Hỗ trợ tối đa thí sinh thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh công tác tổ chức thi thì việc hỗ trợ thí sinh được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: INT

Quan tâm thí sinh vùng khó

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Cà Mau có 1 huyện không bố trí điểm thi là Ngọc Hiển. Do điều kiện đi lại khó khăn, số lượng ít nên thí sinh ở huyện Ngọc Hiển được bố trí thi ở Điểm thi số 16 - Trường THPT Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn).

Ngoài ra, thí sinh Trường THPT Phú Hưng (huyện Cái Nước), THCS - THPT Khánh An (huyện U Minh), THCS - THPT Tân Lộc (huyện Thới Bình) được ghép chung với thí sinh của các trường trên địa bàn TP Cà Mau và thi ở các điểm thi đặt tại TP Cà Mau (do khoảng cách địa lý, điều kiện đi lại, ăn ở, sinh hoạt... thuận tiện hơn).

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Cà Mau, tỉnh huy động tối đa các lực lượng xã hội hỗ trợ cho thí sinh tham gia tốt kỳ thi, nhất là học sinh hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tỉnh quyết tâm không để thí sinh nào phải bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn; không để cán bộ làm thi, thí sinh nào tham gia kỳ thi vi phạm quy chế thi…

Về công tác tổ chức thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện các công việc của kỳ thi đúng quy định, đảm bảo tiến độ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đồng thời tổ chức ôn tập, thi thử phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm bổ sung kiến thức cho học sinh; phối hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân sự, cơ sở vật chất tại các điểm thi.

Các đơn vị phối hợp như: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn... tiếp tục phát huy kết quả đạt được tại các kỳ thi THPT những năm trước; tích cực hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả cao nhất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất, đảm bảo tổ chức kỳ thi theo phương châm an toàn, chu đáo, nghiêm túc; Khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) tại các điểm thi…

Học sinh lớp 12 tỉnh Cà Mau tham gia Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023.

Học sinh lớp 12 tỉnh Cà Mau tham gia Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023.

Sẵn sàng ứng phó thời tiết, dịch bệnh

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa nên công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và hỗ trợ thí sinh được Ban Chỉ đạo thi quan tâm. Kỳ thi năm nay tỉnh có 10.039 thí sinh đăng ký dự thi tại 27 điểm thi. Trong đó huyện Kế Sách và TP Sóc Trăng có nhiều điểm thi nhất với 4 điểm thi; huyện Cù Lao Dung ít nhất với 1 điểm thi.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trên cơ sở thống nhất các nhiệm vụ được phân công, thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu thật kỹ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tổ chức kỳ thi khách quan, an toàn, nghiêm túc, đúng quy định.

Đối với công tác tổ chức kỳ thi, sở GD&ĐT là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt kỳ thi, tiếp tục chỉ đạo các trường tập trung tốt nhất cho việc ôn tập; song song đó phổ biến quy chế thi để các em nắm rõ những thông tin cần thiết. Về bố trí nhân sự coi thi, tỉnh lựa chọn giáo viên đủ điều kiện tham gia vào công tác này để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các sở, ngành thuộc thành viên Ban Chỉ đạo theo nhiệm vụ được phân công, xây dựng phương án đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, phương án đi lại và các hoạt động hỗ trợ thí sinh… với tinh thần không để thí sinh nào vì điều kiện khó khăn mà không thể tham gia kỳ thi.

Học sinh Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang).

Học sinh Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang).

Theo đại diện Sở GD&ĐT Bến Tre, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh có 12.117 thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD&ĐT thành lập 33 điểm thi, gồm: 32 điểm tại các trường THPT, 1 điểm đặt tại Trường THCS Thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi tỉnh, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi, yêu cầu sở GD&ĐT rà soát, kiểm tra hồ sơ của thí sinh; phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc ở các khâu; Quan tâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên thực hiện nhiệm vụ thi; Chỉ đạo các đơn vị rà soát cơ sở vật chất, cần thiết đề xuất mua sắm kịp thời để phục vụ tốt cho kỳ thi. Giám đốc sở GD&ĐT chịu trách nhiệm phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế.

Các sở, ngành cấp tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phần việc phân công tại kỳ thi quan tâm chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ việc đột xuất trong quá trình tổ chức kỳ thi; truyền thông sâu về quy chế, thời gian, nhiệm vụ thí sinh… đảm bảo thông tin thông suốt trong kỳ thi.

Đặc biệt, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ sản xuất kinh doanh khu vực điểm thi; có phương án bố trí phương tiện, cán bộ y tế để ứng phó tình huống có thể diễn ra trong thời gian kỳ thi diễn ra; Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tuyệt đối công tác in sao đề thi; Xây dựng kế hoạch tiếp sức mùa thi, hỗ trợ thí sinh; Chuẩn bị phương án dự phòng khi mưa bão, giông lốc…

Ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho biết: Học sinh lớp 12 hiện nay cần phải tập trung ôn tập, dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn, với phương pháp sao cho thật hiệu quả. Đặc biệt cần quan tâm đến học sinh có học lực yếu, kém để các em có thể tham gia tốt kỳ thi sắp tới. Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục. Các trường phụ đạo học sinh yếu, kém không phải là để chạy theo thành tích, mà đó là cách giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em có tương lai tốt đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