LỜI TÒA SOẠN:Nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo nổi tiếng, đã từng đoạt 9 Giải báo chí quốc gia và toàn quốc, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp báo chí và sự nghiệp văn hoá, từ lâu đã được ngưỡng mộ bởi chất văn hoá trong các bài bình luận thời cuộc. Loạt bài viết có tính nghiên cứu dưới đây của Thiếu tướng, Nhà báo, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân đã được hoàn thành từ tháng 8/2021, nhưng Nhà báo Hồ Quang Lợi đề nghị chỉ đăng sau khi ông đã hoàn thành nhiệm vụ ở Hội nhà báo Việt Nam.
Báo Giáo dục và Thời đại xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:
Bây giờ gặp nhà báo Hồ Quang Lợi ở đâu, người ta đều có cảm nhận chung, anh có cái họ tên rất đẹp, ngoài 60 tuổi nhưng thần thái nhanh nhẹn, dáng thanh thoát, ăn mặc gọn nếp, lịch sự, nụ cười lan tỏa tràn trên khuôn mật thân thiện, nói chuyện, phát biểu thường diễn đạt hay, mới mẻ.
Sẽ không quá lời khi ai đó thầm nghĩ Hồ Quang Lợi đúng là kiểu người “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”. Còn tác phẩm thì một khối lượng đồ sộ các tập sách đã xuất bản, vậy mà đọc hàng nghìn bài báo của anh vẫn luôn có sự cuốn hút, bởi cách tiếp cận vấn đề trung thực, lập luận sắc sảo và hơi văn sống động và lối diễn đạt giàu hình ảnh “vô tiền khoáng hậu”.
Anh hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, từng giữ chức Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, Tổng biên tập báo Hà Nội mới, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN...
Với uy tín nghề nghiệp và ảnh hưởng xã hội, anh thường xuyên được mời tham gia nhiều hội đồng có uy tín, trong đó là Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực do chính đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, Chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, Thành viên Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học Thành phố Hà Nội cho Dự án lớn Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhiều Giải báo chí toàn quốc chuyên ngành... Có cảm giác Hồ Quang Lợi thuộc dòng dõi trâm anh hoặc được sinh trưởng, đào tạo trong một nếp nhà đại trí thức bậc nhất đất kinh kì?
Bài 1: Nảy mầm xanh trên tuổi thơ cơ cực
Thực ra, Hồ Quang Lợi sinh ra ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong dòng họ Hồ nổi tiếng lịch sử. Đó là một vùng quê có truyền thống hiếu học, khoa bảng hiếm có của xứ Nghệ và cả nước.
Tôi đã đôi lần về làng Văn hoá Quỳnh Đôi nức tiếng khoa bảng đỗ đạt cao từ thời chế độ phong kiến đến chế độ ta bây giờ. Đứng lặng hàng giờ trước Nhà thờ họ Hồ Quỳnh Đôi - Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia - tôi tự hỏi mảnh đất này có gì khác, có “phong thủy” gì nổi bật so với bao làng quê đất Việt mà trở thành nơi phát tích của những nhân vật như Hồ Thơm (Hoàng Đế Quang Trung), nữ sỹ Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm, Hồ Sỹ Tạo (người có công giúp ông Nguyễn Sinh Sắc vào học trường Quốc học Huế), Hồ Học Lãm (nhà chí sỹ yêu cách mạng, yêu nước hoạt động ở Trung Quốc), Hồ Tùng Mậu (nhà cách mạng cùng hoạt động với Bác Hồ ở Trung Quốc), Anh hùng Cù Chính Lan, Nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà thơ Tú Mỡ ( Hồ Trọng Hiếu) và hàng trăm tao nhân, mặc khách, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học nổi tiếng khác?
