Trong khi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, Liên minh châu Âu (EU) vừa đề xuất cấp “hộ chiếu vắc-xin”, một loại chứng chỉ y tế số cho người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc có xét nghiệm âm tính với virus để có thể đi lại tự do trong toàn khối, qua đó hy vọng có thể sớm phục hồi ngành du lịch và vận tải hành khách.
Kế hoạch về loại hộ chiếu đặc biệt trong thời dịch nói trên sẽ được lãnh đạo các nước EU thảo luận chính thức và ra quyết định trong hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên, diễn ra vào tuần tới. Nhiều nước trong khối có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch đang hy vọng đây là giải pháp hữu hiệu để có thể phục hồi nguồn thu đã bị gián đoạn suốt hơn một năm qua do dịch bệnh.
Việc cấp “hộ chiếu vắc-xin” đang trở nên cấp thiết hơn khi châu Âu chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm nhất trong năm. Tuy nhiên, đây cũng là chủ đề gây tranh cãi giữa một bên là các nước Nam Âu vốn phát triển mạnh về du lịch rất ủng hộ “hộ chiếu vắc-xin”, trong khi các nước khác như Pháp thì cho rằng việc cho phép đi lại tự do hiện nay là quá sớm. Hơn nữa, việc cấp chứng chỉ sức khỏe được cho là sẽ tạo ra phân biệt đối xử vì phần lớn người dân EU chưa được tiêm chủng.
Theo thống kê của CDC châu Âu, tính đến trung tuần tháng 3 vừa qua mới có chưa đến 5% công dân EU được tiêm vắc-xin đầy đủ, trong khi mục tiêu là đạt tỷ lệ 70% vào cuối mùa hè năm nay. Giới chuyên gia nhận định, sáng kiến về “hộ chiếu vắc-xin” có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ người được tiêm chủng có cao hay không.
Đây không phải là giải pháp mới mẻ trên thế giới vì đang được áp dụng tại Israel, quốc gia Trung Đông có tỷ lệ dân số được tiêm chủng ngừa Covid-19 cao nhất toàn cầu hiện nay. Trước đó, Trung Quốc cũng trở thành quốc gia đầu tiên chính thức cấp hộ chiếu vắc-xin cho công dân từ ngày 10/3, trong đó cung cấp các thông tin chi tiết về việc tiêm chủng và kết quả xét nghiệm virus nCovi.
Cả hai nước Trung Quốc và Israel đều hy vọng giải pháp “hộ chiếu vắc-xin” sẽ thúc đẩy việc phục hồi hoạt động đi lại xuyên biên giới. Tuy nhiên, hiện đây đều chỉ là những chứng nhận sức khỏe cấp cho công dân trong nước và chưa mang tính bắt buộc.
Trên quy mô quốc tế, ngoài EU còn có Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) với 290 hãng hàng không thành viên cũng đang dự kiến công bố một ứng dụng du lịch, trong đó cho phép các cơ quan nhập cảnh và hãng hàng không thu thập và chia sẻ số liệu về tiêm vắc-xin và kết quả xét nghiệm Covid-19 của du khách.
Tương tự như phản ứng của một số nước châu Âu, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa chính thức ủng hộ ý tưởng cấp “hộ chiếu vắc-xin”. Cơ quan này cho rằng hiện còn quá sớm vì hiệu quả của vắc-xin vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, trong khi đó nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu vẫn còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài đã hơn một năm và chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy nhanh, ngày càng có nhiều nước cân nhắc việc cấp “hộ chiếu vắc-xin” như một biện pháp khả thi để phục hồi dần các hoạt động đi lại quốc tế, đặc biệt trong khoảng thời gian quá độ trước khi thế giới trở lại bình thường sau đại dịch.