Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Cốt lõi ở giáo dục thế hệ trẻ

GD&TĐ - Thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục đất nước cũng là nhằm mục tiêu chiến lược: “Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục”.

Các em học sinh thăm tượng đài Chiến thắng.
Các em học sinh thăm tượng đài Chiến thắng.

Con người - Hạt nhân cốt lõi của văn hóa

Con người vừa là chủ thể của văn hóa, làm ra các giá trị văn hóa, tạo nên diện mạo đời sống văn hóa xã hội, nhưng con người cũng là sản phẩm của văn hóa, chịu tác động của môi trường văn hóa trong dòng chảy chung của dân tộc và thời đại. Và ở bất cứ nơi đâu, động lực của sự phát triển cũng nằm trong vai trò của con người. Con người với đầy đủ sức mạnh tinh thần và vật chất, tiêu biểu là thế hệ trẻ.

Tiến sĩ Ngữ văn Phạm Thị Xuân Châu.
Tiến sĩ Ngữ văn Phạm Thị Xuân Châu.

Trong cơ chế thị trường và hội nhập, xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ ngày nay, văn hóa xã hội của đất nước đã và đang chịu tác động mạnh mẽ và sâu sắc. Bên cạnh tiếp thu cái mới, tinh hoa đã có không ít sự tiếp nhận ồ ạt, xô bồ phản cảm, suy đồi. Cánh cửa vươn ra thế giới càng rộng mở thì cơ hội và thách thức, tiềm năng và nguy cơ luôn đi đôi với nhau, đòi hỏi con người phải nâng tầm văn hóa mới có khả năng phân biệt và nhận biết, đánh giá và chọn lọc, để tiếp thu những tinh hoa và loại bỏ những phế thải độc hại, có nguy cơ đầu độc tâm hồn và tư tưởng.

Chính bởi vậy, vai trò của giáo dục là hết sức quan trọng, vai trò của nhà trường là vô cùng cần thiết. Học sinh, sinh viên nói riêng, thế hệ trẻ nói chung là đối tượng năng động, nhạy bén với cái mới, thích cái mới, lạ, lại có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để tiếp cận cái ngoại lai.

Nếu không được giáo dục, định hướng tốt, không được trang bị nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn, không có đủ tri thức văn hóa, phẩm chất chính trị sẽ xảy ra nghịch lý là không tiếp thu cái mới, cái tinh hoa mà lại hấp thụ cái tàn dư, lỗi thời, lạc hậu; không đón nhận cái nhân văn, tiến bộ mà lại đua đòi những cái xấu, thấp kém, suy đồi; thậm chí không biết trân trọng những giá trị, bản sắc thuộc về dân tộc mà chạy theo những cái lai căng, phản thuần phong mĩ tục đang gây ô nhiễm, làm “bẩn” môi trường văn hóa nước nhà; không biết tự hào về truyền thống và giá trị lịch sử của cha ông mà lại mang tâm lý tự ti, tư duy “tự nhục”, thậm chí đi ngược lại lợi ích của đất nước, trở thành phản truyền thống, phản dân tộc.

Vậy, chấn hưng văn hóa chính là vực dậy những giá trị tốt đẹp, tất yếu phải bắt đầu từ giáo dục con người, mà giáo dục con người là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của sự nghiệp giáo dục. Con người phải được giáo dục, vì “nhân bất học, bất tri lý” (Con người không có học hành, tri thức, không có phẩm chất cần có thì sẽ không có khả năng nhận biết chân lý và lẽ phải).

Chấn hưng văn hóa - Sứ mệnh của giáo dục

Giáo dục, bởi vậy là xuất phát điểm, là cái gốc của sự nghiệp chấn hưng văn hóa. Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà là sứ mệnh.

