Tăng cường bồi dưỡng giáo viên
Bà Đinh Thị Hường- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và 6. Khác với học sinh lớp 2 đã có năm lớp 1 được làm quen với chương trình GDPT mới, các em lớp 6 đã trải qua suốt 5 năm bậc tiểu học học theo chương trình cũ. Sự thay đổi này sẽ khiến thầy, trò cũng như các bậc phụ huynh không tránh khỏi sự bỡ ngỡ.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình lớp 1 trong năm học trước, Sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chuẩn bị kĩ lưỡng từng hạng mục. Đối với bậc THCS, cụ thể với giáo viên lớp 6, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, nhà trường tổ chức cho toàn thế cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình GDPT mới.
Sở đã mời Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm tập huấn cho cán bộ quản lý về chương trình GDPT mới và định hướng đổi mới GD&ĐT, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CBQL, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Ngoài ra, Sở đã ban hành công văn hướng dẫn triển khai cho cán bộ quản lý cấp THCS về công tác đổi mới GDPT, trong đó chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn trong các nhà trường tiếp tục xây dựng phát triển chương trình môn học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; dự báo những thuận lợi, khó khăn và đề xuất những giải pháp giải quyết khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT.
Sở đã cử 24 tổ trưởng chuyên môn cấp THPT và 32 tổ trưởng chuyên môn cấp THCS tham dự tập huấn về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do dự án RGEP tổ chức và yêu cầu các đơn vị có giáo viên là tổ trưởng chuyên môn tham gia tập huấn phải báo cáo, triển khai tập huấn cho toàn thể giáo viên trong nhà trường.
Hiện nay, đã có 39 cán bộ quản lý cốt cán, 210 giáo viên cốt cán cấp trung học cơ sở tham gia và hoàn thành các đợt tập huấn nội dung Modul 1, Modul 2, Modul 3 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do Học viện Quản lý Giáo dục và Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức.
Cũng trong năm học 2020-2021, Sở đã tổ chức và triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên đã hoàn thành tập huấn cho 100% lãnh đạo, chuyên viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên đại trà với 2 hình thức bồi dưỡng trực tuyến và bồi dưỡng trực tiếp. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tập huấn cho 100% tổ trưởng chuyên môn, giáo viên tiếp cận và nắm bắt được nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Tính đến thời điểm hiện tại, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong tỉnh cơ bản đã đảm bảo về số lượng, được tập huấn đầy đủ về nội dung Modul 1, 2 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và nội dung giáo dục STEM, sẵn sàng để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Sớm hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương
Ông Hoàng Ngọc Ánh- Trưởng Phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT Hòa Bình) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 233 trường có cấp THCS, trong đó có 1.818 lớp học với 1.899 phòng học, 433 phòng học bộ môn, 182 phòng học tin học, 205 phòng thiết bị. Về cơ bản đảm bảo cho việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày.
Cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, khâu chọn SGK có ý nghĩa rất quan trọng. Vừa qua, Sở đã phối hợp với các nhà xuất bản giới thiệu bộ SGK lớp 2, lớp 6 đến các phòng GD&ĐT, đơn vị, nhà trường theo hình thức trực tuyến. Các tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp đặc điểm KT-XH địa phương, phù hợp điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục.
Đến thời điểm này, bản mẫu SGK định dạng pdf lớp 2, lớp 6 cũng được các nhà xuất bản đưa lên website và cung cấp tài khoản cho giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn bộ SGK phù hợp.
Đối với việc biên soạn và thẩm định tài liệu "Nội dung giáo dục địa phương” dành cho học sinh lớp 6, Sở GD&ĐT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan cung cấp ngữ liệu để tiến hành biên soạn.
Sở đã phối hợp tích cực với Ban Quản lý Dự án Giáo dục trung học cơ sở khó khăn nhất, giai đoạn 2 và Công ty Cổ phần In và Thương mại Trường An thực hiện việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và xuất bản, phát hành sách.
Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành bản mẫu lần 1; thực nghiệm tại một số huyện; lấy ý kiến các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố về khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS; tiếp tục hoàn thiện khung chương trình và trình UBND tỉnh ban hành, tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa và tiến hành thực nghiệm.
Ngoài ra, Sở đã yêu cầu các đơn vị trường học triển khai dạy thực nghiệm và góp ý tài liệu giáo dục địa, yêu cầu các nhà trường giao cho các giáo viên đúng chuyên môn hoặc có chuyên môn gần các lĩnh vực của bài học trong tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 nghiên cứu và có ý kiến nhận xét.
Để đánh giá tính hợp lý và hiệu quả các bài học được biên soạn trong tài liệu, Sở đề nghị giáo viên được phân công soạn giáo án và giảng dạy trung thành với nội dung và tiến trình tài liệu. Sau khi dạy và dự giờ, nhà trường tổ chức họp góp ý bài dạy thực nghiệm và ghi biên bản góp ý sau mỗi tiết dạy.
Theo kế hoạch, dự kiến tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hòa Bình sẽ được hoàn thiện vào ngày 31/5/2021 để trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.