Sở GD&ĐT Hòa Bình vừa tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục tiểu học.
Báo cáo tại hội nghị cho biết: Năm học 2019 - 2020 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, học sinh phải nghỉ học kéo dài để phòng, chống dịch Covid-19. Khắc phục khó khăn, ngành GD&ĐT Hòa Bình, đặc biệt là khối tiểu học nói riêng đã có nhiều nỗ lực.
Ngành đã tích cực triển khai việc ôn tập, dạy học trực tuyến; đổi mới từ kế hoạch dạy học, phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá, cách tiếp cận điều kiện dạy học cũng như tổ chức quản lý quá trình dạy học, giáo dục.
Đồng thời, tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục tiểu học.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 31/35 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 88,57% (trong đó 10 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); 35/190 trường phổ thông có cấp tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Có 83.541 học sinh tham gia đánh giá, trong đó, 98,6% học sinh hoàn thành môn Tiếng Việt, 98,9% học sinh hoàn thành môn Toán.
Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Kim Tuyến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đã đạt được của cấp học Giáo dục tiểu học trong năm học 2019-2020 và công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa GDPT năm 2018 đối với lớp 1.
Trong năm học 2020-2021, Giáo dục tiểu học tỉnh Hòa Bình cần chủ động tham mưu UBND huyện/thành phố bố trí, sắp xếp, khắc phục tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ, tỷ lệ không đồng đều giữa các trường, đảm bảo đủ 1 giáo viên tiểu học/lớp.
Đối với giáo viên khối lớp 1 cần phải ưu tiên đảm bảo chất lượng, số lượng theo quy định. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục về thực hiện Chương trình GDPT 2018; tổ chức soạn bài theo sách giáo khoa mà các trường đã lựa chọn.
Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, nâng cao công tác quản lí, sử dụng và bảo quản đồ dùng dạy học, bảo dưỡng, bảo quản thiết bị hiện có, khai thác tận dụng hiệu quả tiết kiệm chi phí mua sắm, đầu tư.
Tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học. Các trường chưa đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp cần có kế hoạch sắp xếp bố trí lịch học, thời khóa biểu đảm bảo đạt 30 tiết/tuần cho lớp 1.
Triển khai đánh giá chất lượng đầu năm làm cơ sở cho việc ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. Tuyệt đối không để tình trạng học sinh lên lớp 2 mà chưa biết đọc, biết viết.
Tăng cường công tác tuyên truyền lộ trình thực hiện chương trình, kết quả lựa chọn sách giáo khoa, các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để xã hội hiểu và chia sẻ, đồng thuận với các chủ trương đổi mới về giáo dục tiểu học.