Trong bối cảnh mở cửa phát triển kinh tế, bên cạnh thành tựu kinh tế đã đạt được thì những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường hàng chục năm qua cũng kéo theo nhiều hệ lụy: Sự xuống cấp về đạo đức, sự suy thóai về tư tưởng, suy đồi thậm chí thác loạn về lối sống, trong đó có cả đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Thực trạng đó là hồi chuông báo động về sự tha hóa của con người, đe dọa hủy hoại nền tảng văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ trẻ - chủ nhân văn hóa của đất nước trong hiện tại và tương lai.

Như đã nói, đó là hậu quả, mặt trái của cơ chế thị trường. Nhưng sâu xa hơn, đó là xu hướng xem nhẹ giáo dục tư tưởng, phẩm chất chính trị, nhất là với đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Từ đó đưa tới thực trạng một lớp người trẻ tuổi sống không lý tưởng, không mục đích, dễ dàng sa ngã trước những cám dỗ.

Học sinh đến thăm và tặng quà bác Phạm Đức Cư – cựu chiến sĩ Điện Biên.
Học sinh đến thăm và tặng quà bác Phạm Đức Cư – cựu chiến sĩ Điện Biên.

Muốn chấn chỉnh được thực trạng nhức nhối trên, phải xây dựng đào tạo được những thế hệ, những con người có tài năng và đạo đức, trí tuệ và tâm hồn, nhân cách và lý tưởng, như nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra:

“Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Vậy nên, vai trò của giáo dục càng quan trọng hơn bao giờ hết, nhưng trước hết cần nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục lý tưởng và phẩm chất chính trị. Trong triết lý giáo dục, hoạt động giáo dục cần phải nhận thức rõ, phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng là những điều quan trọng, cần thiết phải giáo dục cho thế hệ trẻ, như Bác Hồ đã viết trong Di chúc của Người.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ngày nay, các nhà trường, cả phổ thông lẫn đại học ít chú ý giáo dục tư tưởng và phẩm chất chính trị cho học sinh, sinh viên. Hoặc nếu có thường rơi vào hình thức, phiến diện, không có hiệu quả thực chất. Vậy nên, có trường hợp sinh viên đại học năm thứ 4, thông minh, học giỏi nhưng lại không biết ngày 22/12 là ngày gì.

Hoặc hiện tượng học sinh, sinh viên Việt Nam thần tượng, ngưỡng mộ những quân nhân Hàn Quốc, sĩ quan Trung Quốc trên phim ảnh chỉ vì sự hào hoa của diễn viên diễn xuất mà không biết rằng đó chỉ là dùng nghệ thuật tô vẽ che lấp đi cái phi nhân, phi nghĩa trong quá khứ; không biết rằng các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc mới thực sự là những con người cao đẹp, đáng ngưỡng mộ.

Vậy, nói chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục là đúng. Bởi chấn hưng văn hóa sự thực là chấn hưng con người, mà chấn hưng con người thì xét cho cùng chính là chấn hưng đạo đức và tư tưởng, phẩm chất và lẽ sống. Nhà trường chính là nơi trực tiếp, hàng ngày giáo dục và đào tạo những công dân, những chủ nhân văn hóa của đất nước. Xem nhẹ giáo dục đạo đức, tư tưởng, phẩm chất chính trị, nhà trường sẽ chỉ cho ra đời những sản phẩm ọp ẹp, khiếm khuyết, không toàn diện.

Cũng cần hiểu thêm câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ở một khía cạnh khác. Chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục có nghĩa là giáo dục phải là nơi đầu tiên thực hiện chấn hưng về văn hóa. Giáo dục phải đúng là giáo dục, không thể để tồn tại trong trong giáo dục những hiện tượng phản giáo dục, phi văn hóa. Những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như xây dựng thành tích ảo, chạy điểm, mua bằng, làm bằng giả, tham ô, tham nhũng, cơ hội, lợi ích nhóm, trục lợi giáo dục… chính là thực trạng của sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức trong giáo dục, cần sớm được chấn hưng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