Hiệu trưởng trường tư: Làm sao hài hòa lợi ích?

GD&TĐ - Quản lý giáo dục khác quản lý doanh nghiệp. Nếu xem nhẹ đặc thù này, hiệu trưởng khó hành nghề tốt. Vậy, để làm tốt vai trò của mình, hiệu trưởng cần hài hòa yếu tố nào?

Làm giáo dục cần một quá trình chứ không thể “một sớm, một chiều”. Ảnh: TG
Làm giáo dục cần một quá trình chứ không thể “một sớm, một chiều”. Ảnh: TG

Không đánh đồng khái niệm

GS.TS Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng Trường Quản lý và Công nghệ Hải Phòng cho biết: Sau hơn 20 năm thành lập, nhà trường luôn đặt mục tiêu chất lượng đào tạo lên hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận. “Nhiều người coi trường đại học ngoài công lập như một doanh nghiệp nhưng rõ ràng cách quản lý giáo dục khác hẳn với quản lý doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, sản phẩm đầu ra là vật chất cụ thể nhưng với giáo dục, từ đầu vào cho đến đầu ra đều là con người. Nói cách khác, sản phẩm của giáo dục là con người. Vì thế, nếu yêu cầu hiệu trưởng làm việc như một giám đốc doanh nghiệp sẽ rất khó để họ làm tròn vai của một nhà quản lý giáo dục” - GS.TS Trần Hữu Nghị chia sẻ.

GS.TS Trần Hữu Nghị phân tích: Đứng ở góc độ doanh nghiệp, sản phẩm ra ngoài thị trường sẽ được người tiêu dùng sử dụng, sau đó phản hồi lại với nhà sản xuất về chất lượng, giá cả… Nhưng với các trường đại học, mỗi một lứa sinh viên tốt nghiệp, kiến thức, năng lực làm việc của các em chính là kết quả, phản ánh về quá trình đào tạo của nhà trường.

“Chúng ta có thể vận dụng linh hoạt phương thức quản trị của mô hình doanh nghiệp nhưng mục tiêu, chiến lược phát triển phải được cân nhắc kỹ càng. Không đánh đồng khái niệm quản lý giáo dục với quản lý doanh nghiệp. Nếu muốn làm giáo dục, càng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận kinh tế lên hàng đầu, bởi sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp với sản phẩm đầu ra của một trường đại học hoàn toàn khác nhau” - GS.TS Trần Hữu Nghị nói. 

Hiệu trưởng các trường ĐH ngoài công lập thường bị áp lực về chỉ tiêu tuyển sinh. Ảnh: TG
Hiệu trưởng các trường ĐH ngoài công lập thường bị áp lực về chỉ tiêu tuyển sinh. Ảnh: TG

Đánh giá hiệu trưởng cần dựa vào quá trình

Theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (Đoàn Khánh Hòa), thực tế hiện nay, áp lực lớn nhất của hiệu trưởng các trường ngoài công lập (từ phổ thông đến đại học) là định mức về tuyển sinh. Do đó, Hội đồng quản trị thường kỳ vọng, thậm chí là giao nhiệm vụ cho hiệu trưởng có giải pháp đột phá để cải thiện tình trạng tuyển sinh (năm sau phải cao hơn hơn năm trước và phải đạt được chỉ tiêu đề ra). Tuy nhiên, với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ sở giáo dục đại học như hiện nay, câu chuyện tuyển sinh đang là bài toán khó với hầu hết trường đại học, nhất là trường ngoài công lập.

Theo đại biểu Quốc hội đoàn Khánh Hòa, trường công lập và trường ngoài công lập có sự khác nhau về điều hành, quản lý. Vì vậy, không nên áp đặt quản lý giáo dục giống như quản lý doanh nghiệp. Cần xác định, làm giáo dục chứ không phải kinh doanh giáo dục. Vì thế, không nên đặt áp lực  quá lớn về doanh thu, chỉ tiêu kinh tế, chỉ tiêu tuyển sinh cho hiệu trưởng. Làm giáo dục cần một quá trình chứ không thể “một sớm, một chiều”, do vậy, không nên đánh đổi bằng lợi ích kinh tế. “Nên chăng hài hòa giữa chỉ tiêu tuyển sinh với quản lý chuyên môn, nghiên cứu khoa học” - đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học. Đã đến lúc, cần bình đẳng giữa các loại hình công lập, dân lập, trường ngoài công lập phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng cần có cam kết rõ ràng để các trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững. Nếu coi trường đại học như một doanh nghiệp sẽ “làm khó” cho hiệu trưởng trong việc bảo đảm mục tiêu về chất lượng GD-ĐT, bởi khi đó, có thể hiệu trưởng sẽ bị chi phối bởi yếu tố khác, trong đó có vấn đề lợi nhuận kinh tế mà Hội đồng quản trị đề ra.

TS Lê Viết Khuyến đề xuất: Khi tuyển dụng hiệu trưởng, các trường cần có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, ít nhất là phải có năng lực quản lý giáo dục. Năng lực này khác với năng lực của nhà khoa học và cũng khác với năng lực của một Giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Vì thế, cần thành lập hội đồng tuyển dụng để khách quan và lựa chọn được đúng người đúng việc. Khi đã tuyển dụng được hiệu trưởng rồi, cần giao quyền tự chủ để họ phát huy năng lực trong quá trình điều hành, quản lý. Không đánh đồng giữa lợi ích giáo dục với lợi ích kinh tế.

Ngoài ra, khi đánh giá hiệu trưởng cần dựa vào cam kết giữa hai bên và nên đánh giá theo quá trình công tác, cống hiến; không nên tập trung vào chỉ tiêu tuyển sinh hay các tiêu chí kinh tế nào đó. Sau một quá trình, chẳng hạn như: Hết nửa nhiệm kỳ hoặc sau một nhiệm kỳ 5 năm mới tính đến yếu tố sa thải (nếu như hiệu trưởng không đạt được các chỉ tiêu như cam kết).

Theo đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ, khi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quyết định thành lập trường, dù là phổ thông hay đại học, họ đều mong muốn có lợi nhuận. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta quản lý trường học giống như quản lý doanh nghiệp. Hiệu trưởng trường tư cũng như trường công, yếu tố đầu tiên phải được tự chủ về chuyên môn, không nên đặt quá nhiều áp lực cho họ về các chỉ tiêu kinh tế, trong đó có vấn đề tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.