Phạm Viết Hồng Lam: Người nhà quê

Anh đặt tên bức tự họa chân dung mình là: “Người nhà quê”. Họa sỹ của nông thôn Bắc bộ từng được mời định cư tại nước ngoài nhưng nhất định cảm ơn và từ chối, bởi lẽ: Làng quê Việt Nam có những mùi đặc trưng, tôi không thể vẽ được nếu thiếu mùi đặc trưng ấy.

Phạm Viết Hồng Lam: Người nhà quê

Phạm Viết Hồng Lam quê gốc Nam Định nhưng sinh ở Nghệ An. Tên anh gợi nhắc miền đất nơi anh sinh ra, núi Hồng Lĩnh và dòng sông Lam. 

Trong nghề nghiệp, anh là người may mắn vì được nuôi dưỡng trong cái nôi hội họa. Cha anh là họa sỹ Phạm Viết Song, người tự nhận là cụ đồ, đã dạy nhiều lớp họa sỹ Việt Nam trưởng thành, trong đó có hai học trò “cưng”: Họa sỹ, PGS, NGND Nguyễn Lương Tiểu Bạch - Nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ Thuật Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật và Họa sỹ, PGS,NGND Lê Anh Vân - Nguyên Hiệu trường Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam. 

Phạm Viết Hồng Lam kết hôn với họa sỹ Tạ Phương Thảo và gia nhập đại gia đình có 23 họa sỹ cùng làm mỹ thuật. Bố vợ anh chính là họa sỹ Tạ Thúc Bình, người đã vẽ minh họa nhiều truyện tranh thiếu nhi, biểu tượng logo búp măng non của NXB Kim Đồng.

Sống ổn nhờ… quê

Tôi đến thăm Phạm Viết Hồng Lam vào một buổi sáng Hà Nội mưa lất phất. Ngoài kia, người và xe nhộn nhạo, bước vào nơi ở của họa sỹ, lấy làm sung sướng bởi không gian sống thoáng mát, yên bình. 

Phạm Viết Hồng Lam đang sống trong một biệt thự với khuôn viên rộng 500 m2. Anh tâm sự: “Hai tôi (gồm anh và vợ - PV) sống được bằng nghề.Những gì chúng tôi có hôm nay đều nhờ tranh ”. 

Thời điểm vàng, từ năm 2000 đến 2008, mỗi năm anh thu về nửa tỷ đồng từ bán tranh. Đến nay, thị trường đi xuống, anh bán túc tắc: “Vẫn đủ sống”. 

Phạm Viết Hồng Lam là thương binh hạng nặng, đi bộ đội năm 1965, ở chiến trường 5 năm. “Tôi chui ra từ cuộc chiến tranh, cái này là một trong những quà tặng của Nixon (chỉ vào đôi tai bị tàn phá - PV), cột sống, sọ não đều tổn thương. Nếu nói về chế độ thì nhà nước nuôi tôi nhưng tôi không để nhà nước nuôi” - Anh cười hiền.

Một trong những người khuyến khích Phạm Viết Hồng Lam mở triển lãm chính là danh họa Trần Văn Cẩn: “Quá đẹp. Cháu nên làm triển lãm đi”. Quả nhiên triển lãm đầu tiên của anh thành công ngoài mong đợi, 99 bức tranh khoe ra, đã bán được 45 bức.

Nhiều họa sỹ thích định giá tranh của mình tới mức cao ngất ngưởng, còn Phạm Viết Hồng Lam lại khác: “Tây mua được tranh của tôi, ta cũng mua được tranh của tôi, vì giá không quá đắt. Tôi bán cho mọi đối tượng khách hàng với giá như nhau, không vì khách sang mà bán giá cao và ngược lại”. 

Thí dụ một bức tranh phong cảnh (60x80 cm) anh bán với giá tầm chục triệu đồng. Những bức tranh nhỏ nhắn hơn có giá chỉ tầm 4 - 5 triệu đồng. Đúng là nhiều người có khả năng mua tranh của Phạm Viết Hồng Lam, chẳng qua đã đủ yêu hay chưa mà thôi. 

Anh tiết lộ, trong số những khách hàng mua tranh có không ít quan chức. Một trong số đó chính là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Chị ấy cử trợ lí đến mua tranh của tôi”.

Sở dĩ nhiều người thích tranh Phạm Viết Hồng Lam vì anh chuyên vẽ phong cảnh làng quê Bắc bộ ấm êm, tươi rói. Vốn là giảng viên của Trường sư phạm nhạc họa T.Ư, anh hay đưa học sinh vào làng Triều Khúc gần đó để vẽ, anh vẽ cùng học trò. 