Tôi cũng xin được nói thêm, trên tấm bia đá lớn trong nhà thờ họ Hồ Quỳnh Đôi đã khắc ghi 5 danh nhân kiệt xuất làm rạng danh họ Hồ: Đức nguyên tổ Hồ Hưng Dật, vị tổ mở đầu dòng họ Hồ Việt Nam; Thánh nguyên Hoàng đế Hồ Quý Ly, nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam; Quang Trung Hoàng đế - Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), nhà quân sự thiên tài; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và Lê Duẩn (gốc họ Hồ), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng tôi cũng từng về làng Kim Liên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làng Tiên Điền của cụ Nguyễn Du và cũng từng về làng Đông Thái của cụ Phan Đình Phùng và Tổng bí thư Trần Phú, làng Mỹ Quan, huyện Diễn Châu của đồng chí Phùng Chí Kiên... bỗng phát hiện thấy cũng quen thuộc như làng Quỳnh Đôi vậy. Phong thủy cũng na ná nhau với những vạt ruộng lúa xanh vươn về xa xa dáng núi mờ sương. Và kia, dường như cái khó, cái nghèo ngày nảo ngày nao vẫn phảng phất đâu đây trong các ngõ xóm, không gian thời hội nhập? Nhà thơ Tố Hữu đã rất đúng và tinh tế khi viết về Làng Sen của Bác Hồ “ Làng quen như thể quê chung vậy/ Mấy vạt ao chua, mảnh đất phèn”.
Làng Văn hóa Quỳnh Đôi của Hồ Quang Lợi cũng vậy thôi. Làng quê đã nghèo, bố mẹ anh lại đông con, Hồ Quang Lợi là người thứ 3 (sinh năm 1956) trong 6 anh em nối nhau lít nhít thời buổi thóc cao gạo kém thì ai cũng biết cái đói sẽ đeo đẳng thế nào. Bố là thợ may, mẹ làm ruộng trong khi bà con xóm giềng thì thiếu vải, ít người may quần áo mới, trừ dịp Tết, đồng ruộng làm ăn tập thể hợp tác xã “đánh kẻng đi làm”, cây lúa lè tè, năng suất thấp, mới tám, chín tuổi, Hồ Quang Lợi đã phải khuya sớm giúp mẹ.
Bé loắt choắt, Hồ Quang Lợi đã đi hái củi, cào lá thông khô về cho mẹ đun nấu, mỗi lần gánh hai đầu gióng chất đầy lá khô, người ta không nhìn thấy người gánh mà chỉ thấy hai cái gióng lá thông đang di động. Mà núi có phải gần đâu, mỗi lẫn đi hái củi hay cào lá thông như thế cũng phải đi xa hàng chục cây số. Mừng nhất là lúc gánh về đến đầu làng Bèo, chân mỏi rã rời, không bước nổi nữa thì nhìn thấy bóng mẹ từ xa đi đón, gánh đỡ đoạn cuối về nhà.
Đôi vai gầy, bàn chân bé tẹo suốt một thời tuổi thơ anh đều gắn với những con đường đất, nắng thì bụi, mưa thì bùn, những cánh rừng xa với cây thông mùa rụng lá. Anh kể, có lúc quá trưa sang chiều, khát nước quá, anh phải uống cả nước mưa đọng trong cái bát mà công nhân nông trường buộc vào cây để đựng nhựa thông. Bát nước mát, uống đến đâu biết đến đấy còn ngon hơn nước cam đá bây giờ.
Những ngày cơ cực đó bắt đầu từ một chuyện quá đau đớn, bất ngờ giáng xuống đầu gia đình Hồ Quang Lợi. Đó là chuyện bố anh, một người thợ may tài hoa và hiểu biết đã đột ngột ra đi.
Sáng hôm ấy, ông Hồ Quang Các đang làm vườn thì lên cơn đau bụng quằn quại, y tá làng chạy đến, suốt ngày tiêm hết cả một rổ thuốc vẫn không đỡ, gần tối thì gia đình quyết định chuyển lên bệnh viện huyện. Nhưng đúng lúc đó, trời đổ mưa như trút, mưa mãi không dứt. Biết mình không thể qua khỏi, bố anh nói để ông ở lại nhà, có đi viện thì cũng chết dọc đường, dù võng cáng khiêng đã chuẩn bị sẵn. Một lúc sau, ông trút hơi thở cuối cùng.
