Hình dung dạng đề thi và cách làm bài thi trắc nghiệm

GD&TĐ - Cô Trần Thị Vinh - Giáo viên Trường THPT Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ bí quyết giúp học sinh tự tin hơn với các dạng bài thi trắc nghiệm.

Hình dung dạng đề thi và cách làm bài thi trắc nghiệm

Hình dung về các dạng đề trắc nghiệm

Cô Trần Thị Vinh cho biết, câu trắc nghiệm bao gồm 2 loại, hỏi về lý thuyết và câu hỏi tính toán. Bài tập trong câu trắc nghiệm không đòi hỏi thí sinh phải mất nhiều thời gian tính toán, thường là bài toán cơ bản, hoặc một khâu trong quá trình giải một bài toán tự luận.

Đối với mỗi câu hỏi, thí sinh sẽ có khoảng từ 1 đến 2 phút để tìm ra đáp án trả lời. Tuy nhiên, sẽ có những câu thuộc vào phần kiến thức cơ bản, phần lý thuyết trong sách giáo khoa, thí sinh không cần đến 1 phút mà có thể trả lời ngay sau khi đọc đề.

Bên cạnh đó, cũng có những câu cần phải phân tích, tổng hợp, suy luận hoặc những bài toán cần áp dụng nhiều phương pháp tính toán.

Thông thường những câu này phải mất tới gần 5 phút. Nếu tính cả 4 phương án thì có thể thời gian tìm đáp án phải lên tới 8 đến 10 phút.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý những câu hỏi "bẫy", đưa ra nhiều đáp án gần giống với đáp án đúng. Cần hết sức thận trọng và đọc kỹ, hiểu kỹ câu hỏi và các phương án trả lời để lựa chọn chính xác nhất.

Với đề thi tuyển sinh, sẽ có khoảng 25 câu vận dụng kiến thức cơ bản 10 câu dành cho học sinh giỏi dùng để phân loại thí sinh.

Trong đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh đều có phần kiến thức của cả 3 năm THPT, trong đó trọng tâm là chương trình lớp 12.

Theo một số nhà giáo giàu kinh nghiệm thì số lượng câu hỏi thuộc về phần kiến thức lớp 12, 11, 10 thường theo tỉ lệ khoảng 5-3-2. Vì thế, thí sinh cần phải nắm thật chắc toàn bộ chương trình lớp 12, đồng thời không quên ôn lại kiến thức của hai năm trước đó.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sách hướng dẫn làm bài thi trắc nghiệm, bộ đề thi trắc nghiệm. Mỗi môn có tới vài chục đầu sách hướng dẫn khiến thí sinh "loạn", không biết phải ôn tập theo cuốn nào.

Trong lúc này, cô Vinh khuyên thí sinh không nên sử dụng quá nhiều sách tham khảo cùng một lúc. Nếu đã chọn cuốn sách nào thì nên "trung thành" với cuốn đó và làm hết toàn bộ các đề trong sách.

Nhưng quan trọng nhất là phải nắm thật vững kiến thức bởi thi trắc nghiệm đồng nghĩa với việc kiến thức trải dài trên diện rộng. Khi có kiến thức bao trùm cả chương trình, thí sinh có thể làm được bất cứ đề thi nào.

Lưu ý khi điền phiếu trả lời trắc nghiệm

Vào phòng thi, khi nhận được phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh phải điền ngay vào các mục từ 1 đến 9 (bao gồm thông tin các nhân và thông tin về phòng thi, hội đồng coi thi, môn thi, ngày thi).

Sau khi nhận đề, thí sinh phải điền vào mục số 10 là mã đề thi. Tất cả thông tin này đều phải điền bằng bút bi hoặc bút mực, không được sử dụng màu đỏ. Nếu điền thiếu bất cứ thông tin nào, bài làm đều phạm quy.

