Bắt đầu từ giữa tháng mười một, đầu tháng mười hai, đi trên những phố phường của Hà Nội, trong tiết trời se lạnh, chúng ta bắt gặp những chiếc xe đạp, đằng sau chở mẹt hoa rung rinh những bông hoa có cánh mỏng tang, trắng muốt, chấm điểm vàng nho nhỏ, xinh xinh. Đó chính là những bông cúc họa mi báo hiệu mùa thu sắp qua, mùa đông đang về.
Nghe nói, cúc họa mi vào thời kỳ cao điểm sẽ nở rộ trong hai ba tuần. Điều đó, làm cho tôi liên tưởng đến tuổi thanh xuân của đời người con gái. Cái tuổi đầu đời thật đẹp, khi cơ thể người phụ nữ đang ở thời kỳ phát triển hoàn thiện nhất, trẻ trung, khỏe mạnh và đầy sức hút.
Có một câu thơ bắt “trend” trên mạng xã hội, nhưng ngẫm thấy đúng:
“Thanh xuân như một ly trà
Ăn vài miếng bánh hết bà thanh xuân”
Ngoảnh đi, nhìn lại, thanh xuân đã trôi qua, để khi nhìn về, chúng ta tự hỏi lòng: Mình đã làm được những gì, đã đi được những đâu để học hỏi những điều mới lạ trong cuộc sống này.
Chúng ta đã sống cháy hết mình, đã khám phá được chính năng lực nội sinh của mình hay chưa?... Để rồi không ít người lại rơi vào cảm giác tiếc nuối, hoài niệm với những gì đã trải qua khi thanh xuân không thể quay trở lại. Chỉ muốn như những bông cúc họa mi này, thời kỳ khoe sắc ngắn, nhưng đã bung là bung hết mình.
Bung cho sắc trắng tràn ngập những con đường, ngõ hẻm; bung cho những ai đi qua, dù vô tâm cũng phải dừng lại để mua một bó hoa về cắm trong nhà, kẻo chỉ mấy hôm nữa thôi, cũng không còn dịp sở hữu những bông hoa đồng nội thanh khiết đó.
Mùa hoa cúc họa mi nở, đi trên phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, trên cây cầu Long Biên già nua, hay bất cứ nơi nào, ta có thể bắt gặp các bà, các chị, các em tuổi mười tám đôi mươi, mặc những tà áo dài đủ màu sắc, tay ôm bó hoa cúc họa mi đứng tạo dáng chụp ảnh.
Ảnh minh họa/INT |
Đó là những bức ảnh đẹp. Đối với các bà, các chị, bức ảnh bên cúc họa mi trẻ trung như phần nào vớt vát tuổi thanh xuân; còn với các em vừa bước vào tuổi trưởng thành, cúc họa mi càng tô thêm sự thanh khiết, bên tà áo dài trắng muốt.
Viết tới đây, tôi lại tự hỏi, tại sao, ai đó đã đặt tên cho loài hoa này là cúc họa mi? Tên một loài chim và một loài hoa tưởng chừng không có sự liên quan nào với nhau?
Cũng không hoàn toàn như liên tưởng của tôi. Được biết, họa mi là giống hoa họ cúc, vốn là hoa dại mọc tự nhiên. Ở châu Âu, người ta gọi bằng các tên khác nhau. Ví như, ở Anh, gọi là “Baby's pet” (nghĩa là hoa của trẻ em); ở Pháp, gọi là “Marguerite”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là hạt ngọc trai; còn ở Việt Nam thì được gọi là “cúc họa mi”.
Nhưng dù có cách gọi tên khác nhau, thì cúc họa mi luôn được thể hiện là loài hoa đặc trưng cho tình yêu chân thành và tình bạn giản dị nhưng đầy trân quý.
Không ai cấm ta cảm nhận cái đẹp và liên tưởng về cái đẹp theo cách riêng của mình. Với cá nhân tôi, vẫn có cảm nhận sự tương đồng giữa cúc họa mi và chim họa mi, không chỉ bởi sự trùng hợp về tên gọi, mà còn cả sự đồng điệu về gốc gác tự nhiên của nó.
Nếu thả hồn vào tiếng véo von, thánh thót của chim họa mi, ta như đang được sống giữa núi rừng bạt ngàn; như được đứng giữa một cánh đồng hoa cúc họa mi trắng muốt như thảm tuyết ở bãi đá sông Hồng, làng hoa Tây Tựu, hay thung lũng hoa hồ Tây cũng đủ làm cho ai đó lãng mạn hơn, thêm yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống này. Và cũng thêm yêu nét riêng có của một loài hoa gắn liền với khúc giao mùa của Hà Nội.
Chim họa mi hót và cúc họa mi nở rộ cũng như đang “hót” vậy. Hoa “hót” một bản nhạc họa theo cách riêng của nó: “Hót” để báo hiệu một mùa đông đang về...