Với chừng 40 bức tranh vẽ Hồ Tây, họa sỹ Ory Anna-maria đã chia đôi „gia tài” của mình để triển lãm một nửa ở Budapest và một nửa triển lãm tại Hà Nội trong tháng 10/2017.
Ory Anna-maria là một nữ họa sỹ chuyên nghiệp người Hungary. Chị vẽ cả tranh sơn dầu, phấn màu, mực tus, màu nước. Về cơ bản chị quan tâm tới các khả năng tiềm ẩn trong mỗi kỹ thuật hội họa, chị khảo sát chúng, trong khi theo đuổi một đề tài, cũng như thể loại hội họa.
Trong đa số các trường hợp, đối với họa sỹ kỹ thuật liên quan tới đề tài và ý tưởng. Và như vậy, trong khi khảo cứu và giải mã các vấn đề của hội họa, các loạt tranh khai triển từng đề tài đã được sáng tác.
Tranh của Ory Anna-maria là khả năng mở, đồng thời nó chứa đựng cảm giác có thể tiếp cận được về sức mạnh của cảm xúc ban đầu.
Các đường nét và màu sắc thể hiện bản năng của người họa sỹ, chúng xuất hiện như những yếu tố chống lại sự thờ ơ của các quy ước giao tiếp hàng ngày.
Nhưng điều được diễn đạt qua tranh của chị gợi mở cho ta thấy sự trải nghiệm đích thực, nguyên khai chỉ xuất hiện biệt lập, khép kín, trong đó mỗi con người tìm thấy bản thể của riêng mình.
Và như thế, tranh của Ory Anna-maria là một phần của câu chuyện về hội họa, trong đó mỗi hành động nghệ thuật đều xuất hiện như sự lãng mạn mang tinh thần đổi mới, nó tái phát hiện tính chủ quan của những trải nghiệm. Chị từng có triển lãm tranh ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Ý, Bỉ, Czech, Đức, Bungary, Hungary và Việt Nam.
Ngay từ thuở nhỏ, Ory Anna-maria đã biết về Việt Nam do bố mẹ cô có nhiều bạn bè là người Việt, học tập và lao động tại Hungary.
Trong số họ cũng có một số người là nghệ sỹ. Bố mẹ của Ory Anna-maria rất yêu Việt Nam, và họ muốn được trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam. Điều mong ước của họ được toại nguyện khi năm 2010, bố chị trở thành đại sứ Hungary tại Việt Nam. Từ đó tới nay, Ory Anna-maria thường xuyên tới Việt Nam, thậm chí thời gian chị lưu lại Việt Nam nhiều hơn ở Hungary.
Sống cùng bố, mẹ ở khu vực Hồ Tây, chị cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của khu vực này. Với chị, cảnh sắc Hồ Tây luôn biến ảo thú vị như trong một bộ phim. Đặc biệt là màu sắc của cảnh quan, cây lá, mặt nước hồ sẽ thay đổi theo từng giờ, và chị đắm say ngắm nghía, chiêm nghiệm, và đưa vào những tác phẩm của mình.
Quả vậy, trong triển lãm tranh "Hồ Tây” của Ory Anna-maria tại Hà Nội, ta thấy một Hồ Tây trong vẻ đẹp rất lạ, nhất là những màu sắc đằm sâu thật bất ngờ.
Đó có thể là một đóa quỳnh từ khi nở tới khi tàn, hay một dáng cây tươi non, một ngôi nhà tạm che bạt, những ánh đèn từ các ngôi nhà phản chiếu mặt hồ ban đêm,... tất cả đều ánh lên sức sống và bản sắc riêng biệt của mình, là những cấu trúc đặc biệt được lọc qua tư tưởng của họa sỹ, và hơn hết, tất cả đều đẹp đến nao lòng qua cái nhìn của Ory Anna-maria.
Triển lãm "Hồ Tây” của Ory Anna-maria bao gồm những tranh sơn dầu, màu nước... Họa sỹ chia sẻ, rằng chị rất biết ơn những nghệ sỹ Việt Nam, đã giúp đỡ chị rất nhiều để sáng tạo nên những tác phẩm đặc biệt về Hồ Tây.
