Hình ảnh con người trong văn học trung đại (Bài 1: Anh hùng dân tộc với áng thi ca)

Hình ảnh con người trong văn học trung đại (Bài 1: Anh hùng dân tộc với áng thi ca)

Văn học trung đại Việt Nam (Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX) cũng không nằm ngoài đặc điểm chung ấy, cũng tha thiết một tiếng nói cảm thông, trân trọng, yêu thương dành cho con người.

 Con người sử thi

Con người sử thi là hình ảnh những con người đại diện cho sức mạnh, bản lĩnh, phẩm chất của cả cộng đồng, dân tộc trong những thời điểm đặc biệt của lịch sử như thời chiến tranh vệ quốc hay giai đoạn trùng hưng đất nước. Đây là mẫu người lý tưởng mang tầm vóc thời đại, là những người “khổng lồ” mà qua đó ta nhìn thấy vẻ đẹp của cả một thời đại oanh liệt, hào hùng.

Trong bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) - thi phẩm xuất sắc của Phạm Ngũ Lão, tác giả đã thể hiện sâu sắc hình ảnh con người thời đại Đông A qua hình tượng người tráng sĩ thời Trần với vẻ đẹp hùng tráng, hào sảng. Người tráng sĩ ấy hiện lên qua tư thế “Cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông đã mấy thu”, một thế đứng hiên ngang, lẫm liệt với nhiệt tình cứu nước sục sôi, chưa lúc nào quên cảnh giác với kẻ thù. Tầm vóc người anh hùng càng trở nên kì vĩ, lớn lao khi được đặt trong một không gian rộng lớn “giang san”, một thời gian dài lâu “kháp kỉ thu”. 

Lúc ấy ngọn giáo trên tay người tráng sĩ như được đo bằng kích thước của vũ trụ, đất trời. Không chỉ thế, người trai thời Trần còn hiện lên với vẻ đẹp của lí tưởng lớn lao, khát vọng cháy bỏng và nhân cách cao đẹp “Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu”. Một con người cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông đã mấy thu chưa lúc nào ngơi nghỉ mà vẫn tự nhận rằng chưa trả xong nợ công danh, vẫn cảm thấy thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu, chứng tỏ con người ấy vẫn chưa tự bằng lòng với chính mình, vẫn thấy mình cống hiến chưa đủ, vẫn khao khát lập nhiều chiến công hơn nữa. Nỗi thẹn ấy vì thế là nỗi thẹn cao cả, nỗi thẹn làm nên nhân cách khiến hình tượng người tráng sĩ trở nên đẹp rạng rỡ, hào hùng.

Cuối thời Trần, khi non sông rơi vào tay giặc, hình ảnh con người sử thi lại được thể hiện sâu sắc qua vẻ đẹp bi tráng của người tráng sĩ trong bài thơ “Cảm hoài” (Nỗi lòng) của Đặng Dung. Đó là một con người tuy lâm vào hoàn cảnh bế tắc nhưng nhiệt tình cứu nước vẫn sục sôi, hào khí vẫn lẫm liệt, oai hùng. Hai câu thơ “Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” (Sự đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây/ Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao) nêu lên một hoàn cảnh đầy bi kịch: Việc đời còn rối bời, sự nghiệp chưa thành mà ta đã già rồi. Thời gian, tuổi tác không cho phép tiếp tục thực hiện hoài bão, con người chỉ giải tỏa nỗi buồn thương bằng cách đắm mình trong cuộc rượu hát ca. 

Người tráng sĩ mang hoài bão lớn lao muốn giúp chúa xoay chuyển tình thế, khôi phục đất nước nhưng lại cảm thấy bất lực, không thể làm gì trước thời cuộc. Vậy mà khí phách, khát vọng người anh hùng vẫn tỏa sáng ngay trong cảnh ngộ thất cơ, lỡ vận “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma” (Thù nước trả chưa xong mà đầu đã bạc/ Bao đêm rồi ngồi mài gươm dưới bóng trăng). Trong hai câu thơ, người anh hùng hiện lên tuyệt đẹp; lồng lộng, hiên ngang ngay cả khi rơi vào bi kịch. Nhiệt tình cứu nước không lúc nào suy giảm dù tóc trên đầu đã bạc vì sương gió chiến chinh.

Con người ưu ái

Con người ưu ái là những con người nặng lòng với non sông đất nước, lúc nào cũng thường trực một tình yêu, một nỗi âu lo dành cho cuộc sống của nhân dân. Họ mang trong mình lý tưởng “trí quân trạch dân”, khát khao xây dựng một xã hội thịnh trị, giúp cho cuộc cuộc sống nhân dân yên ổn, thanh bình. Và khi xã hội rơi vào loạn lạc, cuộc sống nhân dân lầm than, lòng họ nặng trĩu bao nhiêu xót xa, cay đắng.

Trong văn học trung đại Việt Nam, hình ảnh con người ưu ái ấy xuất hiện trong thơ Trần Nguyên Đán “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ/ Bạch đầu không phụ ái dân tâm” (Đọc ba vạn cuốn sách mà thành vô dụng/ Bạc đầu luống phụ lòng thương dân) (Nhâm dần lục nguyệt tác), trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “Ưu thời thốn niệm bằng thùy tả/ Duy hữu hàn san bán dạ chung” (Nỗi lòng lo đời biết nói cùng ai/ Chỉ có tiếng chuông chùa trên núi vắng lúc nửa đêm san sẻ) (Tân Quán ngụ hứng). Nhưng sâu sắc nhất có lẽ là trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Trong thơ Nguyễn Trãi, ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh một con người ưu ái, suốt đời âu lo cho vận mệnh của đất nước, cho hạnh phúc nhân dân. 

Nguyễn Trãi từng viết câu thơ nổi tiếng “bình sinh độc bão tiên ưu chí” (Hải khẩu dạ bạc hửu cảm). Ông nguyện trở thành người “lo thì lo trước thiên hạ, vui thì vui sau thiên hạ”. Ông đau lòng, xót xa khi nhìn cảnh nhân dân lầm than, khốn khổ dưới sự bạo tàn của giặc “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô Đại Cáo), ông vui mừng, hồ hởi khi đất nước được thanh bình, cuộc sống nhân dân yên ổn, hạnh phúc “Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới” (Bình Ngô Đại Cáo).

Là một người thông tuệ lại sống gần dân, Nguyễn Trãi hiểu hơn ai hết vai trò, sức mạnh của nhân dân “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết dân như nước). Vì thế mà ông trân trọng và thương yêu nhân dân hết mực. Sở nguyện của đời ông là làm sao cho cuộc sống nhân dân được hạnh phúc, yên bình “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới 43), “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Chừng ấy ta đà phỉ sở nguyền” (Tự thán 4). 

Ông kêu gọi giới cầm quyền phải biết thương dân, chăm lo cho vận mệnh nhân dân “lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỉ”, “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Ông gọi tấm lòng ấy là “lòng ưu ái”, “lòng trung hiếu”: “Bui một tấc lòng trung lẫn hiếu/ Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật hứng 24), “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng 5). Nguyễn Trãi tự nguyện làm cây Tùng trải bao sương gió nhọc nhằn, đem “hổ phách, phục linh” của đời mình mà “dành để trợ dân này”.

________________________________________________

Bài 2: Khúc bi tráng và những áng văn để đời

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