Bền bỉ vẽ minh họa cho các báo và tạp chí để nuôi dưỡng niềm đam mê. Bên cạnh nhiều hoạt động mỹ thuật sôi nổi, ông còn tích cực đấu giá tranh ủng hộ quỹ đẩy lùi Covid-19.
Đấu giá tranh từ thiện
Họa sĩ Đặng Tiến cho biết: Đã nhiều lần, ông cũng như các đồng nghiệp trong giới tặng tranh để bán đấu giá, cùng làm thiện nguyện. “Qua Facebook, tôi có biết mấy người bạn nhà báo kêu gọi mọi người quyên góp tiền ủng hộ y, bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - những người đang vất vả, trực diện trên tuyến đầu chống bệnh dịch Covid-19.
Thấy đây là việc làm tốt đẹp và cần thiết, nên tôi đã chia sẻ lời kêu gọi và đưa bức tranh sơn dầu “Buổi sáng yên tĩnh” - vẽ sau chuyến đi Mai Hịch - lên Faccebook bán đấu giá. Toàn bộ số tiền bán bức tranh (29 triệu đồng) tôi gửi vào quỹ ủng hộ. Rất vui sau đó, nhiều anh chị em họa sĩ tặng tranh bán đấu giá ủng hộ quỹ. Việc thiện, hỗ trợ cộng đồng, hoặc những hoàn cảnh khó khăn, nếu có điều kiện, chúng ta nên tham gia. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, mỗi người một chút” - họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ.
Họa sĩ Đặng Tiến nhớ lại một lần trước đây, sau khi xem tivi, thấy đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng về người và của do thiên tai, ông xúc động quá liền gọi điện cho một số anh em trong Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Hải Phòng phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ thành phố tổ chức triển lãm mỹ thuật từ thiện. Một số bức tranh tại triển lãm được bán lấy tiền ủng hộ đồng bào. “Là họa sĩ, chúng tôi rất vui được đóng góp một chút công sức của mình để hỗ trợ đồng bào khó khăn và lần này là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đang vất vả chống dịch. Cái đẹp (mỹ thuật) đi cùng cái thiện, còn gì ý nghĩa hơn” - họa sĩ Đặng Tiến nhấn mạnh.
Duyên nợ với minh họa
Sinh năm 1963, người con trai đất Cảng Đặng Tiến từ nhỏ đã say mê hội họa. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn, khi ông mới 12 tuổi đã mất cha nên không thể theo học sâu về mỹ thuật.
Ông ngậm ngùi kể: “Ngày trước, muốn học mỹ thuật phải lên Hà Nội - điều đó vô cùng khó đối với tôi lúc ấy. Vậy là tôi cứ mày mò ở nhà vẽ, xem sách. Bất kể quyển sách nào mua hoặc có được, tôi đều giở minh họa ra xem trước, đến nỗi ngay từ lúc bé, tôi đã nhận ra phong cách minh họa của từng họa sĩ. Quyển “Bước đầu học vẽ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ giúp tôi những bước chập chững làm quen với hội họa.
Rồi sau này tôi được tiếp xúc với đàn anh đi trước như họa sĩ Thọ Vân, Nguyễn Hà ở Hải Phòng. Tôi cũng xem tranh qua sách của các bậc thầy nước ngoài - ngày xưa sách cũng hiếm lắm. Họa sĩ Matisse là người tôi chịu ảnh hưởng lúc đầu. Tôi mê vẽ tĩnh vật chính vì thích tranh của ông”. Dù không được đào tạo chính quy, nhưng nhờ nỗ lực vượt bậc, tự nghiên cứu và học hỏi bằng nhiều cách, họa sĩ Đặng Tiến trau dồi được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, nghệ thuật hội họa được ông lưu vào bộ nhớ, đưa tới những thành công trong hoạt động nghề nghiệp sau này.
