(GD&TĐ) - Mới đây, đến thăm phủ Tùng Thiện Vương (phủ thờ Hoàng tử Tùng Thiện Vương, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng) tại 91 Phan đình Phùng - Huế, tình cờ chúng tôi phát hiện tại đây có trồng một loài cây rất lạ. Theo ông Bửu Tố, cháu 4 đời của Tùng Thiện Vương thì có thể đây là loại “mỹ phẩm” làm đẹp của nữ giới ngày xưa…
Ông Bửu Tố và những lùm cây hoa Phấn tươi tốt được trồng hơn 20 năm nay, tại Phủ Tùng Thiện Vương |
Ông Tố cho biết đã phát hiện loài cây này cách đây khoảng 20 năm tại chùa Diệu Đế. Thấy cây lạ, có hoa đẹp, ông lân la hỏi thầy trụ trì thì được biết, đây là loại cây có những đặc tính khác biệt. Cái lạ trước hết là cây nở hoa vào buổi chiều. Bất kể nắng hay mưa, cứ tầm 3 giờ chiều thì cây nở ra những chùm hoa màu huyết dụ và bắt đầu tàn vào sáng hôm sau. Khoảng 3 tháng sau, cây cho quả, dạng hạt, khi chín có màu đen sậm như quả tiêu. Đặc biệt, khi cắn vỡ ra, trong lòng quả chứa một thứ bột trắng ngần, mịn như phấn. Lấy phấn này bôi lên da thì tạo sự láng, mịn và cảm giác mát dịu. Riêng hoa của cây, chà vào lòng bàn tay thì có nước màu hồng, khi bôi lên má làm cho da mặt có màu hồng tự nhiên rất đẹp, nên được dân gian gọi là cây hoa Phấn.
Thấy cây lạ, ông Tố đem về trồng ở Phủ Tùng Thiện Vương. “Ngoài kiến trúc cổ, Phủ Tùng Thiện Vương còn lưu giữ vốn gia tài thơ văn khá lớn của nhà thơ Tùng Thiện Vương, trong đó có hơn 1000 văn bản Hán-Nôm trên gỗ. Đây cũng là nơi thờ tự Ngài cùng mẹ và hai em gái. Từ lâu, Phủ là địa chỉ đến tham quan, thăm viếng của du khách. Tôi muốn trồng tại phủ một số cây có ý nghĩa để làm đẹp thêm quang cảnh của Phủ”- ông Tố bộc bạch.
Quả cây Phấn khi chín có màu đen như hạt tiêu |
Trong không gian vườn tược xanh tươi, Phủ Tùng Thiện Vương hiện nay đặc biệt có cây mai trên 130 năm, do chính tay Tùng Thiện Vương trồng trước khi qua đời. Một cây quất ra quả quanh năm. Trên lối đi dẫn vào phủ là những bụi hoa Phấn là đà, xanh mướt. Ông Tố cho biết: Cây Phấn khá dễ tính, chỉ cần trồng trên đất tốt là phát triển rất nhanh, cho hoa và quả quanh năm. Cách đây vài năm, Trường Đại học Nông Lâm có cho người đến mang cây về với mục đích nghiên cứu. Ông Tố tiết lộ: : “Ngày xưa, khi công nghệ mỹ phẩm chưa xuất hiện, tôi có nghe nói phụ nữ, đặc biệt là phái đẹp chốn hoàng cung thường dùng một số sản phẩm thiên nhiên để làm đẹp. Rất có thể cây Phấn là một trong những loại cây dùng cho mục đích trang điểm này. “Nếu ai đó quan tâm, đầu tư nghiên cứu, biết đâu có thể tạo nên một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Huế từ loại cây hoa Phấn?” - ông Tố ao ước.
Kim Oanh