Thượng đỉnh tại Hà Nội vào thứ 4 và thứ 5 tới đây được cho là một cơ hội để ông Kim tạo dựng hình ảnh trên. Đây là điều quan trọng cho nỗ lực của ông nhằm giảm bớt sự cô lập của Bình Nhưỡng, tạo ra các cơ hội ngoại giao và kinh doanh, phát triển nền kinh tế - các nhà phân tích cho biết hôm nay (25/2).
Cuộc gặp thứ 2 với TT Trump là đỉnh điểm của những nỗ lực mà Chủ tịch Kim đã khởi động từ đầu năm ngoái khi ông thay đổi chính sách tập trung vào nền kinh tế sau tuyên bố “hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia” vào tháng 11/2017.
Theo giáo sư khoa học chính trị Kim Tae-hyeong của Đại học Soongsil, trong vài năm nắm quyền, Chủ tịch Kim ưu tiên củng cố quyền lực. Giờ đây khi đã ổn định, ông muốn cho thế giới biết tới mình là một người đối thoại ổn định, bình thường trong ngoại giao. Trong khi đó, đối với người trong nước, ông thể hiện là một lãnh đạo hiện đại, tự tin trên trường quốc tế.
Năm 2016, ông Kim đưa ra kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm nhưng nó có ít sức hấp dẫn vì chính trị bất ổn và các lệnh trừng phạt quốc tế đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài sợ hãi và làm cạn kiệt cơ hội kinh doanh.
Việc TT Trump liên tục nhắc lại tiềm năng của Triều Tiên trong việc trở thành một “một cường quốc kinh tế” nếu từ bỏ kho vũ khí hạt nhân có thể đã làm tăng quyết tâm của ông Kim để trở thành một nhà lãnh đạo kinh tế.