Hồi ấy, làng xóm nghi ngại bố anh có thể bị bệnh tả, nếu không an táng ngay thì sẽ lây lan cho nhiều người (!). Vậy là mọi người quyết định đưa bố anh ra đồng ngay trong đêm mưa lớn. Một đám tang không có lễ viếng, không lời truy điệu, chỉ có mấy người thân khiêng chiếc quan tài bập bõm đi trong đêm mưa thật não nùng.
Sau này các bác sỹ có kinh nghiệm nói rằng, có thể lúc đó bố anh bị đau ruột thừa cấp tính, nếu được phát hiện và mổ kịp thời thì sẽ qua khỏi. Đến bây giờ đã hơn 50 năm, cảm xúc đau buồn trĩu nặng ấy vẫn đeo đẳng khi hiện về trong tâm trí anh hình ảnh chiếc quan tài bố anh nằm dưới huyệt sâu sũng nước vừa đào vội ở ruộng khoai lang trên cánh Đồng Tương trong tiếng khóc thảm thiết của mẹ anh.
“...Nơi cha nằm ruộng khoai sũng nước
Tiếng nấc chìm hoang vắng đồng xa...”
Đó là hai câu thơ buồn trong bài ” Hơi ấm đời con” anh làm tặng mẹ mình cách đây 30 năm. Mất một người cha trụ cột gia đình trong những năm 60 của thế kỷ trước, khi máy bay Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắn, thì thật là khó tưởng tượng đối với mẹ anh và đoàn con thơ dại cùng với hai bà già là bà ngoại anh và bà cô ruột anh đã ngoài 80 tuổi. Lúc đó mẹ anh vừa sinh em gái út mới được 3 tháng. Hoang mang lắm. Như để lấp vào nỗi đau vô biên ấy, Hồ Quang Lợi phải tự vụt lớn nhanh.
Hồ Quang Lợi không bỏ học giữa chừng. Người mẹ Hồ Thị Niềm nói với các con, nghèo mấy thì nghèo mẹ sẽ lần hồi nuôi các con ăn học. Các con thương mẹ thì đừng có mà bỏ học.
Anh trai Hồ Quang Thắng xung phong đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Lào, rồi những năm tháng ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam. Anh càng thương mẹ vô cùng. Mẹ của anh quanh năm đầu tắt, mặt tối, chỉ biết chữ qua lớp bình dân học vụ, nhưng bà nhớ ca dao tục ngữ như thần, và bà đã dạy các con ngay từ tấm bé bằng những câu ca dao đằm thắm, bà còn làm thơ để răn dạy các con điều hay lẽ phải ở đời.
Với truyền thống hiếu học và khoa bảng của dòng tộc họ Hồ Quỳnh Đôi, Hồ Quang Lợi càng bầm chí vươn lên. Lúc đó anh học lớp 7 hệ 10 năm và luôn được các thầy cô yêu mến vì học giỏi đều các môn, nhất là môn văn.
Nhưng làm thế nào để giúp mẹ đỡ vất vả là điều luôn canh cánh trong lòng anh. Vậy là Hồ Quang Lợi xin vào tổ càycủa đội sản xuất. Đi cày là có điểm để hợp tác xã chấm công, đến mùa gặt thì tính thóc cho từng người. Khổ nỗi, lúc đó mới 12, 13 tuổi, người thấp bé lắm, đánh trâu thì còn được, chứ vác trên vai một chiếc cày 51 hay chiếc bừa vừa rộng vừa dài thì anh không đủ chiều cao. Đồng xa mà vừa dắt trâu vừa vác cày, cậu học trò nhỏ ra được đến ruộng thì đã hết sức, nói gì đến cày đất. Thật may, các bác tổ thợ cày biết thế nên lại phân công nhau vác cày hộ anh, cày xong, các bác lại cử người hỗ trợ xuống ruộng cùng anh giữ trâu, tháo ách, tháo cày vác lên bờ để anh đánh trâu về.
