Hỗ trợ giáo viên vùng cao thiết kế bài giảng STEM và E-Learning

GD&TĐ - Hơn 100 giáo viên ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) đã được tập huấn kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning.

100 giáo viên tiểu học và THCS đến từ 32 trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông tham gia huấn kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning.
100 giáo viên tiểu học và THCS đến từ 32 trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông tham gia huấn kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning.

Cơ hội để giáo viên vùng cao tiếp cận với công nghệ mới

Khoá tập huấn Kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning, do Quỹ Chắp cánh phối hợp với Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức nhằm hỗ trợ cho hơn 100 giáo viên tiểu học và THCS đến từ 32 trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Nội dung tập huấn được thiết kế theo cách tiếp cận “học bằng làm”.

Vì vậy phần lớn thời gian tập huấn, các thầy cô sẽ được hướng dẫn và trực tiếp thực hành các kỹ năng thiết kế bài giảng E-Learning với một bài học được lựa chọn trong các bộ sách giáo khoa thuộc Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên): “Tập thể lãnh đạo phòng Giáo dục và các thầy, cô giáo rất kỳ vọng ở khoá tập huấn này. Trong quá trình trao đổi, chuẩn bị, chúng tôi đã tiếp nhận được nhiều kiến thức để ứng dụng vào quá trình giảng dạy của mình và đưa ra những câu hỏi để các chuyên gia giải đáp cũng như gợi ý thêm cách làm sao cho có bài giảng hay hiệu quả.

Đồng thời, các thầy cô cũng được bổ sung, cập nhật thêm kiến thức về thiết kế bài giảng STEM và E-Learning để nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như giúp học trò được tiếp cận với nhiều kiến thức mới”.

Học sinh cũng được tham gia một số thí nghiệm.

Học sinh cũng được tham gia một số thí nghiệm.

Với mong muốn hỗ trợ cho giáo viên vùng cao có thêm cơ hội tiếp cận với kiến thức về kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning, Quỹ Chắp cánh đã hỗ trợ nhiều dự án để tập huấn cho giáo viên vùng cao, vùng khó.

Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Quỹ Chắp cánh chia sẻ: “Đây là dự án thứ 4 chúng tôi đồng hành cùng với Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục trong việc mang kiến thức, kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-Learning đến với các thầy, cô giáo ở những địa bàn khó khăn.

Chúng tôi hiểu rằng, để được tiếp cận với những kiến thức, phương pháp dạy học không phải lúc nào cũng dễ dàng với các thầy, cô vùng khó. Với những dự án đã thực hiện, chúng tôi tin tưởng rằng khoá tập huấn này, các thầy, cô sẽ không chỉ ngồi nghe giảng thông thường mà phải làm việc, thực hành rất nhiều để thu được những kinh nghiệm bổ ích”.

Hỗ trợ thầy cô vùng khó nâng cao chất lượng giáo dục

Theo PGS. TS. Lê Hiếu Học, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, Đại học Bách khoa Hà Nội, thầy trò khoa chúng tôi luôn mong muốn đem đến những đóng góp nhỏ bé để hỗ trợ thầy cô và học sinh vùng cao, vùng khó khăn.

Bởi vậy, khi tham gia các Chương trình “Chắp cánh STEM và E-Learning”, Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục hướng đến các mục tiêu: hỗ trợ thầy, cô giáo ở những khu vực khó khăn hiểu đúng về giáo dục STEM và E-learning; biết cách ứng dụng các kỹ năng thiết kế bài giảng STEM và E-learning vào từng bài học, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của học sinh.

Đồng thời, những nội dung được lựa chọn sao cho phù hợp nhất với điều kiện khó khăn của từng địa phương, không đòi hỏi các thầy, cô và nhà trường phải đầu tư nhiều vào trang thiết bị, công nghệ - những yếu tố không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn.

Nội dung chương trình bám sát yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do vậy các thầy, cô giáo có thể ứng dụng được ngay cho các bài học của mình.

Thầy và trò Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục tham gia hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở huyện Điện Biên Đông.

Thầy và trò Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục tham gia hỗ trợ tập huấn cho giáo viên ở huyện Điện Biên Đông.

Đối với học sinh, PGS. TS. Lê Hiếu Học mong muốn, thông qua việc được học theo phương pháp giáo dục STEM, các em sẽ yêu thích các môn học hơn, có kết quả học tập tốt hơn. Về lâu dài, các em sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM để lựa chọn các ngành học phù hợp ở bậc đại học.

“Đây là hình thức học tập theo dự án (project-based learning) qua đó, sinh viên Khoa Khoa học và Công nghệ giáo dục có thêm cơ hội được ứng dụng các kiến thức trên lớp vào việc xây dựng các bài giảng STEM và e-learning thực tế, biết cách tổ chức các hoạt động dạy học. Nhờ vậy, sinh viên hiểu rõ hơn về nghề nghiệp trong tương lai, tích luỹ được các kỹ năng cần thiết.

Các em có cơ hội hiểu rõ hơn văn hoá ở các địa phương, làm giàu vốn sống và hiểu biết xã hội để hỗ trợ cho sự sẵn sàng nghề nghiệp trong tương lai”, PGS. TS. Lê Hiếu Học, Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.