Hoa hậu Hương Giang: “Dạy con quy tắc càng sớm càng tốt“

Là bà mẹ của một cô công chúa nhỏ hơn 3 tuổi, và chuẩn bị đón bé thứ hai chào đời, Hoa hậu Hương Giang đã trò chuyện với Đẹp Online về cách nuôi dạy trẻ mà chị đã áp dụng và khá thành công.

Hoa hậu Hương Giang: “Dạy con quy tắc càng sớm càng tốt“
Hoa hau Huong Giang:

Hoa hậu Hương Giang và con gái - bé Tiểu Panda

Dạy con quy tắc càng sớm càng tốt

- Có nhiều cách dạy trẻ được các bà mẹ Việt tôn sùng như của mẹ Hổ, của Mỹ, Nhật, Pháp… và đương nhiên không thể thiếu kiểu dạy truyền thống của người Việt - là bà mẹ đang có con nhỏ, chị chọn c ách nào để dạy con?

- Khi sinh Tiểu Panda (tên gọi ở nhà của con gái Hương Giang - PV), vì lần đầu được làm mẹ nên tôi tìm hiểu rất nhiều phương pháp nuôi dạy con. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm riêng và tôi muốn học tinh thần và những nguyên tắc cơ bản của từng phương pháp chứ không áp dụng hoàn toàn cách nào. Ví dụ như việc ăn uống, vừa có tinh thần của mẹ Pháp để con chấp nhận ăn những thứ được mẹ nấu mà không đòi hỏi mè nheo, vừa có cách của mẹ Nhật trong cách nấu, không gia vị, tăng ăn thô dần dần. Hai phương pháp đều thống nhất cách cho con ngồi ăn độc lập như một thành viên chứ không phải là trung tâm của cả nhà như những gia đình Việt.

Hay tôi vẫn để con ngủ riêng trong cũi, giường rồi phòng riêng như các bà mẹ Tây chứ không ôm ấp, ru ngủ nhưng vẫn nằm cạnh con mỗi tối tới khi con ngủ, vì với tôi đây là khoảng thời gian thư giãn nhất của hai mẹ con, được kể chuyện, hát hò và trò chuyện vui vẻ. Tôi không phải tuyp mạnh mẽ, cứng nhắc như mẹ Hổ, tôi thường nói chuyện nhẹ nhàng và phân tích đúng - sai cho con. Dọa dẫm trừng phạt chỉ dành cho kẻ thù chứ không phải với con trẻ.

Tôi nghĩ tùy theo hoàn cảnh từng gia đình và thời gian mà các mẹ nên linh hoạt chứ đừng cứng nhắc áp dụng phương pháp nào. Phương pháp nào cũng có ưu nhược điểm riêng, đừng ngại ngần biến hóa nó phù hợp với tính cách của mình và của con.

Hoa hau Huong Giang:

- Chị có thể chia sẻ phương pháp dạy con gái ở từng giai đoạn? Tiểu Panda có hưởng ứng phương pháp của mẹ hoặccó bao giờ "vùng lên" chống lại mẹ không?

- Một người bạn chia sẻ với tôi rằng, tính cách của bé hướng ngoại hay hướng nội được hình thành từ khi sinh ra tới 1 tuổi , nên khi bé vừa được một tháng và tôi bình phục lại sau sinh thì đã đưa bé đi ra ngoài và gặp gỡ mọi người: đi siêu thị, công viên, trung tâm thương mại. Chỉ cần tránh nơi quá đông đúc, ồn ào và giữ vệ sinh sạch sẽ cho con là được. Khi con thức, cha mẹ trò chuyện với con càng nhiều càng tốt sẽ giúp con học được cách lắng nghe. Hay trì hoãn chút xíu mỗi khi con khóc để con học cách tự kiềm chế,... Bất cứ lúc nào ở bên cạnh con, cha mẹ cũng có thể dạy cho trẻ một điều gì đó để rèn luyện tính cách. Tôi nghĩ nên dạy con quy tắc càng sớm càng tốt thì con sẽ dễ hình thành thói quen. Càng lớn, con sẽ có suy nghĩ độc lập của mình và biến thói quen đó thành hành động hàng ngày. Ví dụ như khi ăn uống phải ngồi một chỗ, tự ăn và cảm ơn người nấu, ăn hết phần thì xin phép ra khỏi bàn; biết cảm ơn - xin lỗi - xin phép là những quy tắc lịch sự cơ bản phải thực hiện với cả những người thân trong gia đình.

