Tham dự Hội nghị có đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Văn phòng JICA Việt Nam); đại diện lãnh đạo các địa phương ĐBSCL; các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Hội nghị quốc tế Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long nằm trong sự kiện kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường ĐH Cần Thơ (31/3/1966 - 31/3/2021).
Hội nghị nhằm trình bày các kết quả nghiên cứu của Dự án nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ. Tăng cường hợp tác giữa Trường ĐH Cần Thơ, công ty và chính quyền địa phương. Thảo luận các nghiên cứu, hướng tiếp cận trong tương lai để áp dụng cho các cộng đồng địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, có những thách thức mà vùng ĐBSCL phải đối mặt do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, việc huy động, sử dụng nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Mặt bằng học vấn và tỷ lệ ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến của vùng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế vẫn còn thấp so với yêu cầu, nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác...
Theo GS Hà Thanh Toàn, để giải quyết những thách thức nêu trên, góp phần giúp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển. Bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng.
Việc đầu tư, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được thực hiện trong 7 năm (từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2022) với tổng kinh phí 2.250 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng thể của Dự án là “Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và quản trị đại học”. Trong đó, tập trung vào 3 lĩnh vực Nông nghiệp, Thủy sản, Môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL.
Dự án này có 5 hợp phần chính: Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển cơ sở vật chất; Đầu tư thiết bị nghiên cứu; Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học; Dịch vụ tư vấn.
Trong đó, hợp phần nghiên cứu khoa học gồm 36 chương trình, được chia thành 3 đợt, mỗi chương trình kéo dài 3 năm, được đầu tư tổng kinh phí vay lại là 81,72 tỷ đồng (do Trường ĐH Cần Thơ chi trả vốn và lãi). Từ khi bắt đầu thực hiện vào tháng 5/2017 đến nay, các chương trình nghiên cứu đã đạt được những kết quả nhất định.