Ký ức từ những năm tháng mặc áo lính đóng quân ở nhà quê cùng với những ngày rong ruổi vẽ cùng trò đã khơi nguồn trong anh mảng đề tài lớn: Nông thôn Việt Nam.

Chính bà xã Tạ Phương Thảo là người phát hiện ra khả năng vẽ bột màu của chồng và đã khích lệ chồng sáng tác. Không giống như một số người khác hay khai thác sân sau của nhà quê với “những bụi bặm bếp núc, những thứ lôi thôi xộc xệch”, họa sỹ thương binh vẽ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cùng cỏ cây hoa lá thân mật với đời sống người quê như hoa mướp, hoa bèo, rồi cổng làng, cổng nhà… yên bình, ấm áp.

Năm 1986, anh ra mắt triển lãm đầu tiên. Hội đồng Hội họa Quốc gia lúc đó gồm những tên tuổi đình đám: Huỳnh Văn Thuận, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ… 

Phạm Viết Hồng Lam: Người nhà quê ảnh 1 Tác phẩm của Phạm Viết Hồng Lam: Đừng “ném đá” vô lối.

Sau này, khi tên tuổi đã định, một người Việt Kiều mời anh sang Singapore làm triển lãm (anh là một trong những họa sỹ làm triển lãm đầu tiên ở Đảo quốc Sư Tử). 

Trong cuộc khoe tranh tại nước bạn đã thu hút một tỉ phú người Indonesia. Tỉ phú dẫn con đến phòng triển lãm để mua tranh làm quà sinh nhật cho con. Ông đã hỏi họa sỹ: Anh có muốn ở lại đây không? Nếu ở lại tôi sẽ tạo điều kiện để đưa cả gia đình anh sang. 

Phạm Viết Hồng Lam cười, đáp: “Cảm ơn ông. Tôi chỉ vẽ ở nơi nào có đống rơm, đống rạ, phân trâu, phân bò. Bởi tôi vẽ làng quê Việt Nam mà làng quê của tôi ngoài hoa hoét tưng bừng còn có những mùi đặc trưng. Không có mùi đó tôi không vẽ được”. 

Sau vài chục năm miệt mài cùng làng quê Việt, Phạm Viết Hồng Lam đã chính thức gác bút, chuyển đề tài: “Tôi đã thấy đủ rồi”.

Tranh xé giấy và chân dung bạn bè

Phạm Viết Hồng Lam đang mang trong mình bạo bệnh. Cách đây hơn chục năm anh nhận tin dữ: Ung thư vòm họng. Nhìn anh bây giờ, ít ai nghĩ đến căn bệnh anh đang mang, da dẻ hồng hào, dáng vẻ nhanh nhẹn, trí tuệ minh mẫn. 

Điều đó cho thấy nghị lực sống kiên cường của người họa sỹ kinh qua cuộc chiến: “Từ năm 1987-1990, chấm dứt điều trị, tôi thực hiện chế độ kiêng kị để qua được bệnh ung thư.

Tôi áp dụng phương pháp Bác Hồ dạy, dùng đông tây y kết hợp. Sau tia xạ, sức khỏe sút kém, theo sách đông y, tôi tiết chế ăn uống, ăn gạo lứt muối mè trong ba năm, uống thuốc Bắc để nâng cao sức khỏe, tập thiền và vẽ”.

Chính trong giai đoạn chữa bệnh ung thư, anh đã tìm ra một con đường mới trong sự nghiệp: Tranh xé giấy. “Dạo đó buồn chán không biết làm gì vì tôi đang khủng hoảng về chất liệu bột màu. Tôi bèn giở trò làm thủ công của học trò ra để thỏa mãn, không ngờ lại hiệu quả. Tôi triển lãm thành công”.

Tranh xé giấy của họa sỹ đã bán hơn một nửa, hiện còn giữ khoảng 40 bức chưa từng công bố. Lí do: “Bị bắt chước nhiều quá, người ta copy lại, cả người có danh tiếng cũng cóp. Chán quá!”. Nhưng họa sỹ cũng hé lộ, có thể khi anh đã ra đi thì con trai anh sẽ giới thiệu 40 tác phẩm tranh xé giấy còn lại của cha.

Phạm Viết Hồng Lam: Người nhà quê ảnh 2

Hiện tại, Phạm Viết Hồng Lam đang chuyển sang đề tài mới: Vẽ chân dung bạn bè. Trước khi vẽ ai đó, anh đều gọi điện xin phép đàng hoàng. 

