Nhạc sỹ Phạm Duy |
Năm thập kỷ gần đây, ngựa lại mất đi vai trò trong giao thông đường bộ. Thế nhưng, ngựa rất ấn tượng trong âm nhạc Việt Nam.
Lắc kéo ... Lý ngựa ô
Nói đến đờn ca tài tử Nam Bộ thì phải biết nhất Lý, nhì Ngâm, tam Nam, tứ Oán, ngũ Điếm, lục Xuất, thất Chính, bát Ngự, cửu Nhĩ và thập Thủ. Nhất Lý thì gồm có 6 bản Lý: Lý vọng phu, Lý giao duyên, Lý con sáo, Lý ngựa ô nam, Lý ngựa ô bắc và Lý phước kiến (Theo Cổ nhạc tầm nguyên - quyển I của cố nhạc sĩ Võ Tấn Hưng, xuất bản tại Sài Gòn năm 1958).
Về ngôn ngữ học, Nam, Bắc trong nhạc tài tử Nam Bộ không có nghĩa là miền Nam, miền Bắc mà là hơi ai (buồn) và hơi xuân (vui). Bản Lý ngựa ô nam thuộc hơi ai, nên nhịp điệu tương tự như bản Nam ai, có tất cả 7 câu nhịp tư.
Tức mỗi câu có 4 nhịp, song loan rơi vào nhịp thứ 3 và 4, vô “Xê nội” và dứt “Liu ngoại”. Tính cách của nó buồn, thể hiện không gian tĩnh lặng,… Trong cải lương, thường viết lời cho những nhân vật mang tâm trạng đau thương.
Bản Lý ngựa ô bắc thuộc cung bắc (hơi xuân), nhịp thức tương tự như 6 bản Bắc chánh, tức mỗi câu có 4 nhịp (nhịp tư), song loan rơi ở nhịp thứ 3 và 4, vô “Xang nội” và dứt “Liu nội”, có tất cả là 10 câu.
Tính cách giai điệu này mạnh mẽ, hùng hồn và thường xảy ra trong những tình huống xung đột. Tiết tấu kịch bốc hơn, nhưng xung đột không quá gay gắt,…
Trong hai bản cổ nhạc ấy không có chút hơi hướng nào về ngựa, chẳng hạn tiết tấu như ngựa chạy, hay lời có ngôn từ về ngựa. Thế nhưng trong bài Sơn Đông hướng mã của ca tài tử, cải lương thì tiết tấu vui, có hơi hướng ngựa chạy.
Trong dân ca Bắc Bộ, bài hát Lý ngựa ô thật rộn ràng tiếng ngựa đi nước kiệu: “Khớp con ngựa ngựa ô/ Ngựa ô anh khớp/ Anh khớp kiệu vàng/ Anh tra khớp bạc…”. Ngay cả Lý ngựa ô Huế tuy có nhặt khoan như câu hò mài nhì, mái đẩy nhưng vẫn rõ ràng tiết tấu ngựa chạy.
Thử đặt vấn đề, tại sao dân gian lại chọn là lý ngựa ô mà không là ngựa bạch, ngựa kim, ngựa hồng? Ngựa ô màu đen, thuộc thủy (trong ngũ hành) phù hợp với vùng đất có nhiều sông nước. Phương Bắc cũng thuộc hành thủy, phải chăng người đi mở cõi phương Nam vẫn nhớ về đất Bắc?
Ngựa vừa phi vừa hí?
Mở đầu dòng nhạc Tiền chiến, nhạc sĩ Lê Yên tác giả của những ca khúc Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, trong đó có bài Đoàn kỵ binh Việt Nam, sau đổi thành Ngựa phi đường xa... có thể xem là người đầu tiên trong âm nhạc Việt Nam viết đề tài về ngựa.
Trong bài Ngựa phi đường xa, có cả tiếng ngựa hí nghe thật sảng khoái. Nhưng ngựa phi thì không khi nào hí; ngựa chỉ hí khi bị gò cương, hoặc khi đứng nhìn đồng loại đang phi. Nhạc sĩ cho ngựa vừa phi, vừa hí nghe cũng đã, chẳng ai để ý.
Kế đến là bài Hòn Vọng Phu 1 của nhạc sĩ Lê Thương, có câu: Ngựa phi ngoài xa hí vang trời. Chiêng trống khua trăm hồi… Cũng lại ngựa vừa phi vừa hí hay là có cả nhiều con ngựa đang đứng hí và ngựa đang phi? Kệ nó, miễn là bài hát hay là được rồi!
Ngựa hoang, ngựa hồng... hay tự khúc Phạm Duy?
Bài hát Vết thù trên lưng ngựa hoang của Ngọc Chánh và Phạm Duy trước năm 1975 rất nổi tiếng qua giọng hát của Elvis Phương là nhạc nền cho một phim cùng tên.
Cuộc đời của Đại Cathay, một trong “tứ đại giang hồ” Sài Gòn được nhà văn Duyên Anh lấy làm đề tài cho tiểu thuyết Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang vào năm 1967. Tiểu thuyết này được đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng thành phim 1971.
