Hoa bìm

GD&TĐ - Hồi ức về quê hương tuổi thơ bao giờ cũng gắn với những kỷ niệm mộng mơ, hồn nhiên và tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Rung rinh bờ dậu hoa bìm

Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ

Có con chuồn ớt lơ ngơ

Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai

Có cây hồng trĩu cành sai

Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim

Có con mắt lá lim dim

Cánh diều ai thả nổi chìm trên mây

Bến quê nắng đục sông gầy

Có con thuyền giấy chở đầy mộng mơ

Cánh bèo con nhện giăng tơ

Cào cào tránh nắng đậu nhờ tàn sen

Có ri ri tiếng dế mèn

Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu

Có con cuốc ở bờ lau

Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa

Hoa bìm tim tím đong đưa

Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?

Nguyễn Đức Mậu

Lời bình của Lê Thành Văn

Nơi ấy trở thành cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu với non sông, đất nước. Từ cánh hoa bìm tim tím dễ thương, trái tim nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã hướng về vùng trời bình yên một thời thơ dại.

Bài thơ Hoa bìm vẽ nên khung cảnh thiên nhiên làng quê gần gũi, sống động và chan chứa tình yêu thiết tha của tác giả qua thể thơ lục bát giàu bản sắc.

Quê hương tuổi thơ bắt đầu khơi dậy từ những cánh hoa bìm tim tím rung rinh nơi bờ dậu. Một ký ức đẹp tươi, hồn nhiên chấp chới hiện về, dào dạt như dòng sông trinh nguyên tuôn chảy trong tâm hồn tác giả. Chính cái khoảnh khắc va đập giữa hiện tại và quá khứ ấy đã khiến thi nhân mềm lòng bật thốt thành hai câu thơ mở đầu thật tự nhiên, có khả năng dẫn dắt cảm xúc tìm về chân trời kỷ niệm xa xăm:

“Rung rinh bờ dậu hoa bìm

Màu hoa tim tím tôi tìm tuổi thơ”.

Hai từ láy “rung rinh”, “tim tím” thật ấn tượng. Nó là cái rung rinh của gió, của hoa mà cũng là cái xao động của lòng người nhớ về quá khứ. Cái tim tím của màu hoa nhưng cũng là cái đợi chờ khắc khoải tháng năm. Vì thế, hai câu thơ đầu vừa tả vừa gợi, vừa cảnh vừa tình, tất cả cứ rung ngân một niềm xao động.

Mười bốn câu thơ tiếp theo tô điểm bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, vẽ ra một không gian trùng điệp sắc màu, âm thanh, hình ảnh hiện về qua ký ức nhà thơ. Từ các con vật quen thuộc của tuổi thơ hồn nhiên như con chuồn chuồn ớt, con dế, con cào cào, con nhện, con đom đóm, con cuốc.

Rồi đến bao sắc màu rực rỡ bừng lên hòa quyện vào nhau qua màu tím hoa bìm, đỏ chuồn chuồn, xanh cánh bèo, trắng trời mây, vàng ánh nắng…; các âm thanh của tiếng chim “trưa yên ả rụng” nơi vườn xanh, tiếng “ri ri” của dế mèn, tiếng cuốc kêu rầu rĩ “kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa”…

Lồng vào bức tranh thiên nhiên ấy là hoạt động của con người, của tuổi thơ tôi và em cứ hiện về lung linh, xao động. Nhớ sao hình ảnh “con mắt lá lim dim” một buổi trưa nào cùng nhau thả diều giữa bầu trời xanh thẳm. Nhớ sao con thuyền giấy mộng mơ trôi trên bến sông tít tắp tận chân trời, chở cả ước mơ hồn nhiên đi mãi.

Mỗi một cảnh vật hiện lên là một tâm tình, cảm xúc trào dâng nơi tâm hồn tác giả. Vì thế, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đơn thuần chỉ miêu tả, tự sự nhưng vẫn khiến trái tim người đọc bồi hồi, rung cảm, nhớ nhung, tưởng như chính mình gặp lại tuổi thơ của một thời hoa mộng.

Trong chuỗi hình ảnh thiên nhiên sống động ấy, có những câu thơ thật hay, lay động tâm hồn người đọc nhờ tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa, so sánh rất tài tình: “Có con chuồn ớt lơ ngơ/ Bay lên bắt nắng đậu hờ nhành gai”. Có những câu thơ gợi hình, gợi cảm qua cách dùng từ độc đáo, giàu sáng tạo: “Có cây hồng trĩu cành sai/ Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim”.

Có những câu thơ mà Nguyễn Đức Mậu nắm được cái thần của vật để gợi tả thật đúng với cách nghĩ cách cảm của tâm hồn tuổi thơ, nhờ đó mà diễn tả cảm xúc tinh tế và sâu lắng, đặc biệt là âm thanh và hình ảnh ở những câu: “Có ri ri tiếng dế mèn/ Có bầy đom đóm thắp đèn đêm thâu/ Có con cuốc ở bờ lau/ Kêu dài ngày hạn, kêu nhàu ngày mưa”.

Trong bài thơ, nghệ thuật điệp cú pháp kết hợp với phép liệt kê được tác giả sử dụng như một thủ pháp kép, xuyên suốt thật đắc địa. Nhờ đó khơi dậy biết bao vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng của tuổi thơ bất chợt ùa về trong tâm tưởng, qua nhiều không gian, nhiều góc nhìn khác nhau như một thủ pháp điện ảnh.

Từ màu hoa bìm tim tím hoang dại ban đầu đủ mở ra một chân trời kỷ niệm hồn nhiên với biết bao âm thanh, màu sắc, hình ảnh và hoạt động của con người xôn xao ký ức tuổi thơ.

Khép lại bài thơ, hình ảnh hoa bìm tim tím xuất hiện trở lại như một dòng hồi tưởng vừa ngưng đọng xốn xang, vừa tiếp tục tuôn chảy trong niềm xúc động bồi hồi kỷ niệm.

Một mảnh hồn quê hương tuổi thơ khép lại nhưng vẫn đầy day dứt khi hình ảnh người em năm xưa mười năm vẫn chưa trở về thăm quê, về để lắng nghe những kỷ niệm một thời vang vọng. Một dấu hỏi và dấu chấm lửng ở cuối bài cứ thảng thốt ngân lên chạm khắc nhiều nỗi suy tư, trăn trở đồng thời cũng là dấu hỏi của muôn đời mà mỗi người không thể bỏ qua:

“Hoa bìm tim tím đong đưa

Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?”

Hoa bìm của Nguyễn Đức Mậu là bài thơ hay in trong Tuyển thơ Lục bát do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2007, được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 (Chân trời sáng tạo) năm 2021.

Bài thơ là ký ức, cảm xúc của thi nhân về quê hương tuổi thơ đẹp đẽ, thanh bình một thời hoa mộng, tất cả được phóng chiếu qua hình ảnh trung tâm khơi gợi từ vẻ đẹp dân dã, thuần phác của hoa bìm. Đó chính là mảnh hồn quê biết bao thân thương, yêu dấu mà mỗi chúng ta luôn vọng tưởng nhớ về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

Ukraine đang giấu mình trong lòng đất

GD&TĐ - Báo Tây Ban Nha đưa tin, Ukraine đang tích cực xây dựng mạng lưới nhà máy sản xuất vũ khí ngầm ở trong lòng đất, nhằm tránh đòn tấn công của Nga.