“Hộ chiếu” Covid-19

GD&TĐ - Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế IATA đang lên kế hoạch thiết lập ứng dụng di động. Ứng dụng này sẽ giúp khách du lịch chứng minh tình trạng không nhiễm Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Động thái này được cho là đang thúc đẩy “hộ chiếu Covid-19”, trong bối cảnh vắc-xin phòng bệnh sắp được phê duyệt.

Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế cho biết, thẻ thông hành sẽ hiển thị kết quả kiểm tra cùng với bằng chứng về việc tiêm chủng. Thẻ cũng liệt kê các quy tắc nhập cảnh quốc gia và thông tin chi tiết tại các phòng xét nghiệm gần nhất. Ngoài ra, ứng dụng sẽ liên kết đến bản sao điện tử hộ chiếu của chủ sở hữu để chứng minh danh tính của họ.

Theo IATA, chương trình thử nghiệm sẽ bắt đầu với công ty mẹ IAG SA của Hãng Hàng không British Airways (Anh) trong năm nay. Sau đó, ứng dụng sẽ có mặt trên các thiết bị của Apple vào quý đầu tiên và Android từ tháng 4 năm tới. Du khách sẽ có thể chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình với cơ quan biên giới hoặc xuất trình mã QR để quét.

Mới đây, Hãng Hàng không Qantas (Australia) nhấn mạnh, tiêm chủng Covid-19 sẽ là nhu cầu cần thiết đối với các hành khách quốc tế của hãng. Giám đốc điều hành Alan Joyce cho biết đã thảo luận về ý tưởng này với các hãng hàng không khác. Và, đó sẽ là yêu cầu trước khi lên máy bay đối với mọi hành khách trên khắp thế giới.

Trong khi du lịch quốc tế vẫn trong tình trạng ảm đạm trước bối cảnh hàng loạt hạn chế và phong tỏa được đưa ra, các quốc gia đang bắt đầu áp dụng thử nghiệm để rút ngắn hoặc loại bỏ kiểm dịch đối với hành khách đến.

Trong khi đó, vắc-xin Covid-19 đầu tiên dự kiến được cung cấp trong vài tháng tới. Điều đó đã thúc đẩy một loạt các động thái do công nghệ dẫn đầu, nhằm thiết lập cơ chế giám sát thông tin đăng nhập Covid-19 của khách du lịch và tránh sự gian dối về sức khỏe từ hành khách.

Alan Murray Hayden - Trưởng bộ phận hành khách và sản phẩm an ninh của IATA, cho biết mục tiêu của nhóm là thu hút mọi người trở lại và rất vui khi được làm việc với các nhà cung cấp khác.

Thẻ thông hành sẽ được miễn phí cho khách du lịch và chính phủ. Các hãng hàng không sẽ trả một khoản phí nhỏ cho mỗi hành khách sử dụng dịch vụ. Dựa trên hệ thống IATA Timatic được sử dụng từ lâu, ứng dụng sẽ xác minh tài liệu. Ngoài ra, ứng dụng sẽ sử dụng công nghệ Blockchain và không lưu trữ dữ liệu, Murray Hayden nói.

Mặc dù kế hoạch của IATA vẫn đang được phát triển, ứng dụng CommonPass do Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Tổ chức Dự án Commons phi lợi nhuận thiết lập đã được thử nghiệm trên các chuyến bay giữa London và New York. Trong khi đó, ứng dụng AOKpass từ Công ty an ninh du lịch International SOS đang được sử dụng trong các chuyến bay giữa Abu Dhabi và Pakistan.

Cả hai ứng dụng đều đang “chạy đua” để đưa vào các chuyến bay giữa Hồng Kông và Singapore.

Người đồng sáng lập International SOS Arnaud Vaissie cho biết, cuộc đua nhằm thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu và triển khai công nghệ. Nhờ đó, giúp ngành du lịch có thể đứng vững trở lại.

“Có rất nhiều nhu cầu bị dồn nén. Ngoài ra còn có “nỗi sợ hãi kinh khủng” khi đi du lịch và đây là điều chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu”, nhà lãnh đạo này khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.