Ban đầu, bước chân vào con đường hội họa, Đặng Tiến không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí lúng túng vì chịu sự ảnh hưởng khá nhiều các họa sĩ khác. Niềm đam mê bảng màu đã giúp ông sớm vượt qua khó khăn để miệt mài làm việc. Ông tâm niệm: “Nếu một họa sĩ làm việc nghiêm túc, phong cách tự nó sẽ đến. Tôi thường trao đổi với một số họa sĩ trẻ rằng xung quanh chúng ta đã đầy vết chân của những người đi trước, nếu sợ thì đừng vẽ, còn không cứ giẫm bừa lên mà đi. Những người làm việc nghiêm túc, với đam mê và bản lĩnh, sẽ tự mở ra con đường của mình”.
Nhắc tới Đặng Tiến, làng báo nhiều người biết ông vì có nhiều tranh vẽ minh họa cho các báo, tạp chí văn nghệ, nhà xuất bản ở Trung ương, Hải Phòng và địa phương. 36 năm theo đuổi nghề vẽ minh họa và trình bày báo, người họa sĩ này đã có hàng nghìn minh họa. “Chính sự đam mê từ nhỏ cũng như làm việc nghiêm túc đã giúp tôi có nhiều kinh nghiệm và được đồng nghiệp ghi nhận” - ông tâm sự.
Việc vẽ minh họa cũng ít nhiều chi phối công việc chính bởi họa sĩ Đặng Tiến thừa nhận, nhiều lúc vẽ minh họa cũng ngại, nhất là đang sáng tác tranh sơn dầu khổ lớn. Tuy nhiên, khi bạn bè, đồng nghiệp nhờ cậy, ông sẵn sàng tạm dừng sáng tác để vẽ minh họa cho tác phẩm của họ. “Nó là cái nghiệp rồi, không dứt ra được” - họa sĩ đất Cảng cười, nói.
Đổi lại, việc vẽ minh họa cũng bổ sung cho tư duy hội họa của ông. “Khi đọc một truyện ngắn, có thể chưa vẽ ngay nhưng trong đầu tôi đã hình thành bố cục. Nó làm cho đầu mình quen việc suy nghĩ trong sáng tác. Việc vẽ minh họa giúp tôi giản lược các chi tiết khi mình làm hội họa, cả việc luyện hình. Nên dù đang vẽ phong cảnh, nếu quay sang vẽ người, tôi vẫn bắt nhịp ngay được mà không lúng túng gì” - họa sĩ chia sẻ.
Yêu cây và thích vẽ cây
Nhận xét về mỹ thuật đương đại hiện nay, Đặng Tiến cho rằng, có vẻ như bây giờ nhiều tuyên ngôn, tuyên bố về quan niệm nghệ thuật mới, nhưng họa sĩ thành công bởi làm việc tâm huyết, nghiêm túc không nhiều.
Khi chập chững vào nghề, Đặng Tiến vẽ tĩnh vật, rồi vẽ trực họa phong cảnh. Ngày trước họa phẩm hiếm, ông chỉ vẽ bột màu trên giấy, thậm chí giấy báo cũ rồi chuyển sang vẽ bố cục người. Những năm 90 của thế kỷ trước, họa phẩm được nhập khẩu dễ dàng nên ông vẽ nhiều tranh sơn dầu, chủ yếu bố cục người.
Năm 2012, từ Báo Hải Phòng, họa sĩ Đặng Tiến chuyển sang Hội Liên hiệp Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng. Trong vai trò Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, ông tổ chức nhiều trại sáng tác và triển lãm mỹ thuật. Chính việc phải di chuyển nhiều và cảm xúc mạnh mẽ của phong cảnh ngoại thành đã tạo cho ông sự hứng khởi quay lại vẽ phong cảnh.
