Hỗ trợ giáo viên ứng dụng AI để người thầy đi trước một bước

GD&TĐ - Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành là quy định về miền năng lực Ứng dụng trí tuệ

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành là quy định về miền năng lực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Khung năng lực số cho người học.

AI đã nhanh chóng tác động sâu sắc tới giáo dục, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất định hình thị trường lao động. Theo báo cáo của World Economic Forum, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, khoảng 65% công việc sẽ đòi hỏi kỹ năng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhưng AI cũng đang tạo ra những mặt trái, đặc biệt với người học.

Sau khi Công ty khởi nghiệp OpenAI tung ra ứng dụng AI đầu tiên là ChatGPT vào cuối năm 2022, tình trạng nhờ AI làm bài hộ đã diễn ra trong học đường khá phức tạp. Một cuộc khảo sát của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy, 60 - 70% sinh viên thừa nhận gian lận kể từ khi các công cụ AI như ChatGPT ra đời.

Tại Việt Nam, một sinh viên sử dụng AI để làm bài thi và bị giảng viên chấm 0 điểm tại một trường cao đẳng ở TPHCM từng gây xôn xao dư luận. Việc quá phụ thuộc vào các công cụ AI cũng dẫn đến hệ lụy nhiều người học không tự tin với kết quả mình làm, lười suy nghĩ và không phát triển được ý tưởng sáng tạo, không đảm bảo tính công bằng trong học tập và dễ vi phạm bản quyền…

Thực tế trên đã đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục, đòi hỏi cấp thiết phải trang bị năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo cho học sinh, tiến tới bình dân AI học vụ. Tuy vậy, khác với tin học truyền thống, AI là lĩnh vực mới, có sự thay đổi nhanh và hạ tầng tính toán yêu cầu cao.

Giảng dạy AI, phát triển năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo cho người học sẽ phải đối diện với nhiều thách thức trong thiết kế chương trình, xây dựng học liệu, đào tạo giáo viên và hạ tầng, trong đó đáng chú ý nhất là năng lực ứng dụng AI của người thầy.

Thực tế hiện nay, do nhiều nguyên nhân, còn không ít giáo viên chậm nhịp với công nghệ thông tin nói chung và kỹ năng ứng dụng AI nói riêng. Hiện chúng ta chưa có chuẩn năng lực số dành riêng cho giáo viên, nên chỉ có thể đánh giá và kiểm soát năng lực số của người thầy thông qua chuẩn đầu ra của các trường sư phạm và quy định tuyển dụng của các đơn vị - những quy chuẩn nghiêng về năng lực ứng dụng trong công việc chứ chưa phải năng lực số để sinh tồn trong thời đại số.

Không ít thầy cô chứng minh năng lực số qua chứng chỉ nhưng thiếu sự linh hoạt, cởi mở trong tự cập nhật, nâng cao năng lực bản thân, thích ứng với chuyển đổi số. Trong lúc học sinh nhoay nhoáy dùng ChatGPT làm bài tập hộ, có những thầy cô còn mơ hồ về công cụ này và không biết cách phân biệt bài làm của học sinh hay của AI. Khoảng trống này thật đáng quan ngại.

Việc xây dựng năng lực Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho người học sẽ gặp nhiều rào cản nếu người thầy không vững năng lực ứng dụng AI. Vì thế, song song với đổi mới chương trình sư phạm, xây dựng khung năng lực số cho giáo viên, cần thiết đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, hỗ trợ để đảm bảo mỗi thầy cô được trang bị tốt kiến thức và kỹ năng sử dụng AI có trách nhiệm và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn cho học sinh và xã hội.

Bên cạnh các đợt tập huấn của ngành Giáo dục, cần nhân rộng hơn nữa những dự án xã hội hóa hỗ trợ giáo viên ứng dụng AI, để người thầy đi trước một bước, đủ năng lực và tự tin hướng dẫn học sinh xây dựng năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