Hình tượng con mèo trong tâm thức dân gian

Hình tượng con mèo trong tâm thức dân gian

(GD&TĐ) - Trong mười hai con giáp, mèo là một trong bảy con vật mà người Việt nuôi và gần gũi với con người. Nếu như bỏ qua những quan niệm kiêng cữ về mèo như mèo kêu meo meo là nghèo, chó kêu gâu gâu là giàu thì xung quanh con mèo, dân gian cũng có nhiều đánh giá thú vị. Cũng như một số con vật khác, mèo có khá nhiều tên gọi khác nhau: miêu, miu, mãn, mỉu... (không biết mèo nào cắn mỉu nào).

Dựa vào màu lông, có các loại: mèo mun (lông đen từ đầu đến chân), mèo mướp (như chú hổ con), mèo vàng (lông màu vàng óng), mèo trắng (lông màu trắng tinh), mèo tam thể (ba màu trắng, đen, vàng pha lẫn vào nhau)... Căn cứ vào đặc điểm, hình dáng, người ta lại chia ra: mèo nhà, mèo hoang, mèo rừng, mèo già, mèo mất tai, mèo mù... Bằng cách định danh, có thể phân loại khá lý thú về họ nhà mèo.

ảnh minh họa
 ảnh minh họa

Trước hết là mèo hoang. Mèo hoang là mèo lang thang, vô chủ, cũng như mèo mả gà đồng, mèo đàng chó điếm, đây là loại không ra gì. Vì vậy khi nói đến thường là sự ám chỉ, xem thường:

Mèo hoang lại gặp chó hoang

Anh đi ăn trộm, gặp nàng đào khoai.

Tương tự, mèo mất tai cũng nằm trong đánh giá không mấy tốt, được dùng để chỉ sự thất vọng, buồn rầu: gái bị chồng rẫy tiu nghỉu như mèo mất tai. Ở góc độ khác, hình ảnh mèo già lại được khai thác ở khía cạnh: sự khôn ngoan đến mức trở thành tinh ma ranh mãnh: Mèo già hoá cáo.

Xa xưa, các hộ gia đình nuôi mèo chủ yếu để bắt chuột. Mèo thường săn mồi vào ban đêm, còn ban ngày thì thích sự yên tĩnh, xa vắng và kín đáo để nằm khoanh tròn, mắt lim dim, lừ đừ. Cho nên lừ đừ như mèo ngái ngủ chỉ ai hay nằm vật, nằm vạ. Ca dao xưa có những hình ảnh khá thú vị so sánh mèo những kẻ bất tài hoặc những người lười nhác:

- Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo;

- Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi

Vợ anh đẹp lắm, đuổi ruồi không bay. 

Mèo là vật ăn ở sạch sẽ, thích nằm những chỗ ấm áp và mọi chuyện “sinh hoạt” đều tươm tất, từ sưởi nắng, rửa mặt đến tiểu tiện. Khi “đại tiện”, mèo cũng đào lỗ, lấp đất cẩn thận. Từ đấy, hễ phê phán ai hay bưng bít điều gì, dân gian lại có câu giấu như mèo giấu cứt. Mèo hay ăn vụng nên những kẻ giấu giếm hưởng lợi một mình cũng được ví von im ỉm như mèo ăn vụng.

Mèo ăn chậm và ít, thường được so sánh với phái yếu nam thực như hổ, nữ thực như miêu, ăn nhỏ nhẻ như mèo. Tuy ăn ít nhưng mèo thường khó tính, bữa ăn phải đậm đà, nếu đồ ăn nhạt nhẽo, mèo sẽ bỏ. Có ăn nhạt mới biết thương thân mèo.

Mèo rất khoái mỡ. Như mèo thấy mỡ là vồ vập một cách thái quá. Cũng vì thế cho nên mỡ để miệng mèo là sai lầm lớn. Bên cạnh mỡ, cá là món mèo cũng rất ưa thích. Mèo vớ được cá là ví sự may mắn, còn mèo mù vớ cá rán thì còn hơn thế, nghĩa là sự may mắn không ngờ đến.

