khúc ngâm của thi hào Nguyễn Gia Thiều còn là những tín hiệu thẩm mĩ.
Hoa trong khúc ngâm của thi hào Nguyễn Gia Thiều còn là những tín hiệu thẩm mĩ.

Đặc biệt, hoa trong khúc ngâm của thi hào Nguyễn Gia Thiều còn là những tín hiệu thẩm mĩ, những kí hiệu đặc biệt mà thông qua đó, có thể giải mã được nhiều vấn đề thú vị của tác phẩm.

1. “Muôn hồng nghìn tía” hoa

Trong 366 dòng thơ của Cung oán ngâm khúc, hoa xuất hiện 45 lần, trung bình 8 dòng thơ hoa lại xuất hiện một lần. Đây là một tỉ lệ rất cao, ít gặp ở các tác phẩm ngâm khúc khác.

Không chỉ xuất hiện với tần số lớn, hoa trong Cung oán ngâm khúc còn biểu hiện hết sức phong phú. Bên cạnh hoa, bông gọi chung, trong tác phẩm còn có nhiều loài hoa có tên cụ thể: Phù dung, hải đường, đồ mi, thược dược, mẫu đơn, hồng đào, mai, đào, lê, sen, lan…

Cách dùng danh từ chỉ loại thể để gọi cho hoa của Nguyễn Gia Thiều cũng rất đa dạng: Nụ (Nụ hoa chưa mỉm miệng cười), đóa (Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu; Đóa lê ngon mắt cửu trùng; Đóa hồng đào hái buổi còn xanh), cành (Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn; Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân), cái (Cái hoa đã trót gieo cành biết sao), bông (Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào), đài (Đài hoa tịnh đế trơ trơ chưa tàn), chồi (Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ)…

Kết hợp ngữ pháp của “hoa” trong tác phẩm cũng rất linh hoạt: Khi kết hợp với danh từ (nguyệt hoa, hoa xuân); với động từ (hoa rụng); với tính từ (hoa thơm); với đại từ (hoa kia, hoa này, hoa xuân nọ); khi kết hợp trong cấu trúc đối xứng, cấu trúc thành ngữ (đắm nguyệt say hoa, hoa kia cỏ này, cợt đào ghẹo mai, ôm đào gác nguyệt, nước chảy hoa trôi, hoa lạc nguyệt minh, nguyệt kia hoa này); khi đặt trong cấu trúc đảo ngữ (Vẻ phù dung một đóa hoa tươi, Lan mấy đóa lạc loài thôn dã)…

Trong tác phẩm, hoa còn xuất hiện với tư cách là đối tượng so sánh của một chủ thể khác: Má đào, đào kiểm, gót sen…

Có thể nói, hoa có mặt trong Cung oán ngâm khúc một cách thường xuyên, đa dạng, linh hoạt không phải là một sự tình cờ. Hoa là hình tượng mang rõ chủ ý nghệ thuật của tác giả. Hoa được sử dụng trong tác phẩm như một mã tín hiệu đặc biệt hàm chứa trong đó nhiều lớp ý nghĩa, nhiều giá trị thẩm mĩ quan trọng.

Cung oán ngâm khúc.
Cung oán ngâm khúc. 

2. Hoa là hoa của tự nhiên

Có một điều thú vị là nếu như trong Chinh phụ ngâm khúc, các tác giả rất chú trọng đến thiên nhiên thì ngược lại, trong Cung oán ngâm khúc, thiên nhiên hầu hết lại là bức tranh phản chiếu của nội tâm con người. Điều này giải thích cho hiện tượng hoa xuất hiện liên tục, đều đặn trong tác phẩm với số lượng lớn nhưng hoa với tư cách một thực thể của thiên nhiên lại chiếm số lượng khá nhỏ.

Trong tác phẩm, chỉ có đôi lần hoa xuất hiện với tư cách là một đối tượng của tự nhiên. Đó là vườn hoa mà người cung nữ cùng nhà vua từng dạo chơi trong những ngày mặn nồng, “phải duyên hương lửa cùng nhau”:

- Nào dạo lối vườn hoa năm ngoái

Đóa hồng đào hái buổi đương xanh;

- Cảnh hoa lạc nguyệt minh hôm ấy;

Đó là thềm nhà có hoa rụng trong những ngày thu lạnh người cung nữ bị bỏ rơi trong lẻ loi, sầu muộn:

- Lạnh lùng nào thấy ỏ ê

Khí bi thu sực nức hè lạc hoa;

- Một mình đứng tủi ngồi sầu

Đã than với nguyệt lại rầu với hoa;

Nhìn chung, hoa của thiên nhiên tuy không xuất hiện nhiều nhưng luôn gắn liền với không gian sống của người cung nữ. Qua đó, có thể hình dung được ít nhiều về cuộc sống của người cung nữ trong cung.

