Hiện Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đang thực hiện Dự án “vận động các nhà hoạch định chính sách giáo dục đưa việc dạy ngôn ngữ ký hiệu và văn hóa cho người khiếm thính là một trong những nhiệm vụ của các Trung tâm GDTX” do Hiệp hội Giáo dục cho mọi người Việt Nam hỗ trợ.
Vì vậy, Hội thảo lần này tập trung thảo luận các chính sách có liên quan đến giáo dục cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng.
Theo TS. Lê Văn Tạc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học GD Việt Nam), theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 1 triệu người khiếm thính và 400.000 người trong số này đang trong độ tuổi đi học và hàng năm có khoảng 20.000 trẻ khiếm thính đến độ tuổi đi học.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thông tin, học tập của người điếc ngày càng cao. Việc nghiên cứu, thống nhất và phổ biến ngôn ngữ ký hiệu cho người ddiecs ở Việt Nam đang là nhu cầu khách quan, bức thiết, cần được quan tâm, đầu tư nghiêm túc về chương trình và chính sách hỗ trợ.
Còn theo bà Phan Thị Bích Diệp - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, qua khảo sát thực tế tại quận Thanh Xuân và Thanh Trì (Hà Nội), đa số người khiếm thính và người thân của họ có nhu cầu học và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nhưng phương thức tiếp cận loại hình ngôn ngữ này còn nhiều hạn chế.
Việc phổ biến ngôn ngữ ký hiệu trong cộng đồng là hết sức cần thiết nhằm xóa bỏ rào cản về giao tiếp cho người khiếm thính và người thân đồng thời tăng khả năng hòa nhập cộng đồng cho đối tượng này.
Qua thời gian ngắn thực hiện Dự án phổ biến ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc và thân nhân tại hai quận của Hà Nội đã thu được những kết quả ban đầu rất khả quan. Tuy nhiên, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành và tăng cường tuyên truyền, phổ biến để hoạt động hữu ích này được duy trì và mang lại hiệu quả ổn định.
Mặc dù đã có nhiều văn bản chính sách quan tâm đến quyền và hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng nhưng còn một số hạn chế và bất cập.
Các ý kiến tại Hội thảo tập trung vào các khuyến nghị: Tăng cường giám sát thực hiện các chính sách giáo dục cho người khuyết tật/người điếc để tạo điều kiện tốt nhất cho người điếc có cơ hội đến trường; Tăng cường phổ biến chính sách, tuyên truyền sâu rộng hơn về những tấm gương, thành tựu mà người khuyết tật đã vượt khó đạt được;
Rà soát, thống nhất các văn bản qui phạm pháp luật về giáo dục cho người khuyết tật; xây dựng lộ trình phát triển giáo dục cho người khuyết tật theo lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn; Đồng thời tạo điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện công tác này.
Việc lựa chọn Trung tâm GDTX làm nơi phổ biến, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính và người thân của họ là hoàn toàn hợp lý, bởi Trung tâm GDTX là địa chỉ giáo dục cho mọi người và cũng là địa điểm tiếp cận thuận lợi của mọi người dân.