VPA cho biết, ngày 15/4, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp, Đắk Nông ) trộn tạp chất với vỏ cà phê, sỏi đá thành hỗn hợp bán cho bà Phan Thị Dung (Giám đốc Công ty TNHH SXTMDV Thảo Dung, xã Lộc Thịnh, Lộc Ninh , Bình Phước) để bà Dung trộn vào hồ tiêu nhằm tăng trọng lượng hạt tiêu bán ra kiếm lời.
Cho rằng đây là hành vi gian lận thương mại vô cùng nghiêm trọng, gây nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng, thay mặt cho cộng đồng nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Việt Nam, VPA cực lực lên án đối với hành động vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp trên.
Theo VPA, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới về sản lượng và giá trị trong nhiều năm. Hiện các doanh nghiệp trong ngành đầu tư 20 nhà máy xử lý chế biến hồ tiêu sạch đạt chuẩn quốc tế về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, Halal, ISO 9001:2008, Certified BRC-food… và xuất đi trên 100 quốc gia.
Khẳng định sự việc vi phạm trên đã ảnh hưởng tới thương mại và hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam, tuy nhiên, VPA nhận định đây là sự việc là nhỏ lẻ và mới xảy ra nên phần nào mức độ tác động là không lớn.
Mặt khác, với cách thức sản xuất của ngành hồ tiêu Việt Nam hiện nay, các loại hỗn hợp giả, pha trộn nguy hiểm như vậy khó có thể lọt qua được hệ thống xử lý, chế biến, xuất nhập khẩu hồ tiêu với những thiết bị hiện đại và hệ thống quản lý kiểm soát chất lượng tiên tiến của các doanh nghiệp xuất khẩu cùng các quy định nghiêm ngặt về vê sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Tuy vậy, từ vụ việc trên VPA cảnh báo các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu cần cẩn trọng hơn với việc mua bán hồ tiêu nguyên liệu từ các đại lý, không ham mua rẻ cũng như không chấp nhận các hợp đồng xuất khẩu với giá quá thấp so với giá thị trường.
Về tiêu thụ hạt tiêu trong nước, theo VPA, nếu qua hệ thống phân phối hiện đại như các siêu thị thì rủi ro chất lượng kém sẽ ít hơn do các siêu thị yêu cầu hồ sơ chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn vào hệ thống phân phối khá nghiêm ngặt và hạt tiêu bán tại đây đều là của các doanh nghiệp có nhà máy xử lý, chế biến hiện đại, có hồ sơ truy suất nguồn gốc, có thông tin về chất lượng trên bao bì rõ ràng.
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước, VPA kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh với các cơ sở thu mua nông sản ở các địa phương, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các chợ truyền thống (nơi hạt tiêu có thể bán cho người tiêu dùng trong nước).
VPA cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin thị trường, đặc biệt là thông tin mang tính cảnh báo cho các hội viên về những bất ổn trong thương mại hồ tiêu để những hiện tượng làm ăn bất chính như vụ việc nói trên không thể tồn tại.
Được biết, với sự vào cuộc kịp thời của cơ quan công an tỉnh Đăk Nông, chỉ sau 10 ngày sự việc đã được làm sáng tỏ. Toàn bộ đường dây làm hỗn hợp hạt tiêu giả có trộn tạp chất này đã bị bắt khẩn cấp.
Và chiều 26/4, Thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định: Toàn bộ số hồ tiêu trộn hỗn hợp cũng như số lượng hỗn hợp chưa pha trộn đã được cơ quan điều tra thu giữ, ngăn chặn kịp thời, các đối tượng chưa kịp bán ra thị trường làm thực phẩm ăn uống.