Đồng thời chú ý xem lướt qua đề thi và phiếu trả lời xem có đầy đủ câu hỏi không, các câu hỏi có được in rõ ràng không. thí sinh không làm bài trực tiếp vào đề thi mà phải trả lời trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Thí sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm bằng cách dùng bút chì tô đen toàn bộ khung A, B, C hoặc D. Nên dùng loại bút chì mềm (2B, 6B...) và phải mang theo vài bút chì gọt sẵn dự trữ, đề phòng trường hợp gẫy ngòi. Không nên gọt bút chì quá nhọn, nên để đầu bút chì dẹt và cầm bút chì thẳng đứng để tô đen nhanh.

Khi tô các ô tròn, thí sinh phải chú ý tô đậm kín cả ô, tô thừa ra ngoài một chút không sao nhưng tuyệt đối không tô thiếu. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn trả lời lại, thí sinh dùng tẩy, tẩy thật sạch ô cũ và tô kín ô mới. Nếu không tẩy sạch, máy chấm sẽ coi như có 2 ô đen và câu trả lời đó không được chấm điểm.

Thí sinh nên để phiếu trả lời trắc nghiệm bên phía tay cầm bút, bên kia là đề thi. Tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu trả lời trắc nghiệm và tô vào ô trả lời được lựa chọn.

Tuy phải tận dụng thời gian nhưng cũng cần rất cẩn thận, tránh tô nhầm sang dòng của câu khác bởi vì chỉ cần một câu nhầm dòng có thể dẫn đến sai dây chuyền toàn bộ các câu sau đó.

Cách làm bài thi hợp lý nhất:

Cô Vinh khuyên các thí sinh nên chia đề làm 3 nhóm, làm bài thành 3 vòng

Nhóm 1 là câu hỏi mà thí sinh có thể trả lời được ngay.

Nhóm 2 là những câu hỏi cần phải tính toán và suy luận.

Nhóm 3 là những câu hỏi còn phân vân hoặc vượt quá khả năng của mình thì thí sinh cần đọc kỹ dành thêm thời gian.

Ngay khi nhận đề thi, thí sinh nên lướt quan toàn bộ đề thật nhanh trong vòng vài phút và lựa chọn những câu cảm thấy dễ nhất và chắc chắn nhất để làm trước, đồng thời đánh dấu những câu chưa làm được trong đề thi. Sau đó quay lại một lượt nữa để giải quyết những câu đã bỏ qua.

Lưu ý trong số những câu của vòng 2, thí sinh vẫn nên chọn các câu dễ hơn để làm trước, những câu quá khó vẫn tiếp tục gác lại để vòng ba.

Vì thi trắc nghiệm là một cuộc đua về thời gian nên thí sinh không nên dừng lại quá lâu ở bất cứ câu hỏi nào. Với những câu không biết chắc đáp án chính xác, nên dùng phương pháp loại trừ để loại bỏ được càng nhiều phương án sai càng tốt.

Khi rút lại được 2 phương án, cơ hội sẽ là 50/50. Nếu khi ấy vẫn chưa có đáp án thì thí sinh buộc phải lựa chọn theo cảm tính. Tuyệt đối không nên để trống một câu nào. Nếu gần hết thời gian vẫn còn các câu trống thì hãy dùng các phương pháp xác suất để chọn câu trả lời.

Chú ý: Khi chọn là xác suất các câu đúng ngang nhau, ví dụ như một đề có 50 (100%) câu thì xác suất có khoảng 13 (25 - 26%) câu đáp án A đúng, 13 (25 - 26%) câu đáp án B đúng, 13(25 - 26%) câu đáp án C đúng, 13(25-26%) câu có đáp án D đúng. Nghĩa là mỗi câu có xác suất bằng 1 phần 4.

Do đó, thí sinh cứ làm hết sức có thể, đến khi còn khoảng 5 phút cuối cùng thì dừng lại để thống kê số lượng đáp án đã tính.