Một nhà thơ họ Trương đã cho chị mượn ngôi nhà để làm xưởng vẽ, một số họa sỹ khác, đặc biệt là họa sỹ Đặng Thu Hương, đã dạy chị cách vẽ tranh truyền thống của nghệ sỹ Việt. Ory Anna-maria còn muốn học cách vẽ tranh sơn mài của họa sỹ Việt Nam, nhưng chị sẽ thể hiện trong các tác phẩm sau, bởi vẽ tranh sơn mài cần rất nhiều nỗ lực.
Ngay từ khi còn học mỹ thuật ở Hungary, chị đã có khao khát được học cách vẽ của các họa sỹ Việt Nam. Chị muốn được tận mắt xem các họa sỹ Việt Nam sáng tác tranh như thế nào. Khi bố mẹ chị được sang làm Đại sứ tại Việt Nam, chị đã toại nguyện mong muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam và học cách vẽ tranh của họa sỹ Việt Nam.
Ory Anna-maria nói: "Tôi gọi tên triển lãm là HỒ TÂY, bởi vì đa số tranh được vẽ vào năm 2017, trên ven bờ Hồ Tây, Hà Nội. Cả về mặt kỹ thuật, cả về lựa chọn đề tài đều có sự hòa trộn văn hóa Phương Đông và Phương Tây, qua đó nối kết hai nền văn hóa gặp nhau ở nhiều điểm, nhưng vẫn khác biệt.
Mối liên hệ của tôi với văn hóa Việt Nam bắt đầu từ khi tôi còn nhỏ. Lần đầu tiên, vào các năm 1987-1989, khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã biết tới “thế giới đặc biệt và huyền ảo này”.
Vì ngay từ khi đó cha mẹ tôi đã yêu Việt Nam, qua họ tôi được nghe nhiều câu chuyện ấn tượng về Việt Nam. Tôi đã được gặp các họa sỹ, các nghệ sỹ Việt Nam khi đó theo học tại Hungary.
Tình yêu văn hóa Việt nam đã đến với tôi qua truyền thống của gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học, là một họa sỹ trẻ, tôi đã tới Hà Nội tổ chức triển lãm lần đầu tiên vào năm 2006.
Sau đó, năm 2010 tôi đã tham gia triển lãm nghệ thuật tạo hình Việt Nam-Hungary tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các năm 2016-2017, tôi có điều kiện lưu lại Việt Nam thời gian lâu hơn, tiếp cận trực tiếp với văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Các bức tranh ở triển lãm lần này, được vẽ tại Hà Nội trong năm 2017, tới được với khán giả nhờ Gallery Đông Phương.”
Ngoài Hà Nội và đặc biệt là khu vực Hồ Tây, thì Ory Anna-maria cũng đã đi thực tế nhiều nơi tại Việt Nam như Huế, Hội An, Quảng Bình, Kontum, Tp. Hồ Chí Minh, Hạ Long, Ninh Bình, Lào Cai...
Chị cũng vô cùng ấn tượng với hang Sơn Đòong. Trước những nhũ đá, những điêu khắc đá tự nhiên, được tạo nên từ những giọt giọt nước nhỏ xuống trong hang, chị luôn tự hỏi, rằng với 2cm nhũ đá mọc lên, thiên nhiên cần tới 100 năm, thì với những nhũ đá cao tới 65m thì thiên nhiên đã cần biết bao nhiêu triệu năm để tạo nên?
Và khi so sánh với vòng đời của một con người, quả thực cuộc sống của chúng ta chỉ nhanh như một chớp mắt trước đá. Ai có thể kiên nhẫn đến thế khi tạo nên một tác phẩm như thiên nhiên? Ory Anna-maria tự nhủ, chị sẽ vẽ một bức tranh khổ lớn về chủ đề nhũ đá nơi đây.
Sau triển lãm tranh "Hồ Tây” tại Hà Nội, Ory Anna-maria sẽ tiếp tục sáng tác tranh về đề tài Việt Nam, song song với việc học hỏi các kỹ thuật vẽ tranh truyền thống của nghệ sỹ Việt. Chị cho rằng, nét văn hóa Việt dần ngấm trong máu chị, và sẽ tạo nên một phong cách vẽ tranh tuyệt vời.