Hỗ trợ quản lý và nghiên cứu về ngân hàng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Ngày 3/3, tại TP Cần Thơ, WWF-Việt Nam phối hợp Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo khởi động gói tư vấn xây dựng Ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông khu vực ĐBSCL.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Weert Borner - Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Đức vui mừng vì có thể hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL trong việc trở thành một đồng bằng có sức chống chịu cao với biến đổi khí hậu - đây là một yếu tố chính để giúp phát triển ĐBSCL bền vững.

Sự suy giảm trầm tích và khai thác cát không có kế hoạch là hai trong số những vấn đề lớn nhất đối với Đồng bằng sông Mekong. Với dự án “Khai thác cát bền vững”, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến khí hậu Quốc tế của Bộ Môi trường Đức, ông Borner hy vọng rằng kết quả của dự án này sẽ được phổ biến và nhân rộng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trình bày những kết quả nghiên cứu cơ sở ban đầu về tình hình khai thác cát tại ĐBSCL, các trữ lượng trầm tích… Các chuyên gia, các nhà quản lý đã có những trao đổi về phương pháp khảo sát, các địa điểm nghiên cứu chuyên sâu, phương pháp mô hình hóa; xây dựng kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông; lựa chọn các địa phương thí điểm lồng ghép kết quả nghiên cứu vào kế hoạch khai thác cát của địa phương.

Theo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Dự án “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)”, gọi tắt là Dự án quản lý khai thác cát bền vững, được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) - BMU thông qua WWF-Việt Nam.

ông Weert Borner - Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam phát biểu trực tuyến tại buổi lễ khai mạc.
ông Weert Borner - Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam phát biểu trực tuyến tại buổi lễ khai mạc.

Dự án được thực hiện trong 5 năm (2019 - 2023), với mục tiêu cụ thể là xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng cát cho ĐBSCL với sự phối hợp cùng các đối tác quan trọng; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL;

Tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng;

Đồng thời, xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Thực hiện nghiên cứu tại 13 tỉnh thành ở ĐBSCL, trong đó 1 địa phương sẽ được lựa chọn để thực hiện thí điểm lồng ghép kết quả của dự án vào kế hoạch quản lý khai thác cát sông của địa phương.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện những nghiên cứu về ngân hàng cát ở ĐBSCL, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng những chính sách khai thác cát bền vững ở khối công và tư, góp phần tăng khả năng tự phục hồi và chống chịu với BĐKH của vùng đồng bằng.

Trong đó, 2 nghiên cứu quan trọng nhất là xây dựng Ngân hàng cát cho ĐBSCL và Kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông Khu vực ĐBSCL được xem là những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ở quy mô toàn đồng bằng.

Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện các nghiên cứu khác về tình hình khai thác, sử dụng cát ở ĐBSCL và các vùng lân cận, đồng thời sử dụng các kết quả đầu ra làm cơ sở để thúc đẩy các chủ thể chính trong ngành xây dựng Việt Nam tìm kiếm các nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sông. 

Cũng theo WWF-Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung không đủ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng phát triển như hiện nay, việc kết nối các bên liên quan và có cái nhìn đa chiều là vô cùng quan trọng để xây dựng những chính sách quản lý cát toàn diện và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