Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do Covid-19: Tiền vào nhà giàu, nước chảy lên cao!

GD&TĐ - Những nghệ sĩ nổi tiếng và có kinh tế khá giả như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh… vừa nhận trợ cấp, hỗ trợ khó khăn do Covid-19 với số tiền 3,7 triệu đồng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mới đây, Sở VH-TT Hà Nội ban hành quyết định bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc, thực hiện hỗ trợ đối với viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Theo quyết định này, 99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc, gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch, Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ, Nhà hát Múa rối Thăng Long được hỗ trợ mỗi người 3.710.000 đồng (tổng gói hỗ trợ Sở VH-TT Hà Nội là 367.290.000 đồng).

Điều làm dư luận quan tâm là danh sách nhận trợ cấp có nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trên truyền hình. Trong đó có cả những doanh nhân giàu có như: Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, Thanh Hương và một số gương mặt quen thuộc khác.

Một số nghệ sĩ tỏ ra bất ngờ khi nhận được khoản trợ cấp. Nghệ sĩ Thanh Hương cho biết, chị chỉ biết mình được nhận trợ cấp khi đọc tin tức. Thanh Hương và Hồng Đăng sẵn sàng gửi lại nhà hát để dành cho các nghệ sĩ khó khăn hơn.

Lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội - nơi các “nghệ sĩ giàu” nhận hỗ trợ khó khăn do Covid-19, thừa nhận với báo chí khi danh sách nhận trợ cấp gồm nhiều người chưa đến nỗi quá khó khăn.

Thực ra, trong việc một số nghệ sĩ giàu được nhận trợ cấp không có gì là sai. Như Hồng Đăng là nam nghệ sĩ khá giả và có bộ sưu tập xe. Tuy nhiên, anh có hệ lương thấp nên thuộc diện được hỗ trợ.

Còn một số nghệ sĩ, dù không cùng bậc lương thấp như Hồng Đăng nhưng lại khá khó khăn. Trong khi đó, nhiều người làm công tác hậu đài như: Thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang… có đời sống khó khăn, lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ.

Tiền vào nhà giàu, nước chảy chỗ cao tưởng là nghịch lý nhưng lại rất hợp lý trong trường hợp này. Bởi vì, khởi đầu của chính sách hỗ trợ do Bộ VH-TT&DL đề nghị trợ cấp nghệ sĩ khó khăn cho nhóm giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ hạng 4 trong các đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì đây là nhóm có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Cứ xét theo hạng, theo mức lương thì Hồng Đăng hay một số nghệ sĩ giàu có khác phải được hỗ trợ vì nằm trong nhóm theo quy định.

Điều bất cập và sơ hở dẫn tới điều nọ tiếng kia trong việc này là chưa sát và chưa trúng người. Nhẽ ra, Sở VH-TT Hà Nội cần để nghệ sĩ có đơn xin hỗ trợ. Trong trường hợp các nghệ sĩ khá giả, dù thuộc đối tượng được hỗ trợ thì chắc hẳn sẽ không viết đơn.

Và để không “hở sườn chính sách”, Bộ VH-TT&DL không nên cứng nhắc áp cho đối tượng nghệ sĩ viên chức hạng 4. Thay vào đó có thể áp dụng cho những người có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng, hoặc giao cho cơ quan – nơi nghệ sĩ làm việc tự rà soát, lựa chọn danh sách nghệ sĩ cần được hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.