Hoa trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều ảnh 2

3. Hoa là người cung nữ

Cuộc đời người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc có thể chia làm ba giai đoạn: Trước khi vào cung, những ngày được sủng hạnh, những tháng ngày bị bỏ rơi. Gắn với ba giai đoạn này, nhà thơ sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật để đặc tả dung nhan, tài năng, tâm trạng của người cung nữ. Trong đó, hoa như là một tín hiệu được tác giả sử dụng một cách chủ động, thường xuyên nhất, mang đến nhiều hiệu quả thẩm mĩ độc đáo, bất ngờ. Đặc biệt, trong tác phẩm, người cung nữ gần như không bao giờ được gọi vai chính danh. Toàn bộ sự xuất hiện của nàng đều được thay bằng một hình ảnh biểu tượng khác: Hoa.

3.1. Hoa - người cung nữ trước khi vào cung

Nói cách khác, hoa chính là biểu tượng của vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tinh thần của người cung nữ trước khi nhập cung.

Hoa là biểu tượng của cái đẹp. Trong truyền thống văn học trung đại, tiêu biểu như Truyện Kiều, hoa thường xuyên được sử dụng để hàm chỉ người con gái xinh đẹp. Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều không ra ngoài truyền thống này. Ông dùng hoa để chỉ vẻ đẹp tươi trẻ, kiều diễm của người cung nữ. Ngay từ thuở mới lọt lòng, người cung nữ đã là một trang thiên hương quốc sắc: Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa/ Vẻ phù dung một đóa khoe tươi. Càng lớn lên, vẻ đẹp của người cung nữ càng kiêu sa, lộng lẫy: Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.

Hoa còn được dùng để chỉ vẻ đẹp trinh trắng của người cung nữ. Mượn hình ảnh hoa xuân chưa nở, vườn xuân còn rào hoa ngăn bướm, nhà thơ nhấn mạnh vẻ đẹp băng trinh tiết ngọc của người con gái trước lúc vào cung, dù quanh nàng có bao người “ngấp nghé mong sao”, “rắp ranh bắn sẻ”: Hoa xuân nọ còn phong nộn nhị (nộn nhị: Nhị hoa còn non); Vườn xuân bướm hãy còn rào/ Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương.

Như vậy, khai thác những đặc tính, trạng thái của hoa (hương, sắc, còn phong nhị, được ngăn rào), đặt chúng trong những ngữ cảnh thích hợp để tạo sinh nghĩa mới, tác giả đã thành công trong việc dùng hoa để thể hiện vẻ đẹp toàn vẹn của người cung nữ.

3.2. Hoa - Người cung nữ trong hạnh phúc thăng hoa

Nói cách khác, hoa là biểu tượng của tình yêu, nhục cảm.

Hoa với vẻ đẹp thuần khiết được dùng để chỉ vẻ đẹp hình thể và tinh thần của người phụ nữ là điều thường gặp trong văn học. Nguyễn Gia Thiều cũng không ngoại lệ. Nhưng ít có ai làm được một điều rất táo bạo như ông: Sử dụng hoa để chỉ ái ân, nhục cảm với một số lượng và cường độ lớn như trong Cung oán ngâm khúc.

Trong đêm được đấng quân vương sủng hạnh, người cung nữ chìm đắm trong hạnh phúc thăng hoa. Hàng loạt loài hoa được sử dụng để chỉ người cung nữ trong cuộc ân ái “mày ngài lẫn mặt rồng lồ lộ” ấy:

- Cái đêm hôm ấy đêm gì,

Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng;

- Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ,

Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu;

- Mây mưa mấy giọt chung tình

Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn;

Trong những ngày tháng người cung nữ được vua yêu chiều tiếp đó, hoa tiếp tục được sử dụng để đại diện cho nàng cung nữ:

- Đóa lê ngon mắt cửu trùng

Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu;

Đắm say trong hạnh phúc, người cung nữ vô cùng mãn nguyện, hãnh diện và biết ơn đấng quân vương. Hoa lại được dùng để nói lên thay những cung bậc cảm xúc này:

- Hoa thơm muôn đội ơn trên

Cam công mang tiếng thuyền quyên với đời;

Trong những cuộc truy hoan ân ái, người cung nữ chỉ lên qua hình ảnh biểu tượng của hoa. Lời thơ nhờ đó tránh được chỗ tự nhiên, dung tục. Tuy nhiên, bằng nghệ thuật dùng từ tuyệt vời, nhà thơ đặt hoa trong những ngữ cảnh đặc biệt, phối hợp chúng với nhiều từ ngữ đắc địa để tạo sinh những nét nghĩa hết sức cụ thể, chân thực và ấn tượng.

