“Hổ đất” phố Hội

GD&TĐ - Những ngày này, anh Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi, trú phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang gấp rút hoàn thiện 6 tượng hổ bằng đất sét để đem đi giao hàng.

Cặp hổ bằng đất sét do chính tay anh Hoàng nặn lên.
Cặp hổ bằng đất sét do chính tay anh Hoàng nặn lên.

“Thổi hồn” vào đất

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm gốm từ lâu ở phố cổ Hội An, nên ngay từ lúc nhỏ, anh Hoàng đã sớm “làm quen” với đất nặn trong xưởng gốm của gia đình.

Anh Hoàng cho hay, sống trong gia đình có truyền thống làm gốm nên từ lúc mới 13 tuổi anh đã bắt đầu phụ gia đình làm gốm. Đến nay, anh đã có thâm niên hơn 20 năm tạo hình tượng cho tất cả các sản phẩm.

Dù chưa được đào tạo qua lớp mỹ thuật nào, nhưng được cha “truyền nghề” anh Hoàng đã nhanh chóng tiếp thu để từ đó “thổi hồn” vào các sản phẩm do mình tạo ra. Chính vì thế, những đồ vật, con vật nào do chính bàn tay anh nặn ra đều được nhiều người ưa chuộng.

Thời điểm thịnh hành, cửa hàng gốm của anh Hoàng được khá nhiều du khách ghé thăm và mua sắm, lò nung gốm phải đỏ lửa liên tục để có hàng cho khách. Thế nhưng, do dịch bệnh Covid-19, hai năm qua, làng gốm nổi tiếng này phải đóng cửa hoặc mở cửa cầm chừng vì không có du khách, cửa hàng gốm của anh Hoàng cũng không ngoại lệ.

“Chuẩn bị đón Tết, tôi đỏ lửa trở lại để nặn tượng bán cho khách. Năm Nhâm Dần, nên tôi chủ yếu nặn tượng hổ. Tùy theo kích thước lớn nhỏ, giá thành cũng theo đó sẽ khác nhau. Giá cao nhất cho một bức tượng hổ khoảng 2 triệu đồng”, anh Hoàng nói.

Theo quan sát, mỗi bức tượng hổ do anh Hoàng tạo ra có kích thước khác nhau. Tượng hổ ngồi thì chiều cao 40cm, dài 60cm và rộng 30cm. Mỗi con đều rỗng phần thân, có lỗ thoát khí để khi nung tránh tình trạng nứt nẻ, nổ. Chỉ còn vài ngày nữa, anh sẽ tiến hành đem nung tượng hổ, sau đó tô sơn trang trí rồi đem đi trưng bày.

Để hoàn thành một mẫu tượng, cần nhiều thời gian và công đoạn chế tác khác nhau. Trước tiên, phải nhào đất thật kỹ để đất có độ bám chắc, sau đó tạo hình thân rồi mới gắn thêm đầu, chân, riêng phần đuôi được gắn cuối cùng.

Tượng hổ sau khi đã hoàn thành phần tạo hình, vẽ khuôn mặt và đường vân trên thân sẽ được anh Hoàng đem phơi thêm 10 ngày rồi mới đưa đi nung. Nung tượng trong lò 2 ngày, sau đó để nguội thêm 2 ngày trước khi trưng bày.

Anh Hoàng cho hay, làm thân hình dễ, song phần đầu, miệng, râu hổ rất khó. Dù đã tỉ mỉ từng chi tiết, anh phải nhiều lần phá đi làm lại. “Khâu tạo mặt hổ là quan trọng nhất, sở dĩ người làm phải “thổi hồn” vào tác phẩm của mình, từ đó tập trung vào chi tiết như mắt, răng… để tạo nên sự “oai phong” của bức tượng.

Mặc dù đã từng làm nhiều con giáp bằng gốm, nhưng đây là năm đầu tiên tôi nặn tượng hổ. Anh cho biết phải lên mạng tìm hiểu những tư thế của hổ, thái độ khuôn mặt của loài hổ để dễ dàng hình dung hơn trong tạo hình”, anh Hoàng chia sẻ.

Mong sự trở lại “mạnh mẽ như hổ”

Khâu tạo mặt hổ là quan trọng nhất, người làm phải “thổi hồn” vào tác phẩm của mình, để tạo nên sự “oai phong” của bức tượng.

Khâu tạo mặt hổ là quan trọng nhất, người làm phải “thổi hồn” vào tác phẩm của mình, để tạo nên sự “oai phong” của bức tượng. 

Theo anh Hoàng, những con hổ nặn bằng đất sét này được phơi khô và khoảng vài ngày nữa, anh Hoàng sẽ cho sáu con hổ vào lò nung, sau đó sẽ vẽ thêm sơn trên thân và bàn giao cho chính quyền để trưng bày tại làng gốm.

“Với những con hổ này, tôi mong muốn khép lại một năm Covid-19 với nhiều biến động, mở ra năm mới với nhiều niềm vui, hy vọng sẽ trở lại mạnh mẽ như hổ”, anh Hoàng cười nói.

Được biết, anh Hoàng là nghệ nhân trẻ và có tâm huyết lớn với nghề gốm. Không chỉ là ông chủ, anh còn là người truyền lửa nghề cho những người đi sau để nghề gốm ở Thanh Hà ngày một phát triển không bị mai một.

Anh Hoàng tâm sự, mỗi năm gia đình anh xuất đi hàng nghìn sản phẩm. Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng nhiều kỷ niệm. Người thợ gốm làm ra các sản phẩm cũng mong sao khi đến tay người tiêu dùng cũng được nâng niu trân trọng. Vì khi chưa thành gốm chỉ là những cục đất sét vô tri vô giác, qua bàn tay điêu luyện, công sức của người thợ gốm mới nên hình, trở thành vật có hồn cốt.

Làm ra được các sản phẩm gốm, đến lúc xuất hàng đi người thợ cũng phải nâng niu, cẩn thận hết mình vì gốm mong manh dễ vỡ. Đổi lại, niềm vui rạng rỡ hơn khi các sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích chọn lựa.

Đại diện Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà (TP Hội An) cho biết, sáu con hổ sẽ được đặt trên các bức phù điêu có đế sẵn xung quanh làng gốm để chào đón năm mới. Du khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng, chụp hình với con giáp của năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.