Hoa hồng thay thuốc phiện

GD&TĐ - Đứng trên 1 ruộng hồng phía Đông Afghanistan, nông dân Mohammad Din Sapai đang cẩn thận mà nhanh chóng nhổ từng cánh hoa hồng cho vào túi. Những cánh hoa tinh tế sớm sẽ được biến thành tinh dầu và nước hoa để xuất khẩu trên toàn thế giới. 

Hoa hồng thay thuốc phiện

Hoa hồng đang trở thành 1 phương án trồng trọt mới đối với nông dân tỉnh Nangarthar, thay thế cho cây thuốc phiện – loại cây đã tạo nên xung đột trên cả nước khi được đem bán.

Sapai là 1 trong hơn 800 nông dân thuộc tỉnh Nangarthar nằm ngay cạnh biên giới Pakistan hưởng lợi từ dự án “Hoa hồng cho

Nangarhar” – 1 dự án chung của Đức và Afghanistan được bắt đầu vào năm 2007 nhằm khuyến khích các nhà trồng thuốc phiện đổi sang 1 loại cây trồng khác hợp pháp mà vẫn thu được lợi nhuận.

Sapai cho biết, dự án cung cấp cho nông dân hạt giống, trang thiết bị nuôi trồng và thậm chí trả tiền cho họ trong năm đầu tiên khi họ còn chưa có vụ thu hoạch nào.

“Hiện tại, tôi có tổng cộng 600 cây và thu thập được 1.200 kg cánh hoa mỗi vụ” – ông trao đổi thêm.

Thuốc phiện được kinh doanh mạnh mẽ tại Afghanistan, trong đó Nangarthar là tỉnh trồng cây thuốc phiện (hay còn gọi là cây hoa anh túc) lớn thứ 6 trên cả nước. Theo các con số chính thức cho thấy, sản lượng thuốc phiện tại Afghanistan tạo nên 1 mức kỷ lục mới trong năm ngoái, tăng lên 87% so với năm trước đó và ước tính rơi vào khoảng 9.000 tấn thuốc phiện.

Tuy nhiên, Sapai vẫn rất vui vẻ với việc trồng hoa hồng. Ông kiếm được đủ tiền để trang trải cho gia đình và khẳng định trồng hoa hồng tốn ít chi phí cũng như công sức hơn. Ông dự định sẽ chuyển sang trồng rau củ khi mùa hoa hồng kết thúc vào tháng 5.

Vào cuối năm 2014, Nangarhar tràn ngập những chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo IS và nhanh chóng biến tỉnh này thành 1 trong những thành trì của chúng. Phiến quân Taliban cũng xuất hiện trong khu vực này và những quả mìn đặt trên con đường dẫn tới các ruộng hồng luôn là mối nguy hiểm thường trực với nông dân nơi đây.

Nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi, tại ngôi làng Omar Qala gần đó, giáo viên Sha Zaman cũng bị thuyết phục bởi lợi ích của việc trồng hoa hồng thay vì hoa anh túc. Ông dự kiến sẽ thu hoạch được 1 tấn cánh hoa trong năm nay. “Hoa hồng tốt hơn nhiều... Tôi kiếm được nhiều tiền từ hoa hồng. Chúng có sức chống chịu tốt và không đòi hỏi nhiều chi phí cũng như sức lực như hoa thuốc phiện” – ông Sha Zaman chia sẻ.

Khan Agha, đại diện cho Afghan Rose Ltd tại quận Dara-e-Noor – một công ty nổi lên từ dự án, đồng ý với ý kiến của Zaman. Ông cho biết: “Hoa hồng không yêu cầu tưới nước, bón phân và chăm sóc như cây thuốc phiện. Cây hoa hồng cũng có độ bền lớn hơn nhiều, với tuổi thọ từ 30 - 50 năm trong khi cây thuốc phiện luôn phải được trồng lại cho mỗi mùa”.

“Chúng tôi có hợp đồng vững chắc với các nông dân trồng hoa hồng trong đó yêu cầu họ dừng trông cây thuốc phiện và bất cứ loại ma tuý nào khác. Những nơi nuôi trồng hoa hồng của chúng tôi hoàn toàn không có bóng dáng của cây thuốc phiện” - ông nói thêm.

Giống hoa hồng được gieo trồng ở đây là hoa hồng Damask, được mang đến từ Bulgaria bởi người Đức nhưng là 1 loài đặc hữu ở Afghanistan, theo như thông tin từ

Mohammad Akbar Mohmand, chủ sở hữu của Afghan Rose Ltd. Tinh dầu hoa hồng của họ nay được cung cấp cho nhiều công ty của châu Âu, bao gồm cả thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ của Đức Dr. Hauschka - một tập đoàn với những sản phẩm có giá vượt xa mức mà 1 người Afghanistan có thể mua nổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