Kết nối nguồn lực văn hóa sáng tạo Hà Nội

GD&TĐ - “Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021” là hoạt động nằm trong chuỗi sáng tạo mà Hà Nội phát động với sự hội tụ của nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Di sản kiến trúc 22 Hàng Buồm, nơi diễn ra Tuần lễ sáng tạo Hà Nội 2021.
Di sản kiến trúc 22 Hàng Buồm, nơi diễn ra Tuần lễ sáng tạo Hà Nội 2021.

Với mục đích nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của Hà Nội, từng bước hiện thực hóa xây dựng các không gian và cộng đồng sáng tạo. Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo sẽ diễn ra từ ngày 24 - 31/12/2021 tại địa chỉ di sản văn hóa kiến trúc 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm).

Thiết kế bản sắc Hà Nội 

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh trong số 246 thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu. Các thành phố tham gia mạng lưới này đặt sáng tạo văn hóa - phát triển nguồn lực văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển bền vững.

Từ đó đến nay, đã hơn 2 năm nhưng việc xây dựng thành phố sáng tạo chưa có nhiều chuyển biến. Vấn đề làm thế nào để thúc đẩy xây dựng thành phố sáng tạo, nhất là làm sao để tận dụng được nguồn lực văn hóa của thành phố thúc đẩy sáng tạo trong thiết kế mang bản sắc Hà Nội.

Bởi vậy, ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị ghi danh, Hà Nội đã cam kết với UNESCO về xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn.

Năm 2020, Hà Nội phối hợp với Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Sau 18 tháng đã nhận được 93 phương án của 3 hạng mục: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng; Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống.

Hà Nội có nguồn lực to lớn để xây dựng thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mang bản sắc riêng. Trước hết đó là kho tài nguyên khổng lồ các giá trị văn hóa truyền thống. Trong số 350 làng nghề của Hà Nội, có hàng trăm làng nghề mà thiết kế sáng tạo từ hàng trăm năm qua đã là thế mạnh, như làng gốm Bát Tràng, các làng nghề mây, tre, đan, các làng nghề điêu khắc cổ truyền.

Với mong muốn tôn vinh kết quả Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Đồng thời, tạo nên sự kiện văn hóa nghệ thuật khơi nguồn, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo cộng đồng, Hà Nội tổ chức Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo và mong muốn hoạt động này sẽ trở thành sự kiện thường niên.

Ban tổ chức cho biết, Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021 sẽ tạo nên một cuộc đối thoại đa chiều hấp dẫn giữa các ngành nghệ thuật sáng tạo trong không gian thấm đẫm tính giao thoa văn hóa và nghệ thuật.

Hội tụ liên ngành nghệ thuật

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, nhận định: Các chính sách của Hà Nội bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được trụ cột tài nguyên văn hóa - chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế. Góp phần tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa. 

Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo bao gồm không gian triển lãm và trình diễn từ thiết kế thời trang, nghệ thuật thư pháp, kí họa, âm nhạc thử nghiệm, sắp đặt trình diễn video art, trình diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống… tới điểm nhấn trưng bày các giải pháp ý tưởng kiến trúc.

Trong thời gian tuần lễ diễn ra, còn có các buổi tọa đàm, chia sẻ của những nghệ sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia về các chủ đề xuyên suốt liên quan đến sáng tạo - lấy cảm hứng từ các giá trị di sản truyền thống và bản địa trong đời sống đương đại và công nghệ.

Đặc biệt, Tọa đàm “Khơi nguồn sáng tạo – Hà Nội 2021” là cuộc trao đổi cởi mở của các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhà đầu tư nhằm đánh giá một cách khách quan các tiềm năng lợi thế, các cơ hội lẫn thách thức. Từ đó có thể tìm ra giải pháp thúc đẩy việc hình thành cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế và khai thác không gian sáng tạo của Thủ đô.

Nhân sự kiện này, Hà Nội cũng mong muốn nâng cao vị thế cạnh tranh của thành phố với các đô thị trong lĩnh vực văn hóa – sáng tạo nghệ thuật.

Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo 2021 là tiền đề cho chuỗi sự kiện nhằm tạo ra một nền tảng kết nối các nguồn lực và tài năng trong lĩnh vực văn hóa. Sau ngày 31/12, không gian trưng bày, triển lãm nghệ thuật đương đại đa phương tiện sẽ kéo dài đến qua Tết âm lịch, để công chúng tiếp tục thưởng thức văn hóa trong năm mới.

Tiếp sau sự kiện từ ngày 22/1/2022 Lễ hội hoa “Home Hanoi Xuân” vào dịp Tết Nguyên đán tại khu vực Bắc An Khánh (Hoài Đức) mang ý nghĩa văn hóa - giáo dục, giao thoa giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, khơi gợi sự sáng tạo cho giới trẻ, tạo thành điểm đến giao lưu, bảo tồn các giá trị truyền thống.

Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thường niên với mục đích xây dựng đề án hình thành, mở rộng tuyến phố đi bộ, không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm sẽ là nơi diễn ra chuỗi sự kiện độc đáo. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên di sản văn hóa kiến trúc này mở cửa chào đón công chúng.

Thế kỷ 19, phố Hàng Buồm từng là nơi tập trung của cộng đồng người Hoa vùng Quảng Đông sinh sống và buôn bán. Địa chỉ 22 Hàng Buồm từng là Hội quán - nơi gặp gỡ hội họp của cộng đồng với tên gọi cũ là Hội quán Quảng Đông.

Điều thú vị là Hội quán từng là nơi dừng chân của nhà cách mạng dân chủ tiên phong trong lịch sử cận và hiện đại Trung Quốc: Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên) vào năm 1904. Hiện nay, tấm bảng đá nơi đây vẫn còn lưu lại sự kiện lịch sử này.

Bên cạnh yếu tố lịch sử, di sản văn hóa kiến trúc 22 Hàng Buồm còn thể hiện sự giao thoa kiến trúc Pháp - Hoa xen lẫn văn hóa Việt vô cùng hài hòa, tinh tế. Lối kiến trúc này góp phần hình thành nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội trong quá trình giao thoa văn hóa Đông – Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.