Quan trọng nhất là trong gia đình các thành viên phải thống nhất cách dạy, bất cứ mâu thuẫn nhỏ nào cũng sẽ rất dễ bị các con phát hiện và lợi dụng để mè nheo. Thêm nữa, nên có ít nhất 3 người trong quá trình phát triển của bé với tính cách bổ sung cho nhau để bé được phát triển toàn diện. Đó có thể là bố - mẹ - ông bà, hoặc bố - mẹ - người giúp việc/ họ hàng gần gũi với bé để chăm sóc và dạy dỗ bé hàng ngày. Tính cách của những người chăm sóc bé ảnh hưởng rất nhiều tới việc bé có độc lập, bạo dạn, ham khám phá và biết cư xử hay không.

- Và chị thấy hiệu quả của việc kết hợp các phương pháp nuôi dạy ấy ra sao?

- Tính cách của Tiểu Panda đến thời điểm này khá ổn. Con biết lắng nghe người khác và cũng bày tỏ suy nghĩ của mình, dễ hòa nhập, thích khám phá và biết tôn trọng không gian chung - riêng. Có những khoảng thời gian con khó chịu, khoảng 2-3 tuần bỗng dưng thay đổi, cáu kỉnh hay đột nhiên bám mẹ, tôi phải điều chỉnh và để con dần qua giai đoạn ấy. Khi bé đang cáu giận, tôi hỏi bé những câu ngắn, đơn giản, lựa chọn "có- không" mà không cần giải thích hay khuyên nhủ nhiều. Lúc này bé sẽ không muốn nghe mẹ cằn nhằn, cũng giống như người lớn không thích nghe người khác nói nhiều lúc mình đang cáu kỉnh vậy.

Nếu con muốn khóc, cho con quyền được khóc vì đó là cách bé giải tỏa ức chế, mẹ nhẹ nhàng ôm và xoa bé sẽ làm con dịu lại. Tuy nhiên cũng tùy theo bé mà thiết lập các quy tắc như không được ném đồ, nằm lăn ra đất ăn vạ hay chạy ra phía người thân khác nhờ giúp đỡ. Tiểu Panda được rèn để không bị những thói quen đó từ nhỏ nên tôi cũng khá dễ dàng với bé bây giờ. Bây giờ Tiểu Panda đã hơn được 3 tuổi, ở lứa tuổi này, tôi không đòi hỏi gì hơn.

Hoa hau Huong Giang:

- Trong tất cả những giai đoạn phát triển của Tiểu Panda, giai đoạn nào khiến mẹ Hương Giang khủng hoảng và khó xử nhất?

- Dĩ nhiên là giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 3"’ là lúc khiến tôi đau đầu nhất. Tất cả các phương pháp đều không có tác dụng hoàn toàn. Lúc thì để cho con tự lựa chọn, lúc thì con bám dính lấy mẹ , lúc thì con nói "không" với mọi thứ. Tùy từng trường hợp mà phải thay đổi phương pháp dạy, song tôi vẫn duy trì nguyên tắc không nhượng bộ cho những thói quen xấu của con, nếu nhượng bộ con sẽ đòi hỏi, ăn vạ và "uy hiếp" bố mẹ. Rồi quãng thời gian đó cũng qua với vài lần con bị phạt nặng nhất là time out - đứng một mình trong 1-2 phút tùy độ tuổi. Tôi nhận thấy, muốn dạy con, bố mẹ cũng phải học và thay đổi từng ngày cho phù hợp với con.

- Còn bố của Tiểu Panda thường dạy con gái những gì?

- Chồng tôi cùng ở bên để chăm sóc và dạy dỗ con. Hai vợ chồng tôi cùng thống nhất cách dạy, dù đôi khi anh hay chiều cô gái nhỏ. Cách bố dạy con thường mạnh mẽ, nhanh nhẹn và cũng làm con vui vẻ, cười nói nhiều hơn.

- Đến bây giờ, Tiểu Panda đã biết làm những gì rồi?

- Giống như các bạn cùng tuổi, Tiểu Panda đang thích được tự làm mọi thứ và thử cái mới, thích giúp đỡ bố mẹ. Tôi khuyến khích để con bằng những câu "cái gì cũng phải thử một tí chứ" , "con làm lại 3 lần nữa đi" , "con làm được mà" , "gần được rồi"... Những câu nói tích cực sẽ làm bé hào hứng và sẵn sàng khám phá. Mẹ cũng thấy vui vẻ hơn để sẵn sàng dọn dẹp đống đồ con bừa bộn.

- Theo chị, dạy con gái cần lưu ý gì đặc biệt?

- Con gái hay con trai cũng đều cần biết tôn trọng không gian chung - riêng mỗi nơi mình tới. Tôi khuyến khích con tham gia tất cả các trò chơi cả của con trai, con gái, chứ không nghĩ là bé gái chỉ chơi các trò nhẹ nhàng, nấu ăn, búp bê. Tùy từng giai đoạn mà con thay đổi sở thích của mình và tôi ủng hộ con.

Tôi rất ít khi nói với con "con là con gái nên con phải..." vì tôi nghĩ giới tính không phải là vấn đề trong việc dạy con các quy tắc lịch sự. Chỉ với các vấn đề về an toàn cá nhân, tôi mới dạy con cặn kẽ riêng.