Một trong những tiêu chí lựa chọn nhân vật được anh đặt ra: Phải có phong cách rõ rệt. Trong năm 2014, anh đã hoàn thành 40 bức chân dung bạn bè. Trong đó có những tên tuổi lớn: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…

Phạm Viết Hồng Lam không chỉ vẽ chân dung đơn thuần. Ngắm tranh của anh người ta còn đọc được dấu ấn tác phẩm của người nghệ sỹ đó, bởi trong quan niệm của anh, tác phẩm chính là cái hồn nghệ sỹ: Một Bùi Xuân Phái lồng lộng giữa phố cổ xa xăm. Một Nguyễn Tư Nghiêm biến hóa thần kỳ với 12 con giáp. Một Lê Công Thành ám ảnh với đàn bà. Một Lương Xuân Đoàn bồng bềnh lãng tử. Một Lê Trí Dũng được đặt tên “tay lái ngựa”.

Một nữ họa sỹ khác được gắn với chiếc ghế quyền lực... Trong số 40 chân dung nhân vật Phạm Viết Hồng Lam đã dựng, chỉ có một nhân vật duy nhất không nằm trong làng hội họa là Bác Hồ. Đã rất nhiều nghệ sỹ sáng tác về Bác, song cách của họa sỹ làng quê khá độc đáo: Hình ảnh Bác hiện lên giữa cờ đỏ, sao vàng.

Tôi hỏi: “Bao giờ anh định mở triển lãm chân dung?”. Anh lắc đầu: “Tôi bao giờ cũng đợi chín muồi mới công bố. Và tôi cũng không có thời giờ để làm thủ tục mở triển lãm. Tôi muốn tập trung vào vẽ thôi, quỹ thời gian cuộc đời eo hẹp, bây giờ đi ra ngoài một bước đã thấy tiếc”.

Là một nhà giáo, Phạm Viết Hồng Lam chuẩn mực, từ tốn trong hành động, lời ăn tiếng nói. Là một nghệ sỹ, anh đầy cá tính để bảo vệ những gì mình cho là đúng, không chạy theo số đông. 

Anh không chơi facebook nhưng vẫn thường xuyên theo dõi bạn bè và cuộc sống qua mạng xã hội. Phạm Viết Hồng Lam tỏ ý không hài lòng với thói “ném đá” đang phát triển hiện nay: 

“Nhiều người trong chúng ta hay chê quá, chưa nghe đã chê. Theo tôi, cái gì cũng vậy, phải từ từ lắng nghe rồi hãy phản đối, chứ đừng “ném đá” theo trào lưu”

Anh ủng hộ tượng đài người mẹ ở Quảng Nam: “Hỏi tôi tượng người mẹ ở Quảng Nam có đẹp hay không tôi không thể nói được bởi tôi chưa được trực tiếp tiếp cận thì chưa thể nói về cảm xúc. Nói như vậy là võ đoán. 

Song tôi thấy độc đáo, tượng lấy nguyên mẫu là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng, một công trình quá tuyệt, sao phải ném đá?”.

Phạm Viết Hồng Lam cũng là người ủng hộ con đường gốm sứ sông Hồng: “Thu Thủy (tác giả con đường gốm sứ - PV) vốn là học trò của bố tôi nhưng vì quí mến gia đình mà hay qua lại, khi Thủy làm dự án có nhiều người ném đá, hỏi tôi thì tôi khuyến khích: Cứ làm đi nhưng cháu phải đảm bảo được tính nghệ thuật”. Chính họa sỹ làng quê đã cung cấp tư liệu cho tác giả con đường gốm sứ.

Trên con đường gốm sứ ven sông Hồng hiện nay có một vài bức tranh của Phạm Viết Hồng Lam được biến tấu. Họa sỹ Thu Thủy cũng dùng phác thảo tranh của anh để dựng tranh gốm ở Trường Sa. 

Do điều kiện sức khỏe không cho phép, Phạm Viết Hồng Lam chỉ ngắm tác phẩm của mình qua ảnh, qua ti-vi, anh không tới được Trường Sa. 

Một điều thú vị: Tất cả tranh của Phạm Viết Hồng Lam trên con đường gốm sứ ở Hà Nội hay tranh gốm ở Trường Sa đều được tác giả cho phép sử dụng miễn phí. “Cái gì làm đẹp cho đời thì làm thôi. Không ai muốn phá cuộc đời này cả” - Họa sỹ tâm niệm.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