Cúc họa mi

GD&TĐ - Hai năm anh đi xa rồi mà giờ tôi mới về thắp hương cho anh được. Phần vì ở xa, công việc dồn dập, phần vì liên tiếp dịch bệnh.

Cúc họa mi

(Thân tặng nhà giáo Tuyết Mai và học trò Lê Thu Huyền)

Tôi từ miền Nam ra đúng mùa cúc họa mi Hà Nội. Tôi lại nao nao nhớ anh, nhớ về những năm tháng tôi và Mai còn là sinh viên sư phạm Văn khoa. Khi chúng tôi vào năm thứ nhất, anh học năm ba Đại học Bách khoa. Họ cùng quê, lại học cùng trường cấp 3 ngoại thành. Mai thầm thì:

- Chúng mình “để ý” đến nhau từ lúc còn sáng đạp xe đến trường, chiều về cùng làm hợp tác. Đến năm chàng học năm hai đại học, mình học lớp 10 mới ngỏ lời yêu!

Tôi nhìn Mai, ngưỡng mộ:

- Mối tình thật đẹp, Mai nhỉ?

Mai cười rất tươi:

- Cậu cho chàng của tớ điểm mấy đây?

Tôi cười theo:

- Nội cái việc chàng tặng hoa nàng, mình đã thấy và ngưỡng mộ tính cách chàng.

Mai dịu dàng nhìn tôi:

- Thật thế?

Tôi nghiêm túc:

- Chỉ nhìn hoa anh tặng Mai mỗi lần anh đến thăm Mai là mình biết anh yêu Mai chừng nào, giản dị, mãnh liệt nhưng lãng mạn ra sao!

Mai nhoẻn cười:

- Cậu nói rõ mình nghe nào!

Tôi bẹo má Mai:

- Nỡm này! Biết rồi còn hỏi! Những bông hoa họa mi cánh trắng muốt, nhị vàng vàng còn nguyên lá xanh, rất tươi được bó báo cẩn thận, chàng phải đạp xe hoặc xuống bãi đá sông Hồng, hoặc ra tận làng hoa Tây Tựu, tự tay chọn lựa.

Biết rằng hoa nở có thì, nhưng mùa hoa cúc họa mi, có bao giờ trên bàn học của cậu không có? Dân dã, trắng trong, thủy chung và mạnh mẽ - màu hoa, hương hoa chàng tặng nàng, vừa khen, vừa khích lệ, vừa là lời thổ lộ, ý vị làm sao!

Nụ cười Mai thật xinh:

- Ừ! Anh đưa mình ra bãi đá sông Hồng mùa họa mi nở. Anh bảo họa mi là giống cúc hoang dã, mọc nhiều ở ven đường đất Hà Nội, nhưng nhiều nhất ở đây và làng hoa Tây Tựu. Anh chỉ thích hoa ở đây. Hoa mọc lên từ phù sa kẽ đá hút gió sông, khí trời mênh mông, thoáng đãng, lặng lẽ và thanh sạch.

Đúng là hoa tự nhiên, là tinh túy giao hòa của đất, đá, của sóng nước, nắng, gió. Tươi tắn và mạnh mẽ. Hình như hoa sinh ra để tặng người thân yêu, quý mến, cũng là sự bày tỏ tính tình người tặng: Giản dị, thủy chung, chắt chiu sống đẹp! Mình thật sự xiêu lòng về những bông cúc họa mi sông Hồng!

Tôi lại bẹo má Mai:

- Và xiêu lòng về người tặng cúc họa mi sông Hồng!

Sau khi ra trường, họ làm lễ cưới. Đám cưới của họ đúng vào mùa cúc họa mi nở. Bên những cành hoa, bông hoa sang trọng, kiêu sa vẫn là chủ đạo, “điểm nhấn” nổi bật. Hạnh phúc thật sự đẹp với vợ chồng Mai ngày cưới và những năm tháng cùng xây tổ ấm! Cứ cuối thu, chớm đông, cũng là dịp có ngày vui của nhà giáo, là anh lại ra bãi đá sông Hồng hái họa mi về cho Mai cắm bình! Bàn khách, bàn sách của hai người đều có bình cúc họa mi cánh muốt trắng, mỏng mảnh, xinh xinh.

Tưởng như chẳng có gì chia lìa được họ thì hai năm trước họ mất nhau, sau một thời gian anh kiên cường chống bạo bệnh.

... Tôi bảo con đưa ra bãi đá ven sông Hồng. Con tôi ngạc nhiên:

- Nhà bác Mai qua cầu Long Biên, ở Đông Anh mà mẹ?

- Ừ! Mẹ nhớ chứ!

Con tôi vẫn tò mò:

- Thế mẹ ra bãi sông làm gì ạ?

Tôi nói se sẽ:

-  Mẹ ra ngoài ấy hái mấy bông họa mi cúng bác trai.