Giúp con làm quen với việc có em

Hoa hau Huong Giang:

- Thời gian Tiểu Panda còn trong bụng mẹ, chị giáo dục thai nhi thế nào? Và khi mang bầu bé thứ hai, có thay đổi gì khác biệt?

- Tôi tin vào hiệu quả của thai giáo. Cách bố mẹ trò chuyện với con và thư giãn bằng âm nhạc, hội họa, sách giúp tâm trạng người mẹ ổn định, vui vẻ và thai nhi cũng phát triển tốt hơn.

Ví dụ như với âm nhạc, có hai bài piano tôi thường nghe lúc tiểu Panda còn trong bụng. Tới tận vài tháng sau khi sinh ra, nghe nhạc piano khác thì không sao nhưng cứ nghe hai bài đó là con bắt đầu mếu máo khóc. Chắc là con nhớ đến lúc ở trong bụng chật chội (cười). Với bé thứ hai Polar (tên gọi ở nhà của bé thứ hai sắp chào đời - PV) ), tôi vẫn dùng âm nhạc để thư giãn và tin là con cũng đang nghe thấy cùng mẹ.

- Bé thứ hai cũng sắp chào đời, chị đã ‘’soạn giáo án’’ dạy em của Tiểu Panda ra sao?

- Thời gian từ lúc chào đời cho đến khi Polar một tuổi, thú thực tôi sẽ không quá lo lắng việc dạy con mà sẽ dành nhiều tâm sức hơn để Tiểu Panda làm quen với việc có em. Con cần thời gian để hình thành suy nghĩ và thói quen khi nhà có thêm thành viên mới và con sẽ cần bố mẹ hơn trước.

- Vừa qua, Hoa hậu Diễm Dương chia sẻ clip cho con trai học bơi từ khi 6 tháng tuổi, clip này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người ngưỡng mộ cũng có nhiều người chỉ trích vì thấy Hoa hậu Diễm Hương “thản nhiên” đứng quay clip con trai bị ‘’quăng’’ xuống nước. Nhiều bà mẹ cho rằng bé còn nhỏ quá, học bơi như vậy rất nguy hiểm. chị thấy sao?

- Tôi đã xem clip của bé Noah (con trai Hoa hậu Diễm Hương – PV) và rất thích thú khi thấy con tự biết bơi ngửa. Nếu lần đầu xem clip thì sẽ có người thấy bố mẹ sao "ác" thế, làm sao con chịu được. Nhưng thực ra phương pháp dạy nổi và dạy bơi cho bé sơ sinh đã rất phổ biến ở nước ngoài, và người thực hiện cho Noah cũng là cô giáo được đào tạo chứ không phải tự dưng bố mẹ đem con quẳng xuống hồ cho tự bơi. Con đã được học để kích thích bản năng bơi, nổi và thực hiện trong sự bảo đảm an toàn.

- Theo chị, dạy con theo kiểu truyền thống của người Việt có điều gì hạn chế?

- Phương pháp dạy con của người Việt có ưu điểm là con cái gắn kết với ông bà, cha mẹ, song đôi khi bé không được tôn trọng suy nghĩ riêng mà luôn được yêu cầu phải nghe lời người lớn. Trong gia đình con được coi là trung tâm của cả nhà khiến cho bé bị kỳ vọng quá nhiều, hoặc cái tôi lớn, hoặc quen phụ thuộc vào bố mẹ. Tôi luôn tôn trọng con như một cá thể độc lập có suy nghĩ riêng và việc của bố mẹ là định hướng cho con có những suy nghĩ đúng đắn.

- Đến độ tuổi đi học, mẹ Hương Giang muốn cho con học trường quốc tế hay trường công?

- Gia đình tôi đang sống ở nước ngoài nên tiểu Panda học trường quốc tế từ khi con 16 tháng. Con hòa nhập nhanh và rất thích được đi học. Trường quốc tế có ưu điểm là có nhiều bạn từ các nền văn hóa, màu da khác biệt nên con sẽ có suy nghĩ cởi mở, dễ chấp nhận cái mới và tôn trọng sự khác biệt.

- Quan điểm của chị về chuyện học hành của con?

- Tôi nghĩ học kiến thức chiếm 50% mục đích của con khi tới trường. Một nửa còn lại là cách con học sinh hoạt tập thể cùng nhóm bạn, biết thể hiện bản thân và tôn trọng các bạn. Học cách chơi và bắt đầu học cách điều chỉnh các mối quan hệ ngoài gia đình. Điều này vô cùng quan trọng trong sự phát triển của con.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Bài: Thùy Dương
Ảnh:Tâm Bùi
Stylist: Hồng Hạnh
Makeup & Hair: Phước Lợi

Theo Đẹp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.