Bài hát đã làm cho phim thêm hấp dẫn và sau đó nó thoát khỏi phim để “một thời vang bóng”, mặc dù lời của bài hát cũng triết lý bí hiểm kiểu Phạm Duy.
Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời,
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời.
Ngựa phi như điên cuồng, giữa cánh đồng, dưới cơn giông
Vì trên lưng cong oằn những vết roi vẫn in hằn…
Bây giờ đọc lại tiểu sử Phạm Duy, dường như bài hát viết năm 1971, dường như ông tự dự báo cuộc đời mình! Có điều nên suy ngẫm, khi ông trở về cát bụi chẳng có vết hằn, vết thù nào trên lưng cả!
Phạm Duy cũng có một bài hát khác viết về ngựa nổi tiếng và được nhiều luồng phê bình trái ngược nhau, bài Ngựa Hồng tức Rong Ca 9. Bài này cũng lấy tứ từ bài “Vết thù trên lưng ngựa hoang” nhưng phát triển rộng hơn, ngựa hoang biến thành ngựa hồng, triết lý hơn:
Ngựa Hồng xưa kia cùng bậc chinh nhân
Bách chiến nơi sa trường đời
Ngựa Hồng hôm nay cột vào yên cương
Cong lưng kéo chiếc xe thôi
Đường đời quanh co chật chội
Bụi bờ quanh năm lầy lội
Cỏ hèn đã úa từng cội
Ngựa hồng, hình tượng ấy không biết tác giả chỉ đời hay chính mình?! Chính vì thế, bài hát này không đi vào đời sống.
Ngược lại, nhạc sĩ Trần Tiến, trên nền nhạc Lý ngựa ô, dân ca Bắc Bộ đã viết bài hát Ngẫu hứng ngựa ô vừa mang đậm chất dân ca, vừa mang chất lãng du, phóng khoáng rất Trần Tiến, đã làm lay động hàng triệu trái tim:
Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy
Nghe một tiếng ầu ơ nửa đêm bão giông
Đêm phương Nam nằm nghe đường xa vó ngựa
Nghe một thuở hồng hoang ngựa qua bến sông
Đêm phương Nam nhìn lên mây bay khói tỏa,
Nhìn hòn đá lăn
Nghiêng, nghiêng, nghiêng nghiêng câu ca dao,
Nghiêng nghiêng mái chèo
Dưới bóng cây ngô đồng, có con ngựa dừng chân,
Có hai người... hôn nhau
Rất nhiều nhạc sĩ lấy con ngựa làm hình tượng nghệ thuật.
Từ Công Phụng, trong bài Như chiếc que diêm, viết: …Xót dùm cho thân ta ngựa bầy đã xa…
Đặc biệt Y Vân nổi tiếng với bài Lòng mẹ, nhẹ nhàng tha thiết và bài Sài Gòn đẹp lắm rất sôi động như chính hòn ngọc Viễn Đông này:
Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau
Người ra thăm bến câu chào nói lao xao…
Trịnh Công Sơn, Kỷ lục viết về ngựa
Nhạc sĩ giữ kỷ lục về số bài hát có đề cập về ngựa là Trịnh Công Sơn, mặc dù ông không viết đề tài nào về ngựa cả. Thử điểm qua một số bài của ông.
Trong bài Xin mặt trời ngủ yên có đoạn: “Một ngày ngày đã qua, ôi một ngày ngày chóng qua. Một chiều, một ngày âm thầm đã, đã trôi đi không còn gì. Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè. Ngựa hồng đã mỏi gót chết trên đồi quê hương….”
Một cõi đi về:…Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa…
Phúc âm buồn: ...Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi. Người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời
Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây
Người còn đó gieo hạt lúa trên ruộng đất này
Người còn đó nhưng bơ vơ mắt chong đêm dài
Ngựa xa rồi, ngựa xa rồi, trên ngày tháng vơi…
Dấu chân địa đàng: …Ngựa buông vó người đi chùn chân đã bao lần…
Một ngày như mọi ngày: ...Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say…
Đóa hoa vô thường: …Ngựa hí vang đường xa, vọng suốt đất trời kia…
Xa dấu mặt trời: …Vó ngựa trên đời, hay dấu chim bay…
Em còn nhớ hay em đã quên: … Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng…
Chỉ có ta một đời: …Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng…
Trịnh Công Sơn còn nhiều bản nhạc khác có “ngựa” như: Giọt lệ thiên thu, Có những con đường, Rơi lệ ru người, Thuở bống là người…
Con ngựa trong nhạc Trịnh là thời gian trôi, là ký ức đã qua, là thân phận con người... nó giống như barma (ta bà) của Phật giáo, lấp đầy trong không gian và thời gian nghệ thuật của ông.
Con ngựa hiện tại không còn gắn bó trong đời sống, nhưng những dòng nhạc về nó vẫn bất hủ với thời gian, với lịch sử bi hùng, thủy chung của dân tộc.