Con tôi nhìn tôi, ánh nét cười:

- Mẹ ơi! Mùa này con phố nào của Hà Nội cũng có những chiếc xe đạp chở cúc họa mi đi bán. Họa mi không chỉ mọc hoang mà người ta đã đem vào vườn trồng. Chơi họa mi đã trở thành nét đẹp người Thủ đô. Có thể sang Đông Anh mẹ mua cũng được mà!

Tôi nhìn con, giảng giải:

- Mẹ cũng biết chứ! Nhưng mẹ muốn ra tận nơi ngày xưa bác Hòa hái họa mi tặng bác Mai. Những bông họa mi ấy, mẹ cũng được ngắm, con à! Ngày xưa, mẹ và bác Mai cũng ra đấy hái hoa.

Thấy tôi cầm bó cúc họa mi trên tay khi bước vào nhà, Mai rơm rớm nước mắt:

- Cảm ơn, cảm ơn nhiều lắm! Cúc này cậu lại hái ở ghềnh đá sông Hồng!

Tôi gật đầu. Tôi không ngạc nhiên vì sao Mai biết. Tôi nhìn lên bàn thờ anh Hòa thấy một bình họa mi; bàn làm việc của Mai cũng một bình như thế. Đều là họa mi sông Hồng. Tất cả còn tươi nguyên.

Giọng Mai ươn ướt:

- Của cô học trò cũ đấy! Nó tên là Lê. Chiều qua nó ở nơi cách xa tới 300 cây số về. Nó bảo may quá, dịch tạm yên cuối thu, nó phải lao về ngay để hái hoa họa mi dâng chú, tặng cô! Cũng như mọi lần, hễ mùa này về là nó biếu nhà mình họa mi và túm bánh bình dị!

Chờ tôi đưa hoa, quả lên bàn anh và thắp hương mời anh xong, Mai kể:

- Khi biết nhà mình bạo bệnh, cũng từ trên ấy, cháu Lê xin phép cơ quan về. Lúc ấy, anh Hòa đã nhập viện. Cô trò gặp nhau ít phút ở nhà rồi khóa trái cửa cùng nhau vào viện. Nó vẫn kịp cắm một bình họa mi trên bàn anh, rồi cầm đến viện một bó nhỏ và túm bánh. Nó ở với chúng mình đến trưa thì xin phép đi. Chả biết chú cháu nói với nhau những gì mà mình thấy anh Hòa tươi tỉnh ra.

Tiếng Mai trầm trầm:

- Nó đi rồi, anh Hòa bảo: Con bé sao hiểu anh đến thế! Nó biết anh nhớ như đói khát họa mi sông Hồng. Nó ít thời gian mà vẫn ra đấy kiếm về cho anh. Nó tiếp sức cho anh!

Rồi giọng Mai đến lạ:

- Mà này! Cậu thấy lạ lùng không? Anh Hòa nằm viện 11 ngày nữa kể từ ngày con bé về thăm thì bác sĩ nói nhỏ với mình thời gian của anh không còn nhiều, gia đình định liệu. Mẹ con mình bàn nhau đưa anh về nhà, nói với anh là bệnh anh ổn định, về điều trị ngoại trú.

Thật ra anh đã biết rồi, gan không nói thôi. Anh rất vui, đồng ý. Về đến nhà, chúng mình nhìn bình họa mi trên bàn anh vẫn tươi nguyên! 11 ngày đấy! 11 ngày không thay nước mà không một bông héo, một lá úa! Anh bảo: “Diệu kỳ! Hoa nghĩa tình, hoa đợi người!”.

Và cậu biết không! Diệu kỳ của hoa cũng là diệu kỳ của sức khỏe anh! Tưởng bệnh viện trả về là ngày một, ngày hai anh phải ra đi thì anh vượt qua được hơn một năm đấy, mà không phải nằm một chỗ đâu, vẫn đi lại và đọc sách, vẫn cùng vợ con làm việc nhà! Mùa cúc họa mi năm sau, con chúng mình còn đưa bố mẹ ra ghềnh đá sông Hồng thưởng ngoạn họa mi.

Chúng tôi đang trò chuyện thì nghe tiếng xe máy ngoài sân. Mai nhìn ra:

- Vừa nhắc đến con bé thì con bé đến!

Cô gái bước vào nhà, lễ phép chào chúng tôi. Chưa kịp hỏi bạn tôi về tuổi Lê nhưng nhìn cô, tôi đoán Lê cũng xấp xỉ 50. Lê gọn gàng, giản dị, xinh xắn. Tôi yêu nhất đôi mắt. Đôi mắt Lê toát lên sự dịu dàng, thân thiện.

Nghe Mai giới thiệu tôi với Lê, Lê nhìn tôi cười hiền lành:

- Dạ cô! Con nghe u con nói nhiều về cô, nay con mới được gặp cô ạ!