Xem tranh của ông, dễ nhận thấy vẻ đẹp của thiên nhiên. Đó có thể là bến sông Tam Bạc trong chiều vàng rực rỡ, những mái nhà sàn nơi miền sơn cước heo hút cùng rặng cây lao xao. Xuất hiện trong nhiều bức tranh của Đặng Tiến là chùm xoan tím. Lý giải về việc thích vẽ cây, trong đó có cây xoan, họa sĩ Đặng Tiến cho biết: “Tôi thích cây và cũng thích vẽ cây. Từ bé, tôi hay để ý các loại cây, thích tìm hiểu về chúng. Xoan, phi lao... gợi về ký ức hồi sơ tán ngoại thành nên nhìn thấy chúng là lại tràn cảm xúc. Trong dịp đi vẽ ở đảo Cát Hải, đúng dịp mùa xoan ra hoa, tôi đã kịp đưa những chùm hoa xoan tím vào tranh của mình. Rồi chuyến đi Hòa Bình, cũng vào dịp bạt ngàn xoan đang trổ hoa. Nên tôi vẽ nhiều xoan là vì vậy”.
Đầu năm nay, họa sĩ Đặng Tiến cùng hơn 20 họa sĩ Hải Phòng đi vẽ tại Mường Hịch (Mai Châu, Hòa Bình). “Từ lúc đi học, nghe tên Mường Hịch qua bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, nhưng phải đến 2018 tôi mới có dịp lên đây. Cũng là tình cờ, tôi quen vợ chồng họa sĩ Phạm Việt Vương - Nguyễn Ngọc Hân, năm 2018, họ khai trương homestay tại Mai Hịch (Mường Hịch cũ) và mời chúng tôi. Bây giờ Mường Hịch không như thời Tây Tiến nữa. Dân cư đông hơn, làng xóm khang trang, nhưng phong cảnh vẫn rất đẹp! Với cá nhân tôi, vùng núi phía Bắc nói chung chỗ nào cũng đẹp! Tôi nghĩ, mình có thể lang thang suốt được, để vẽ và tận hưởng không khí, cảnh đẹp ở đó” - ông tâm sự.
Đi nhiều nơi, Đặng Tiến thừa nhận “đất nước mình thật đẹp. Chỗ nào cũng thấy thân thương, gợi cho mình những ký ức, cảm xúc để vẽ. Tôi hay vẽ ở nhà, nhưng thi thoảng đi vẽ thực tế, vừa để thay đổi không khí, vừa lấy tư liệu. Tôi không đặt ra tiêu chí, cụ thể vì đi chỗ nào cũng đều tìm ra nguồn cảm xúc”.
Là họa sĩ chuyên nghiệp, Đặng Tiến rất coi trọng cảm xúc và ông khẳng định: Họa sĩ chuyên nghiệp cũng chính là người phải biết cách tạo cảm xúc cho mình. “Khi bận việc gì đó, hoặc khi ngồi trò chuyện với bạn bè, lúc đi trên đường... tôi thường nghĩ đến bố cục một vài bức tranh nào đó, để khi vào xưởng là bắt tay ngay vào vẽ. Tôi không làm phác thảo như nhiều họa sĩ khác. Mọi thứ tôi nghĩ trong đầu. Bố cục, hòa sắc, cách giải quyết... được tôi sắp xếp sẵn.
Khi ngồi trước tấm toan, tôi chỉ phác tìm hình, đường nét rồi đưa những cảm xúc dồn nén trong người ào vào mặt toan. Tôi vẽ nhanh bởi đã tính toán từ trước, nhưng thời gian nghĩ thì hơi lâu. Có những bức tranh tôi vẽ trong 1 - 2 ngày, nhưng thời gian nghĩ về nó, từ bố cục, hòa sắc, các lớp màu mình sẽ vẽ... nghĩ trước hàng tháng, thậm chí vài tháng. Với họa sĩ, ai cũng vậy, được vẽ, nhất là vẽ những gì mình thích, đều thấy hạnh phúc, vì được trở về với chính con người mình” - Đặng Tiến tâm sự.