Sáng 26/01, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức giao lưu với những "Nữ biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong Mậu Thân 1968" và Tân hoa hậu Hoàn vũ H’hen Niê là khách mời đặc biệt của chương trình.
Với đội nữ biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong Xuân Mậu Thân 1968 đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”, với tinh hoa và đặc thù chiến đấu trong lòng địch họ đã góp phần làm nên 16 chữ vàng: “Đoàn kết một lòng – Mưu trí vô song – Dũng cảm tuyệt vời – Trung kiên bất khuất”.
Hoa Hậu H’hen Niê tham gia chương trình "Nữ biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong Mậu Thân" |
50 năm sau, những con người anh hùng năm xưa giờ người còn người mất, nhưng họ vẫn nhớ như in thời kỳ anh hùng của lực lượng.
Trong chương trình giao lưu, hoa hậu H’hen Niê đã nghe những câu chuyện về Nữ biệt động năm xưa. Câu chuyện “ấn tượng’ nhất đối với Hoa hậu là câu chuyện của nữ biệt động Nguyễn Thị Mai, sinh ra Quảng Nam, từ nhỏ đã làm giao liên, là tổ trưởng tổ trinh sát điều động trận đánh Chí Hoà. Bà bị địch bắt đưa vào bốt Hòn keo. Bọn địch tra tấn bà Mai hết sức dã man, hết điện nước rồi lại treo ngược hai chân lên để hai thằng lấy bao cát đánh. Nếu giãy một hồi thì rớt xuống sụp xương sọ. Nhưng bà nhất định không khai một lời nào.
Và câu chuyện của bà Lại Thị Kim Tuý, sinh ra ở Long An, 15 tuổi đã tham gia cách mạng, bà tham gia Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đêm 30 Tết cùng 43 chiến sĩ đánh vào Phú Thọ Hòa. Trong trận này, đơn vị của bà Kim Túy đã bắn cháy 3 xe bọc thép và bắn rơi 1 trực thăng địch. Trong trận đánh ấy 38 đồng đội của bà đã hi sinh để giành độc lập cho đất nước.
Còn bà Đoàn Thị Nhỏ là giao liên trinh sát hoạt động trong nội thành. Từ sáng sớm mùng 1 Tết, bà mang theo con trai Nguyễn An Tây, khi đó mới 2 tuổi, bí mật đón 11 chiến sĩ biệt động ở Trảng Bàng Tây vào nội thành tấn công vào 9 cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy ngay trong Tết Mậu Thân 1968.
Hình ảnh chiếc áo dài Hoa hậu sẽ trao cho Bào tàng Nam bộ. |
Những câu chuyện về các hoạt động của nữ biệt động Sài Gòn đã làm cho hoa hậu H’hen Niê xúc động mạnh. Trong chương trình giao lưu ông Phan Văn Hôm – Chuẩn úy Trung Đội biệt động Sài Gòn đã chia sẻ thêm: cho đến bây giờ ông rất biết ơn những con người quả cảm như thế. Những nữ biệt động vừa trung kiên vừa dũng cảm, dám nghĩ, dám làm. Nếu bị bắt tù đày, tra tấn chị em đều chịu đựng không hé răng khai một lời.
Trong chương trình giao lưu này, ngoài vai trò khách mời đặc biệt, Hoa hậu H’hen Niê còn trao quà tặng cho các nhân chứng sống của chiến dịch Xuân Mậu Thân và là người trao chiếc áo dài cho bảo tàng Nam Bộ.
Hoa hậu chia sẻ: “Được gặp các cô giúp Hen có thêm cảm hứng cho cuộc sống này. Các cô đã chiến đấu hết mình vì đất nước, và là hình mẫu lý tưởng để các bạn trẻ học hỏi. Ngoài ra, việc được chọn là người trao chiếc áo dài cho bảo tàng là niềm vinh dự to lớn với Hen”.
Hoa hậu gửi ngàn “Like” dành cho U23 Việt Nam trước trận chung kết. |
Sau khi kết thúc chương trình giao lưu trước sự chứng kiến mọi người, hoa hậu H’hen Niê đã đứng chụp ảnh cùng cờ đỏ sao vàng và làm động tác giơ tay ra hiệu “Like” để dành cho đội tuyển U23 trước trận đấu chung kết chiều ngày 27-1 (ý nghĩa của việc giơ tay như vậy là dấu hiệu giới trẻ hiện nay vẫn biểu hiện tình cảm là “Tôi yêu các bạn, dành cho các bạn ngàn Like”)
Lời động viên, cổ vũ của Tân Hoa hậu H’hen Niê gửi tới các chàng trai U23 nước nhà như sau:
"Hen xin chúc tất cả các cầu thủ sẽ có được nhiều sức khỏe, có nhiều đột phá, mang vinh quang về cho đất nước Việt Nam. Hen xin dành những lời tuyệt vời nhất của mình tới các cầu thủ"