Mèo vốn nhanh nhẹn, lại giỏi leo trèo nên nên việc cất giữ đồ ăn con người cần phải kỹ lưỡng: chó treo, mèo đậy. Do đó nếu cơm treo, mèo nhịn đói. Tiếng kêu của mèo không mấy dễ chịu, đặc biệt là tiếng mèo ngao trong đêm khuya. Thế nên hát như mèo ngao, hát như mèo động đực là chỉ giọng hát chẳng ra gì. Mắt mèo tròn và xanh, mới có câu xanh như mắt mèo. Đuôi mèo dài hơn đuôi thỏ nhưng ngắn hơn đuôi chồn. Kẻ nào hay khoe khoang, tự phụ thì đích thị mèo khen mèo dài đuôi.

ảnh minh họa
 ảnh minh họa

Khi săn chuột, mèo phải rình rập, chờ cơ hội để ra tay. Rình như mèo rình chuột thể hiện sự cần cù, nhẫn nại của mèo. Khi đã vồ được chuột, mèo hay vờn mồi trước khi ăn, do đó có câu vờn như mèo vờn chuột. Tuy nhiên trong lúc vờn, cá biệt cũng có lúc mèo để mất mồi: lôi thôi như mèo sổ chuột. Khi săn mồi, mèo cũng biết lượng sức mình mèo nhỏ bắt chuột con.

Từ xưa, chó và mèo vốn đã không ưa nhau, mèo tuy không thể thắng chó nhưng không hề sợ chó, cũng không chịu nhường nhịn. Dân gian cũng không bỏ qua mối quan hệ này: cãi nhau như chó với mèo, chó mèo cắn nhau, yêu nhau như chó với mèo. Trong cuộc đối chọi này, chó ngờ nghệch hơn nên nhiều khi hay chịu thiệt:

Con mèo đập bể nồi rang

Con chó chạy lại, phải mang lấy đòn...

Khi nói ai làm một công việc gì đó liều lĩnh, nguy hiểm, mọi người thường ví với chuột gặm chân mèo. Những kẻ năng lực hạn chế mà muốn thực hiện những công việc vượt quá trình độ bản thân thì thật đúng là mèo vật đụn rơm. Buộc cổ mèo, treo cổ chó lại chỉ những kẻ bủn xỉn, hà tiện.

Điểm qua kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao của người Việt, còn có rất nhiều hình ảnh đề cập đến mèo:

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa: Nói hay nhưng làm dở;

Mèo già lại thua gan chuột nhắt: Người từng trải thì không gan góc như thanh niên;

Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo: Kẻ thù nguy hiểm nhưng nếu có mưu trí thì cũng có thể chiến thắng;

Chó giữ nhà, mèo bắt chuột: Mỗi người phụ trách một lĩnh vực riêng, không ai xâm phạm ai;

Chó tha đi, mèo tha lại: Những vật không còn giá trị không ai để ý;

Mèo cào không xẻ vách vôi: Phải lượng sức mình trước khi làm việc;

Mèo con bắt chuột cống: Những người trẻ tuổi tài cao, làm được những việc phi thường;

Không có chó bắt mèo ăn cứt: Dùng người bất đắc dĩ, không còn sự lựa chọn khác...

Rõ ràng, đề cập đến con mèo song cũng chính là bàn về con người vậy. Thế mới biết dân gian ta tinh tế và sâu sắc biết chừng nào. Nhân dịp năm mới Tân Mão, xin được kể ra vài điều thú vị về hình ảnh con mèo để hầu chuyện bạn đọc gần xa.

                                                       Trần Đức Tuấn

                                                          (Huyện uỷ Hoằng Hoá, Thanh Hoá)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