Hòa bình có nhanh được không?

GD&TĐ - Hiện ông Zelensky nghiêng về khả năng cuộc đàm phán Nga – Ukraine có thể diễn ra với sự trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã thực hiện.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tranh luận trực tiếp với đương kim Tổng thống Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại rằng ông có thể dàn xếp hòa bình ngay lập tức cho cuộc chiến Nga - Ukraine nếu tái đắc cử.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 2/7, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzia đã bác bỏ khả năng trên của ông Trump và khẳng định cuộc khủng hoảng Ukraine hoàn toàn không thể giải quyết được chỉ trong một ngày. Trong khi đó, đây không phải lần đầu tiên ông Trump thể hiện sự tự tin việc mình có thể giải quyết cuộc chiến ở Ukraine một cách dễ dàng.

Ứng viên đảng Cộng hòa nhiều lần khẳng định có thể dập tắt cuộc xung đột ngay khi được trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Thậm chí trong cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ Joe Biden hôm 27/6 vừa qua ông còn tuyên bố nếu đắc cử thì cuộc xung đột Nga - Ukraine còn kết thúc từ trước khi ông tổ chức lễ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025 theo lịch trình.

Người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump là ông Steven Cheung cũng bổ sung thêm rằng nhà lãnh đạo của mình là một chính khách và nhà đàm phán hiệu quả nhất trong lịch sử, do đó việc ông có thể giải quyết được cuộc xung đột tại Ukraine là hoàn toàn khả thi.

Trong khi đó, giới phân tích cũng như giới chức Nga đánh giá tuyên bố của ông Trump mang nhiều giá trị nhằm thu hút sự chú ý của cử tri hơn là tính thực tế. Điện Kremlin cũng khẳng định không thể có phương án nào chấm dứt được cuộc chiến tại Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ. Sự phức tạp nằm ở việc Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình theo điều kiện của mình, trong khi Ukraine và các đồng minh phương Tây vẫn muốn đàm phán theo các điều kiện của Kiev.

Cả Nga và Ukraine đều cho rằng các điều kiện do bên kia đưa ra là phi thực tế với khả năng chấp nhận của mình, dẫn đến cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên lâm vào bế tắc suốt hai năm qua.

Bản thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ sự hoàn nghi về tuyên bố dàn xếp hòa bình chóng vánh của ông Trump. Ông Zelensky nhắc lại rằng trên thực tế căng thẳng tại Ukraine đã tăng lên rất nhiều thời ông Donald Trump tại chức nhưng ông Trump có rất ít động thái để hạ nhiệt.

Tổng thống Ukraine cũng nhiều lần hối thúc ông Trump chia sẻ chi tiết về kế hoạch hòa bình mà ông từng hứa làm trung gian giữa Kiev và Moscow, đồng thời mời cựu Tổng thống Mỹ tới Ukraine để trao đổi trực tiếp nhưng ông Trump từ chối. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội để đàm phán hòa bình với Nga diễn ra theo điều kiện của mình.

Hiện ông Zelensky nghiêng về khả năng cuộc đàm phán Nga – Ukraine có thể diễn ra với sự trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã thực hiện hai năm trước. Các cuộc đàm phán đó tuy chưa thể giúp kết thúc chiến tranh nhưng ít nhất đã cho phép thiết lập được một hành lang xuất khẩu nông sản từ các cảng của Ukraine ra thế giới thông qua Biển Đen.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài sang năm thứ ba với quy mô và tầm tác động đối với thế giới lớn hơn nhiều so với thời điểm cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên diễn ra giữa hai bên ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, khả năng kết thúc chỉ trong vòng một ngày như lời ông Trump dường như là bất khả thi vì mức độ phức tạp của nó và sự khác biệt trong quan điểm của hai bên ngày càng lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