Ta chú ý những cách kết hợp độc đáo: Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng, Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ, Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu, Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn, Đóa lê ngon mắt cửu trùng… Trong những câu thơ trên, hoa không còn mang nghĩa biểu trưng, khái quát, khách quan nữa mà trở nên hết sức gợi cảm, gợi tình. Có thể nói, Nguyễn Gia Thiều đã mang tới cho hoa vẻ đẹp mới, vẻ đẹp của luyến ái, nhục cảm, nhưng không hề làm mất đi vẻ đẹp thanh khiết của hoa. Đó chính là tài năng nghệ thuật của thi hào.

3.3. Hoa - Người cung nữ bị ruồng bỏ

Những ngày tháng mặn nồng qua nhanh, người cung nữ đâu ngờ rằng “bỗng mỗi năm một nhạt/ nguồn ân kia ai tát mà với”, lòng quân vương trở nên hờ hững. Giữa “muôn hồng nghìn tía đua tươi”, “cái én ba nghìn”, người cung nữ giờ chỉ còn là “cái thân câu chõ”, chồng còn đó mà mình lại “hóa ra người vị vong”. Bi kịch của nàng là trước càng được ân sủng bao nhiêu thì sau lại càng bị ghẻ lạnh, “rẻ rúng”, “ruồng rẫy” bấy nhiêu. Thể hiện hình tượng người cung nữ trong hoàn cảnh bi đát này, tác giả lại mượn đến hình ảnh của hoa.

Xuất phát từ đặc điểm đẹp nhưng mong manh, chóng tàn, hoa có những tương đồng với kẻ hồng nhan bạc phận nói riêng, người phụ nữ nói chung. Trong Cung oán ngâm khúc, tác giả liên tục sử dụng tín hiệu hoa với những tính chất rơi, rụng, tàn, rữa, gầy, xơ… để chỉ người cung nữ trong bi kịch bị ruồng bỏ của mình:

- Chơi hoa cho rữa nhụy dần mới thôi;

- Để gầy bông thắm để xơ nhụy vàng;

- Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn;

- Cái hoa trót đã gieo cành biết sao;

Nếu như trước đây, trong những ngày được sủng hạnh, người cung nữ là “hoa thơm”, “đóa lê ngon mắt”, “cành xuân hoa chúm chím chào”, là “đồ mi”, “thược dược”, “hải đường”, “đào”, “mai”, “mẫu đơn”… được “quân vương chi chút trên tay” thì giờ đây, nàng chỉ còn là “cái hoa”, thảm hại hơn, lại là “hoa rữa nhụy”, “hoa rụng”, “hoa trót đã gieo cành”, hoa “gầy” trong cung quế “âm thầm chiếc bóng”. Mọi thứ đổi thay chóng vánh. Hoàn cảnh của nàng cung nữ thật nghiệt ngã, trớ trêu.

Tác giả còn kết hợp tín hiệu hoa với các tín hiệu quen thuộc khác như bướm, trăng, nước trong những cấu trúc đối lập hay hô ứng để khắc sâu tình cảnh trớ trêu, đau khổ, tủi sầu của người cung nữ:

- Hoa này bướm nỡ thờ ơ;

- Đông quân sao nỡ bất bình

Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân;

- Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy

Để thân này nước chảy hoa trôi;

- Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa;

Mượn hoa để nói thay cho thân phận bất hạnh của người phụ nữ, nhà thơ Nguyễn Gia Thiều đã trở lại với truyền thống văn chương trung đại. Ông đi con đường của nhiều nhà thơ lớn với tấm lòng xót thương vô hạn dành cho kẻ hồng nhan bạc mệnh mà Nguyễn Du là một điển hình.

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn cũng dùng hình ảnh ẩn dụ hoa để nói về cuộc đời trôi nổi, khổ đau của Kiều nhi với nhiều câu thơ lay động lòng người: Hoa trôi bèo dạt đã đành, Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng, Còn chi nữa cánh hoa tàn, Hoa dù rã cánh lá còn xanh tươi… Trong Cung oán ngâm khúc, những câu thơ mượn hoa để nói thay cho người cung nữ trong bi kịch cũng là những vần thơ đầy xót thương, ám ảnh.

Trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, hoa còn để chỉ những người cung nữ khác (Muôn hồng nghìn tía đua tươi/ Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần), những người phụ nữ khác (Lan mấy đóa lạc loài thôn dã) nhưng phần lớn tín hiệu hoa đều tập trung cho nhân vật chủ thể trữ tình: người cung nữ. Hiếm có tác phẩm dài hơi nào mà hoa được sử dụng vừa đa dạng vừa thống nhất cho một nhân vật duy nhất như Cung oán ngâm khúc.

Hơn nữa, hoa trong tác phẩm này còn được sử dụng linh hoạt như những kí hiệu nghệ thuật, những tín hiệu thẩm mĩ mang nhiều giá trị độc đáo, ấn tượng. Đây chính là một phương diện trong thành tựu rực rỡ của Cung oán ngâm khúc cũng như tài năng nghệ thuật của thi hào Nguyễn Gia Thiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