Hà Tĩnh tuyển dụng giáo viên: Tuyển chỗ thiếu… nhưng vẫn thừa

GD&TĐ - Năm học 2018 - 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép tuyển dụng hơn 400 giáo viên bậc mầm non, tiểu học, nhưng trên thực tế vẫn dôi dư hơn 800 giáo viên (GV). Giải quyết con số dôi dư ở bậc THCS, THPT là một bài toán khó, trong khi nơi thiếu vẫn chưa “lồng ghép” đủ?

Bậc tiểu học, mầm non hiện nay ở các huyện, thị, thành phố tại Hà Tĩnh đều thiếu GV đứng lớp
Bậc tiểu học, mầm non hiện nay ở các huyện, thị, thành phố tại Hà Tĩnh đều thiếu GV đứng lớp

Tuyển dụng hơn 400 GV để bổ sung chỗ thiếu

Tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học xảy ra hầu hết ở các địa phương trong cả nước. Riêng Hà Tĩnh là tỉnh đặc thù nhiều năm liền không được phép tuyển dụng GV, dù chỉ là hợp đồng thời vụ, dẫn đến thiếu GV trở nên nghiêm trọng hơn.

Để đáp ứng nhu cầu GV đứng lớp, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, năm học 2018 – 2019, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đặng Quốc Khánh, đã ký văn bản đồng ý chủ trương tuyển dụng 410 giáo viên mầm non, tiểu học. Theo đó, tuyển dụng mới 226 giáo viên mầm non, 184 giáo viên văn hóa bậc tiểu học trong số thiếu so với biên chế được UBND tỉnh giao.

Việc xét tuyển đặc cách do UBND cấp huyện quyết định và chỉ áp dụng đối với những người tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy loại giỏi, thạc sỹ, tiến sỹ ngành sư phạm; các trường hợp hợp đồng theo quyết định số 3604/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định tạm thời về giải quyết việc làm đối với con liệt sỹ, con thương, bệnh binh nặng trên địa bàn và những người được hợp đồng giảng dạy tại các trường mầm non từ thời điểm Thông tư số 11/2009/TT-BGDĐT ngày 8/5/2009 của Bộ GD-ĐT quy định trình tự chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục có hiệu lực trở về trước (trước 23/6/2009).

Tuyển dụng mới để bổ sung chỗ thiếu - thiếu cấp học theo quy định, mầm non (2 GV/lớp), tiểu học (1,5 GV/lớp) nhưng vẫn dôi dư hơn 800 GV ở bậc THCS và THPT như ở TP Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, Hương Sơn. Đây là một bài toán khó giải đối với ngành Giáo dục tỉnh nhà. Thừa khó luân chuyển, thiếu tuyển mới vẫn không đáp ứng đủ.

Biệt phái GV để bù đắp chỗ thừa sang thiếu

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh khẳng định: Dù có nhiều cố gắng trong sắp xếp hệ thống trường lớp và đội ngũ nhưng tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các trường THPT vẫn còn nhiều bất cập. Để từng bước khắc phục thực trạng này, việc điều động biệt phái một số giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu được xem là chủ trương hợp lý.

Theo đó, đây là năm học mà tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện quyết liệt chủ trương biệt phái GV từ huyện thừa sang huyện thiếu, từ trường thừa sang trường thiếu, áp dụng cho GV bậc THCS và THPT. Như vậy, số lượng giáo viên biệt phái năm học 2018 - 2019 là 27 người, việc điều động biệt phái sẽ được thực hiện luân phiên trong số giáo viên dôi dư theo bộ môn tại đơn vị.

Thời gian biệt phái mỗi lần đối với mỗi giáo viên không quá 10 tháng (từ 15/8 năm trước đến 15/6 năm sau). Những giáo viên đi đợt đầu tiên, thời gian bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc vào 15/6/2018.

“Câu chuyện về bài toán luân chuyển giáo viên được cho là khó vì tính chất “an cư” nhưng năm này thực hiện Nghị quyết 96 của HĐND tỉnh, công tác biệt phái GV sẽ được triển khai đồng loạt, nghiêm chỉnh, ưu tiên những GV tự nguyện, tiên phong. Biên chế, lương và các chế độ khác của giáo viên biệt phái được thực hiện tại đơn vị mà giáo viên đang công tác theo đúng quy định” - ông Trần Trung Dũng nhấn mạnh.

Có thể điều chuyển GV ở cấp học

Theo ông Trần Đình Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhiều lần Sở đề xuất lên tỉnh cho phép được tuyển dụng thêm những nơi thiếu giáo viên. Tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên từ chỗ thừa về chỗ thiếu; Đồng thời, yêu cầu ngành Giáo dục cụ thể từng đơn vị nào còn thiếu giáo viên đứng lớp, giáo viên bộ môn để Sở tham mưu lên tỉnh.

Vấn đề dôi dư giáo viên tại Hà Tĩnh cần có một biện pháp căn cơ. Ví như, tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng thực hiện phương án điều chuyển giáo viên THCS xuống tiểu học và mầm non, điều này Hà Tĩnh chưa thực hiện được.

Theo đó, các giáo viên sẽ học thêm văn bằng 2. Họ sẽ được đào tạo một chương trình bồi dưỡng bài bản, gắn với thực tiễn cho thầy cô đang dạy trung học chuyển sang mầm non.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang giao cho các trường sư phạm xây dựng chương trình văn bằng 2, trong đó có những môn có tính liên thông, thực hành tốt để nhanh chóng triển khai trên toàn quốc, khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.