Tình hình mưa lũ: Nhiều địa bàn ở Phú Yên bị chia cắt, Côn Đảo ngập nặng

GD&TĐ - Nước từ vùng cao đổ về trong những ngày qua khiến ruộng vườn, khu dân cư ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) ngập cục bộ. 

Thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu xả lũ khiến nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên bị nước lũ chia cắt. Ảnh: NLĐ.
Thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu xả lũ khiến nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên bị nước lũ chia cắt. Ảnh: NLĐ.

Trong khi đó, mưa lớn trên diện rộng, mực nước các sông lên nhanh cùng với việc thủy điện đang xả lũ khiến nhiều địa bàn ở Phú Yên bị ngập lụt, chia cắt vùng trũng.

Ngày 1/11, UBND huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng lực lượng quân đội, các đơn vị của huyện tổ chức di dời hàng chục hộ dân ở vùng ngập đến khu vực cao hoặc trung tâm y tế, trụ sở công an… để trú ẩn và tài sản được chuyển đến nơi an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước diễn biến bất lợi của thời tiết, lãnh đạo huyện Côn Đảo đã trực tiếp đến khu vực tàu thuyền neo đậu để rà soát, giúp người dân chằng chéo tàu thuyền.

Hiện có khoảng 270 tàu thuyền, 2.120 người vào Côn Đảo trú ẩn; trong đó, có 90 tàu thuyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 180 tàu thuyền các tỉnh lân cận.

Ông Đoàn Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Côn Đảo cho biết địa phương đang bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, thời tiết xấu và có mưa. Nước từ những điểm cao dồn về vùng trũng, khu dân cư và bắt đầu gây ngập úng cục bộ.

Theo ông Thái, trước tình hình mưa gió, lực lượng chức năng đã kêu gọi tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi vào bờ trú ẩn. Tính đến chiều nay 1/11, nước từ vùng cao vẫn tiếp tục đổ về.

Tại một diễn biến khác liên quan đến ảnh hưởng do mưa lũ, hai ngày qua, nhiều tỉnh ở Phú Yên bị ngập lụt. Từ trưa nay 1/11, Thủy điện Sông Ba Hạ bắt đầu xả lũ khiến nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên bị nước lũ chia cắt.

Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, địa bàn các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Tây Hòa có nhiều xã bị chia cắt nặng. Từ trưa 1/11, hơn 70 ngôi nhà gần sông Bánh Lái thuộc thôn Phú Thọ, xã Hòa Mỹ Đông đã bị cô lập hoàn toàn. Ngoài ra, hai thôn Xuân Mỹ, Lạc Chỉ của xã Hòa Mỹ Đông đã bị chia cắt do cầu Bến Trâu ngập sâu trong nước.

Hiện nay, tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung chuẩn bị các phương tiện để sẵn sàng ứng cứu; các địa phương di dời người dân, gia súc, tài sản... ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đồng thời cử người trực, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại vùng ngập lụt, giúp dân di dời người, tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn; tuyên truyền cảnh báo người dân chủ động đề phòng mưa lũ, sạt lở đất để giảm thiểu thiệt hại.

Ảnh hưởng nặng nhất là huyện miền núi Đồng Xuân có 5 xã, thị trấn bị chia cắt hoàn toàn, ngập úng hơn 600 ha cây trồng và dự kiến phải di dời hơn 450 hộ dân, 1.100 nhân khẩu; nhiều tuyến đường bị ngập nặng như tỉnh lộ 642, tỉnh lộ 647, quốc lộ 19 C... gây chia cắt, không thể tiếp cận được với các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Phú Mỡ, Xuân Quang 1...

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến 17 giờ ngày 1/11, lượng mưa phổ biến từ 100 mm đến 150mm. Lúc 16 giờ 30, Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ và chạy máy tổng lưu lượng 2.600m3/s, tăng 1.000m3/s so với một giờ trước đó, đã gây ngập lụt, chia cắt ít nhất 7 xã, thị trấn của vùng hạ du.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.