Chuỗi giá trị cho cây sắn của bà con Vân Kiều

GD&TĐ - Trồng sắn đã giúp đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ổn định sinh kế, vươn lên làm giàu ở vùng đất khó Quảng Trị ...

Tại xã Thanh, hiện có hơn 20 hộ gia đình tham gia “Câu lạc bộ 100 triệu”. Anh Hồ Văn Pường lúc tham gia CLB là thành viên trẻ nhất.
Tại xã Thanh, hiện có hơn 20 hộ gia đình tham gia “Câu lạc bộ 100 triệu”. Anh Hồ Văn Pường lúc tham gia CLB là thành viên trẻ nhất.

Đổi đời nhờ cây sắn

Những năm qua, cùng với các cây trồng: cà phê, hồ tiêu, chuối..., sắn đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở huyện vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Cây sắn được người dân trồng chủ yếu ở các xã vùng Lìa (gồm 7 xã): Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng. Đây cũng được xem là vùng trọng điểm trồng sắn của huyện Hướng Hóa.

Từ một cây trồng được coi là lương thực cứu đói, nhưng hiện nay sắn trở thành cây có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà vươn lên khá, giàu.

Xã Thanh là địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất của huyện, với hơn 700ha. Từ diện tích sắn trên, mỗi vụ nông dân của xã này cung ứng cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hơn 10.000 tấn sắn nguyên liệu.

Gia đình chị Hồ Thị Hương và Hồ Văn Xum có thu nhập mỗi năm đạt 200 triệu đồng nhờ cây sắn.
Gia đình chị Hồ Thị Hương và Hồ Văn Xum có thu nhập mỗi năm đạt 200 triệu đồng nhờ cây sắn.

Ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết, bên cạnh mở rộng diện tích trồng sắn theo quy hoạch, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa về kỹ thuật và phân bón, nông dân trên địa bàn tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng.

Mô hình chuỗi giá trị cho cây sắn

Trước đây, do người dân chưa nắm được đặc điểm của cây sắn, chưa chú trọng đầu tư thâm canh, chăm sóc, dẫn đến tình trạng thu nhập trên một đơn vị diện tích bị giảm. Từ đó không đủ nguyên liệu cung cấp cho nhà máy tinh bột sắn.

Từ năm 2010 Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã thành lập Câu lạc bộ những hộ trồng sắn huyện Hướng Hóa và Đakrông đạt trên 100 triệu đồng/vụ (gọi tắt là “Câu lạc bộ 100 triệu”) để cùng đồng hành và gắn bó lâu dài với người nông dân.

Nhắc đến Câu lạc bộ 100 triệu đồng, trước hết phải nói đến Pả Dỏ - người Vân Kiều ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Pả Dỏ là nông dân đầu tiên có tên trong câu lạc bộ 100 triệu và luôn đứng ở tốp đầu của Câu lạc bộ.

Từng có cuộc sống khó khăn, sau nhiều năm nghèo khó với cây lúa rẫy, năm 2006, Pả Dỏ bắt đầu trồng 2ha sắn. Trong vụ mùa đầu tiên, Pả Dỏ thu được gần 50 triệu đồng.

Thấy hiệu quả từ cây sắn mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa, Pả Dỏ dần mở rộng diện tích canh tác lên 7ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 140 tấn sắn củ. Một thời gian sau, ông chính thức trở thành hội viên của Câu lạc bộ 100 triệu.

Đặc biệt, năm tới con trai của ông cũng sẽ xin gia nhập câu lạc bộ 100 triệu này.

Tại xã Thanh, hiện có hơn 20 hộ gia đình tham gia “Câu lạc bộ 100 triệu”. Trong số này, phải kể đến vợ chồng hội viên tiêu biểu Hồ Thị Hương và Hồ Văn Xum ở thôn Thanh 1.

“Nhờ cán bộ nhà máy hỗ trợ kỹ thuật, trong 5 năm trở lại đây, năm nào gia đình cũng đầu tư trồng 3,5 ha. Ngoài ra, tham gia “Câu lạc bộ 100 triệu” nên vợ chồng mình có thêm động lực để vươn lên và mỗi năm có thu nhập khoảng 200 triệu từ cây sắn”, chị Hương chia sẻ.

Anh Hồ Văn Pường (40 tuổi, trú ở bản 10, xã Thanh) gia nhập “Câu lạc bộ 100 triệu” từ năm 2014, trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của câu lạc bộ lúc bấy giờ. Mỗi năm gia đình anh Pường thường trồng khoảng 4 ha sắn, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.

Năm 2021 anh Pường quyết định đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua máy cày, vừa để phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa kết hợp làm dịch vụ. Trong năm 2022, anh Pường có thu nhập từ trồng sắn và máy cày trên 200 triệu đồng. Chiếc máy cày đã giúp anh Pường cùng bà con trong thôn bản thực sự chủ động mỗi khi vào vụ trồng sắn cũng như đến vụ thu hoạch.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết, mô hình “Câu lạc bộ 100 triệu” không những hỗ trợ, đồng hành đối với người nông dân trồng sắn mà thông qua mô hình đã tạo ra nguồn động viên, khích lệ giúp nhiều hộ gia đình trồng sắn thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa Lê Ngọc Sáng cho biết, sau 13 năm thành lập và đi vào hoạt động, hiện câu lạc bộ đã thu hút 77 hội viên là các hộ gia đình trồng sắn tiêu biểu trong vùng tham gia.

Thông qua “Câu lạc bộ 100 triệu”, người nông dân trồng sắn luôn được nhà máy hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, kịp thời phát hiện sâu bệnh để xử lý.

Ngoài ra, hàng năm hội viên câu lạc bộ được tạo điều kiện tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài nước, tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, giống khi cần; được ưu tiên trong quá trình nhập nguyên liệu...

Bên cạnh mô hình “Câu lạc bộ 100 triệu đồng”, thời gian qua nhà máy đã có những hoạt động để tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, như: Hỗ trợ vốn cho bà con trồng sắn không tính lãi, thu mua sắn non do ảnh hưởng thiên tai. Đồng thời, từ năm 2022 đến nay, nhiều hoạt động hỗ trợ từ Tiểu dự án 2 Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên địa bàn giúp hỗ trợ thúc đẩy mô hình chuỗi giá trị, phát triển sinh kế cho đồng bào tại địa phương.

Tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị có khoảng gần 30 nghìn hộ đồng bào Vân Kiều và Pa Kô tham gia trồng sắn, với tổng diện tích ước đạt khoảng gần 10 nghìn ha. Riêng huyện Hướng Hóa, năm 2022 có trên 5.000 ha sắn, với sản lượng hơn 72 nghìn tấn sắn củ tươi, doanh thu trên 150 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...