Tổ cày giám sát, bày vẽ cho anh cày một đường cày thẳng sẽ như thế nào, muốn bừa ngấu nhanh thì bắt đầu từ đâu, thân thiện và yêu thương hết mực. Tổ cày quý anh, chẳng phải do thư sinh, học giỏi mà cái chính là tính chịu khó, sáng dạ và nhanh trí. Tuổi ấy mà học để cày bừa khá như anh cũng là hiếm. Hồ Quang Lợi nói rằng đến giờ anh vẫn còn nhớ rõ mùi bùn, mùi rong rêu ở những cánh đồng cao thấp khác nhau.
Khi kể với tôi câu chuyện này, Hồ Quang Lợi như kìm lại nỗi xúc động về một thời đã qua về tình làng xóm, tình họ mạc, tình anh em giữa những người nông dân chân lấm tay bùn. Đó là sự cảm thông, là tình yêu thương, là lòng trân trọng bút mực, chữ nghĩa, là tâm phục sự chịu khó, siêng năng của những cậu học trò như Hồ Quang Lợi.
Sau này khi đã xa quê, đi Tây, đi Tàu đủ cả, đã thành danh, lại sống trên đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhưng mỗi lần về quê thế nào anh cũng dành thời gian tìm đến thăm lại các bác tổ cày năm xưa. Một ấm trà, một gói thuốc, chút quà nhỏ, một quyển sách, anh ghé thăm từng người, chuyện vui như ngô rang.
Bây giờ, tổ cày ấy, nhiều người đã khuất, vài người còn lại cũng đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhận ra chú Lợi tổ viên ngày nào khi gặp lại. Những cánh tay ôm chặt. Chao ôi, những khuôn mặt, ánh mắt thân thiện, âm thanh tiếng tắc-rì lẽo đẽo sau con trâu, cả tiếng lật đất sau đường cày hồi ấy sao cứ đeo đẳng suốt cuộc đời anh!
Có thể nói tuổi thơ và tuổi mới lớn của Hồ Quang Lợi thật vất vả, cơ cực khi buộc phải sớm trở thành một “lão nông” thật sự. Đồng thời với việc cày bừa là gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, nhổ cỏ rồi gặt hái, phơi phong, một vòng kín để đem được hạt lúa về nhà, Hồ Quang Lợi đều phải làm cả.
Anh cùng mẹ đi nhổ mạ, đi cấy lúa cùng bà con hợp tác xã, làm thạo việc và nhanh đến nỗi được hợp tác xã chấm đủ một ngày công cho anh như những bà nông dân lâu năm khác. Phải nói đó là sự khéo tay, lanh lợi của một cậu học trò ham việc, học và làm việc thật tốt để giúp mẹ, không để mọi người chê con nhà nông mà không biết làm việc đồng áng. Làm thạo việc sẽ được tính điểm công cao, có thóc khi mùa gặt đến, đó có thể coi là niềm vui và hạnh phúc lớn lao khi anh nhìn vào ánh mắt tự hào của mẹ về những đứa con ngoan.
Nhưng Hồ Quang Lợi còn một niềm hạnh phúc thánh thiện khác, đó là việc học tập. Đêm đêm trong căn nhà nhỏ, mẹ anh đã không phải nhắc khi thấy các con mình mỗi đứa một ngọn đèn dầu, phải che bớt ánh sáng để tránh máy bay Mỹ oanh tạc ban đêm, miệt mài học bài. Sau bữa ăn tối, những ngọn đèn như thế được thắp lên, tiếng sột soạt của ngọn bút mực đang chạy trên giấy, tiếng lật trang sách giáo khoa cũ báo hiệu sức sống của truyền thống hiếu học, dự báo cả tương lai ở vùng quê này.
