Trong khi cả nước đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, thì thị trường mỹ thuật thế giới nóng bỏng không kém khi hàng loạt tranh của các danh họa Việt Nam bị làm giả, làm nhái.
Như Báo GD&TĐ từng nhiều lần phản ánh, đặc biệt về các tác phẩm của danh họa thời kỳ Đông Dương bị làm giả rồi công khai bầy bán. Mới đây, loạt tranh của Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ… bị làm giả và xuất hiện tại các nhà đấu giá quốc tế, như: Tajan, Sotheby’s, Linda Trouve.
Còn trong nước, tác phẩm của nhiều họa sĩ cũng bị xâm phạm bằng đủ mọi hình thức. Nhưng cuối cùng, họa sĩ bị xâm phạm tác phẩm luôn là những người phải chịu thua - thiệt.
Các hoạt động xâm phạm bản quyền mỹ thuật không chỉ ảnh hưởng đến các họa sĩ danh tiếng đã qua đời, mà còn gây nhiễu loạn và làm mất lòng tin của các nhà sưu tập thế giới đối với nền mỹ thuật Việt Nam.
Khi tranh của Việt Nam bị làm giả quá nhiều, rồi bầy bán công khai tại các nhà đấu giá lớn mà không ai lên tiếng, không có cơ quan chức năng nào phản ánh, ngăn chặn. Thì trước sau gì, giá trị mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ giống như “mớ rau, con cá”.
Nhà sưu tập nào dám bỏ tiền ra mua tranh của họa sĩ Việt Nam? Kể cả mua bán có giấy đảm bảo xác thực tranh thật, thì người ta cũng sẽ kiêng dè vì một nền mỹ thuật đã quá tai tiếng. Đã vậy, còn chẳng có cơ quan nào đứng ra bảo vệ, lấy lại sự công bằng cho nghệ sĩ.
Trong thời gian qua, nhiều họa sĩ hoặc thân nhân phát hiện ra tranh của mình bị xâm phạm thì cũng chỉ “tự kêu – tự chịu”. Họ đơn độc chiến đấu mà không có hi vọng. Điều đáng ngạc nhiên, là vai trò của cơ quan chức năng gần như không có, không xuất hiện trong các tình huống này.
Giới nghệ sĩ đặt câu hỏi vai trò của Bộ VH-TT&DL ở đâu? Hội Mỹ thuật Việt Nam ở chỗ nào? Những cơ quan này có chịu trách nhiệm gì về vấn nạn tranh giả hay không? Họ có vai trò phải bảo vệ quyền lợi họa sĩ và thị trường mỹ thuật Việt Nam hay không?
Trong khi câu hỏi chưa được trả lời, thì cách duy nhất mà các họa sĩ cần làm là hãy tự cứu mình. Hãy đăng ký bản quyền tác phẩm hoặc đăng ký chi tiết trên tác phẩm, và giao dịch mua bán phải có hóa đơn. Nhà sưu tập khi mua tác phẩm phải yêu cầu người bán cung cấp hồ sơ, chứng nhận bản quyền…
Nhà giám tuyển độc lập - Ace Lê cho rằng, đã đến lúc phải quyết liệt hơn, từ cả khía cạnh dư luận, truyền thông và luật pháp, để chấm dứt nạn tranh giả gây hại rất lớn cho hội họa Việt Nam.
Hiện khung luật trong nước vẫn yếu, đồng thời hầu hết tranh giả đấu giá ở thị trường quốc tế nên phải chiếu theo luật nước sở tại. Điều này khiến nhà sưu tập có mua phải đồ giả cũng khó mà biết kêu ai. Bởi vậy, cách hiệu quả hiện nay là chia sẻ thông tin với nhau, lên tiếng tẩy chay những trường hợp như vậy.
Và về lâu dài thì Việt Nam cần xây dựng những trung tâm thẩm định uy tín trong và ngoài nước để có tiếng nói khách quan, công minh.