Tôi vui vẻ:

- Cô trò nhà này gọi nhau gần gũi nhỉ?

Cô gái lại cười:

- Cả lớp con gọi u con thế ạ! Trong giờ gọi cô, xưng con. Ngoài giờ là u, con. Mà cả trường, khóa trước con, khóa sau con đa phần gọi thế! Tự nguyện và tự nhiên ạ! Vì cô như người mẹ của chúng con, người mẹ giữ nguyên nét đẹp xưa ạ!

Tôi thiện cảm nhìn Lê, chợt nghĩ tới sự ồn ào vừa rồi về chuyện phê phán thầy cô gọi trò là con.

Lúc Mai có việc đi cùng con trai tôi ra ngoài, còn hai cô cháu, tôi có dịp nói riêng với Lê:

- Cô nghe cô Mai con nói chuyện con, nhất là chuyện những bông cúc họa mi con tặng chồng cô ấy.

Lê cười bẽn lẽn:

- Dạ cô! Không có gì cô ạ! Chúng con trò cũ của cô con, ai cũng làm thế! Chỉ là con thay các bạn thôi.

- Nhưng mà sao con biết sở thích của bác Hòa về họa mi ven sông Hồng?

Lê nhỏ nhẹ:

- Là học sinh u, tới mức thân thiết, u con kể con nghe chuyện tình của u và chú. Con để ý chút là con biết chú chỉ thích họa mi sông Hồng!

Tôi tò mò:

- Chắc con học Văn giỏi?

Lê cười:

- Không cô ạ! Còn dốt nữa ạ. Mới học cô Mai, con bị hai điểm làm văn kém liền. Bài viết đã nông cạn, câu lại nhiều què cụt. Nhưng mà con vẫn không ngại mở bài mình bị cho điểm kém ra xem. Thậm chí mở vở luôn và còn tủm tỉm cười. Cô biết vì sao không? Vì cô Mai bắt lỗi, chữa lỗi bằng thơ. Hì hì... Chẳng hạn:

“Có “nếu” lại chẳng có “thì”

Em viết như thế, câu què nhé em!”

Hay là câu nào thiếu chủ ngữ, cô đánh dấu rồi phê:

“Mới có trạng ngữ em ơi!

Em cất chủ ngữ đâu rồi? - Câu sai!”

Đại để là thế! Tỉ mỉ và nghiêm khắc nhưng cô không làm chúng em sợ.

Tôi cười thích thú. Lê nói tiếp:

- Cho đến bài làm văn thứ 3 thì em được điểm 5. Em vui như mình được 9, 10. Em nghĩ thì ra mình học văn không đến nỗi nào! Em không ngại, không chán học văn nữa. Nhưng sau đó, cô gọi em đến, ngồi đọc chữa bài cho em. Vẫn tỉ mỉ, kỹ càng. Ơ sao vẫn nhiều lỗi thế mà không đỏ lòe chữ đỏ đánh dấu? Mà sao cô vẫn cho 5?

Tôi nhớ nhanh có lần Mai viết cho tôi: Mình còn cho điểm hướng tương lai. Bài nào nó cũng bị kém, chấm đúng là... đúng, là trò chán học ngay, gạch xóa chi chít trên bài làm chúng xấu hổ. Có thể mình chấm không đúng đáp án một hai bài kiểm tra, rèn luyện thường (không phải bài thi) theo hướng có lợi cho học sinh để nó không bi quan. Nhưng mà giấu ngay cả với nó, để nó không nghĩ mình ban ơn.

Tôi vẫn nghe tiếng Lê:

- Con nhận ra thiếu sót của mình, cả những ý đúng mà con nói không ra, nói ra không rõ cô ạ. Con tiến bộ dần. Con kính trọng, biết ơn và gần gũi u con, rồi chú và cả người trong nhà u con từ ngày ấy, việc ấy cô ạ! Được cái, không chỉ cô mà cả chú và các con u con đều quý con.

Tôi gật đầu:

- Thì ra là thế! Một việc làm nhỏ nhưng trách nhiệm thật của nhà giáo nhiều khi ảnh hưởng rõ ràng, sâu đậm tới tình cảm và đời sống của trò, con nhỉ?

Lê nhìn tôi, ấm áp:

- Thưa cô! Vâng ạ! Khi con được phân công lên miền núi nhận công tác, con phân vân. Con gặp chú, chú cầm cành hoa họa mi trên tay bảo con: Con xem này, mọc ghềnh đá nên cành hoa thật phóng khoáng, lá thật xanh, cánh thật trắng, nhụy thật vàng. Đẹp con nhỉ? Hình như chú biết tâm trạng con. Con nhận quyết định và có ngày hôm nay.

Tôi trìu mến ngắm cô trò cũ của bạn mà liên tưởng tới đóa cúc họa mi. Lê thực sự là một đóa họa mi ghềnh đá sông Hồng.

Bắc Giang, tháng 5/2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.