Hòa Bình: “Chạy tiền” trong tuyển dụng giáo viên?

GD&TĐ - Để bảo đảm đủ số lượng giáo viên giảng dạy, năm 2017 và 2018, UBND huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã tổ chức xét tuyển viên chức sự nghiệp GD-ĐT cho các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xét tuyển này đang bị “tố” có dấu hiệu tiêu cực.  

UBND huyện Kim Bôi (Hòa Bình)
UBND huyện Kim Bôi (Hòa Bình)

Trăm triệu một suất dạy?

Báo GD&TĐ đã nhận được phản ánh của bạn đọc về việc tiêu cực trong thi tuyển viên chức ngành Giáo dục tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Theo nội dung đơn phản ánh, bạn đọc cho rằng hình thức thi xét tuyển không phù hợp, không tuyển chọn được giáo viên đủ đức, đủ tài, không chọn được giáo viên giỏi cho ngành Giáo dục.

Bởi lẽ theo phản ánh, thi phỏng vấn chỉ về luật viên chức và tình huống sư phạm nên không thể đạt yêu cầu tuyển chọn giáo viên giỏi vì học các quy định và nhiều sửa đổi sau này trúng tuyển có thể học sau hoặc tra cứu bất cứ lúc nào. Hơn nữa, thi phỏng vấn dễ cho các trường hợp chạy tiền vì không có căn cứ lưu lại như thi viết”.

Để chứng minh hình thức xét tuyển dễ xảy ra tiêu cực, bạn đọc này cũng thừa nhận: “Năm 2017, bản thân tôi có liên hệ 1 chỉ tiêu với số tiền trên 300 triệu đồng. Tôi có “chạy” một mối với số tiền 250 triệu đồng, nhưng do ít tiền nên đã trượt. Có rất nhiều trường hợp bị trượt nhưng tiền chưa được trả lại, có trường hợp không được trả lại đồng nào nhưng không biết kêu ai. Tại thời điểm năm 2018, mức tiền để “chạy” 1 chỉ tiêu đã lên tới 360 triệu đồng”.

Ngoài ra, cách tính điểm không công bằng với các thí sinh vì thí sinh trung cấp (TC) và cao đẳng (CĐ) sẽ lợi hơn so với thí sinh đại học (ĐH) theo hệ tín chỉ. Do thí sinh TC và CĐ được cộng điểm thi tốt nghiệp cuối khóa học (thường điểm rất cao để kéo phẩy điểm toàn khóa học) và điểm trung bình toàn khóa. Còn thí sinh học ĐH hệ tín chỉ thì chỉ lấy điểm trung bình toàn khóa nhân đôi. Do vậy, kết quả thí sinh trúng tuyển đa số là thí sinh có bằng CĐ.

Vẫn theo ý kiến của bạn đọc này, điểm phỏng vấn chiếm 50% số điểm về 2 quyển luật. Dù xét tuyển, thí sinh vẫn phải học thuộc 2 quyển luật mới thi đỗ, nhưng vì tiêu cực nên có học thuộc trả lời đúng mà không chạy tiền thì cũng trượt.

Năm 2017, UBND huyện Kim Bôi không công khai ở bảng tin về thí sinh thi trúng tuyển như 9 chỉ tiêu tiểu học ban đầu. Theo kết quả tại phòng 1 trên tổng 4 phòng thi đã có 8 thí sinh đỗ. Còn lại 3 phòng khác chỉ có thêm 3 thí sinh đỗ nữa vậy là hơn 11 thí sinh đỗ trên tổng 9 chỉ tiêu công khai.

Bạn đọc cũng bày tỏ: “Tôi mong rằng, Báo nhanh chóng vào cuộc để các cơ quan chức năng xem xét đổi mới phương thức tổ chức thi phù hợp, giúp lựa chọn những giáo viên có năng lực thực sự cho ngành Giáo dục của địa phương chúng tôi cũng như trên toàn quốc”.

Những thông tin trao đổi qua tin nhắn được bạn đọc cung cấp
  • Những thông tin trao đổi qua tin nhắn được bạn đọc cung cấp

Đơn vị tổ chức nói gì?

Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc, ngày 19/2, PV Báo GD&TĐ đã liên hệ với UBND huyện Kim Bôi để tìm hiểu sự việc. Phía UBND huyện đã chỉ đạo lãnh đạo Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT của huyện trao đổi, cung cấp thông tin cho PV.

Trao đổi với PV về sự việc nêu trên, bà Lê Thị Hải Yến - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Kim Bôi, khẳng định: “Thông tin trên là không chính xác, vì tất cả quy trình, trình tự là theo quy định. Quy định của Chính phủ tại NĐ số 29/2012/NĐ-CP về thi tuyển, xét tuyển là gì thì huyện sẽ chọn một trong hai hình thức được Nhà nước quy định để thực hiện".

Bà Yến cho biết thêm, tỉnh Hòa Bình đã phân cấp, không phải huyện Kim Bôi làm thi mà họ đã phân cấp Sở Nội vụ giám sát, UBND tỉnh cũng đã quy định về việc giám sát chéo trong kỳ thi tức là huyện khác về đây làm thi còn chúng tôi sẽ đi huyện khác.

Trả lời câu hỏi của PV về việc số chỉ tiêu trong thông báo với số lượng thí sinh trúng tuyển tại sao lại có chênh lệch. Trong khi năm 2017 chỉ tiêu thông báo là 34 nhưng số lượng trúng tuyển sau đó lại tăng lên 48, tương tự năm 2018 chỉ tiêu thông báo là 46 nhưng lại tăng lên 64, bà Yến giải thích:

“Quá trình tuyển dụng rơi vào năm học của năm tiếp theo nên quy mô số lớp tăng, cùng với đó do số giáo viên chuyển đi và nghỉ hưu nhiều. Do vậy, huyện đề nghị bổ sung chỉ tiêu vào năm học, Sở Nội vụ sẽ thẩm định lại quy mô, sau đó thỏa thuận với UBND huyện và đồng ý cho tăng chỉ tiêu tuyển dụng”.

Khi PV sang Phòng GD&ĐT để hỏi thông tin liên quan đến sự việc nêu trên, ông Ngô Trung Tính - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi cho hay: “Công tác thi tuyển, xét tuyển này là Sở Nội vụ lấy người nơi khác về làm, Phòng GD&ĐT không có thành phần tham dự nên không biết cái gì để trả lời cả”.

Ông Tính cho biết thêm, sau khi có công nhận xét tuyển của Sở Nội vụ họ đưa về, lúc đấy Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với Phòng Nội vụ lập phương án điều về các trường rồi trình lên cấp trên. Lúc đó, Sở Nội vụ mới có quyết định phân bổ đi các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.