Chẳng hạn nếu số đáp án D các bạn chọn quá ít thì những câu còn lại các bạn cứ tích D, như thế sẽ tối ưu hóa được số điểm đạt được.

Cũng có thể dùng phương pháp loại trừ kết hợp xác suất: Xét trong 4 phương án đề ra (A,B, C, D), có thể xác định ít nhất 1 - 2 phương án sai.

Giải sử loại trừ A & B (biết chắc là sai) thì còn C, D. Xác suất chọn 1 trong 2 đã là 50%. Nếu kết hợp xét chung trong tổng bộ đề, có thể nâng xác suất đúng lên 75 - 90%

Những điều cần "nằm lòng"

Cô Trần Thị Vinh đặc biệt lưu ý thí sinh, đối với thi trắc nghiệm, đề thi gồm nhiều nội dung kiến thức, rải khắc chương trình, không có trọng tâm cho mỗi môn thi,do đó phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán “tủ”, học “tủ”.

Gần sát ngày thi, nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem kỹ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi. Không nên làm thêm những câu trắc nghiệm mới vì dễ hoang mang nếu gặp những câu trắc nghiệm quá khó.

Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang “tài liệu trợ giúp” vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của thí sinh khác trong phòng thi, vì các thí sinh có đề thi với hình thức hoàn toàn khác nhau.

Trước ngày thi, nên “ôn” lại toàn bộ quy trình thi trắc nghiệm để hành động chính xác và nhanh nhất, vì có thể nói, thi trắc nghiệm là một... cuộc chạy “marathon”.

Theo đúng hướng dẫn của giám thị, thực hiện tốt và tạo tâm trạng thoải mái trong phần khai báo trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bằng cách đó, có thể củng cố sự tự tin khi làm bài trắc nghiệm.

Thời gian là một thử thách khi làm bài trắc nghiệm, phải hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian; phải vận dụng kiến thức, kỹ năng để nhanh chóng quyết định chọn câu trả lời đúng.

Nên bắt đầu làm bài từ câu trắc nghiệm số 1; lần lượt “lướt qua” khá nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đánh dấu trong đề thi những câu chưa làm được; lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề.

Sau đó quay trở lại “giải quyết” những câu đã tạm thời bỏ qua. Lưu ý, trong khi thực hiện vòng hai cũng cần hết sức khẩn trương; nên làm những câu tương đối dễ hơn, một lần nữa bỏ lại những câu quá khó để giải quyết trong lượt thứ ba, nếu còn thời gian.

Khi làm từng câu trắc nghiệm cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc hết trọn vẹn mỗi câu cả phần dẫn và 4 lựa chọn A, B, C,D loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại, phương án nào chọn là phương án đúng dùng bút chì tô kín ô đã chọn trong phiếu.

Làm đến câu trắc nghiệm nào, dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu “trả lời trắc nghiêm”, ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu “trả lời trắc nghiêm”, vì dễ bị thiếu thời gian.

Khi đọc phần dẫn cần chú ý tới các từ phủ định như “không”; ‘không đúng’; “sai”.

Để tránh mất điểm đối với những câu các em nghi ngờ kết quả thì có thể kiểm tra lại. Đối với bài tập tính toán thì thay kết quả vào kiểm tra lại. Đối với câu hỏi lý thuyết cố gắng dùng phương pháp loại trừ để kiểm tra lại kết quả.

Việc làm đề thi ĐH được chuẩn bị kỹ lưỡng, gồm nhiều giáo viên có kinh nghiệm cũng như kiến thức rất giỏi do vậy các em không nên có tâm lý nghi ngờ đề sai.

Khi giải bài tập không có đáp án A, B, C, D thì hầu như các em đã giải sai. Hãy bình tĩnh kiểm tra lại và loại trừ các đáp án mà các em xác định chắc chắn sai. Từ đó khả năng tìm câu trả lời sẽ cao hơn và không bị mất điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.