Dụng cụ được dùng để thu thập dữ liệu ở hồ Tahoe, nằm dọc theo biên giới giữa hai tiểu bang California và Nevada, Mỹ. Ảnh: Limnotech |
Trong nghiên cứu được công bố mới đây, các chuyên gia cho biết họ sử dụng dữ liệu thời tiết vệ tinh được ghi lại trong hơn 25 năm và các phép đo bề mặt ở 235 hồ nước trên 6 lục địa.
Kết quả cho thấy nhiệt độ hồ nước trên thế giới đang ấm hơn trung bình khoảng 0,61 độ qua mỗi thập kỷ. Con số này cao hơn cả tốc độ nóng lên của đại dương hoặc không khí, và có thể tác động rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước ngọt.
Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng trong thế kỷ tới, tảo biển sẽ sinh sôi nhanh chóng và hút hết oxy trong nước, gây độc cho cá và các loài sinh vật. Phát thải khí methane có thể tăng 4% trong 10 năm tới.
Trong khi đó, nhiệt độ nước ảnh hưởng đến nhiều đặc tính quan trọng đối với sự tồn tại của các hệ sinh thái. Khi mức nhiệt dao động nhanh trên quy mô lớn, các dạng sống trong hồ nước có thể thay đổi đáng kể và thậm chí biến mất. Hồ nhiệt đới ít tăng nhiệt độ, nhưng tác động chung của tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn ảnh hưởng đến các loài cá.
"Những kết quả trên cho thấy sự thay đổi trong hồ nước không chỉ khó tránh được, mà rất có thể đang xảy ra" Catherine O"Reilly, giáo sư địa chất tại Đại học bang Illinois, nói.
Tác động của biến đổi khí hậu có thể gây bất ổn cho các nước và kéo theo nhiều hệ lụy không mong muốn. Ngày 12/12, đại diện 195 quốc gia tại COP21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C.
Thỏa thuận có hiệu lực từ sau năm 2020, kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD, nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.