Mẹ anh vừa làm vừa lắng tai nghe âm thanh lặng lẽ phát ra từ mỗi bàn học và sẽ còn thao thức khi các con tắt đèn đi ngủ.. .Học để làm gì chưa biết rõ, nhưng Hồ Quang Lợi đã rất say mê đèn sách, những cuốn sách và bài giảng của thầy cô đã đi vào cả giấc ngủ của anh, đi vào cả những lúc giải lao của buổi cày, buổi cấy.
Hồi ấy, những năm chiến tranh, máy bay Mỹ ngày đêm ném bom, bắn phá vùng quê Nghệ Tĩnh và các tỉnh khu 4 cũ, những địa danh như Cầu Giát, cầu Hoàng Mai, cầu Bùng, cầu Cấm, ga Cầu Giát, ga Si, quốc lộ 1 A, bãi biển gần làng anh trở thành những tọa độ dội bom ác liệt của máy bay Mỹ. Nhưng dưới hầm sâu, trang sách vẫn được mở ra dưới ngọn đèn hạt đỗ. Anh học ở trường, tranh thủ học bồi dưỡng học sinh giỏi ở nhà riêng của cô giáo, một người cùng họ Hồ.
Thương học trò giỏi ham học, cả vợ chồng thầy cô giáo tập trung dạy anh với tất cả những kiến thức và kinh nghiệm của nghề giáo. Phải nói đây là ươm mầm để Hồ Quang Lợi cất cánh.
“Mình đến nhà cô giáo chủ nhiệm Hồ Thị Thảo để bồi dưỡng văn nhưng lại được chồng cô là thầy Đinh Nho Hoan, một giáo viên dạy Văn nổi tiếng của tỉnh Nghệ An trực tiếp hướng dẫn, gợi mở cảm xúc, rèn rũa từng câu văn. Sự uyên bác của thầy Hoan đến bây giờ khi đã ngoài tuổi 90 vẫn khiến mình còn kinh ngạc, nói thật là chính thầy đã chắp cánh cho ước mơ, niềm say mê của mình”, có lần Hồ Quang Lợi đã tâm sự với tôi như vậy.
Công sức của thầy, cô đã giúp cho sự lấp lánh tài hoa của Hồ Quang Lợi bắt đấu phát lộ vào năm học lớp 7, năm 1970. Anh đạt điểm học sinh giỏi văn cấp tỉnh, được chọn vào đội tuyển của tỉnh Nghệ An thi học sinh giỏi môn văn toàn miền Bắc.
Rồi Hồ Quang Lợi được tuyển vào học Lớp chuyên Văn tỉnh Nghệ An, tiền thân của Truờng chuyên Phan Bội Châu nổi tiếng ngày nay. Đây được coi là niềm vui của cả làng quê anh. Còn đối với mẹ Hồ Thị Niềm và cả nhà anh thì quả là một giấc mơ có thực. Mặc dù trong giấy báo, Ty giáo dục có ghi rõ khi đến nhập học, học sinh phải mang theo chăn, màn , đèn, chiếu, đồ dùng học tập - nghĩa là còn phải tự túc nhiều... nhưng niềm vui lớn “được Nhà nước nuôi ăn học” khiến ngôi nhà tranh của anh náo nức.
Được tỉnh nuôi suốt 3 năm cuối cấp của hệ phổ thông, không chỉ vui vì từ nay nhà mẹ anh bớt đi một miệng ăn (mỗi năm nhà anh thiếu ăn đến 6-7 tháng) mà điều quan trọng khiến cả dòng họ, cả vùng quê vui sướng mà còn vì một nhà nghèo khó, đông con, bố mất sớm mà Hồ Quang Lợi đã phấn đấu học giỏi, vươn xa trở thành tấm gương cho nhiều học trò. Còn đối với Hồ Quang Lợi, đơn giản là từ nay anh được toàn tâm học tập như ra biển lớn. Cầm tờ giấy báo mà lòng anh lâng lâng...
N. H. T.
Hà Nội tháng 8/2021