GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có rất nhiều lời khuyên cho sinh viên tại Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024.
Đừng làm “anh hùng bàn phím”
Đại học là nơi sản sinh ra tri thức và giá trị mới. Học đại học là học cách đề xuất, giải quyết vấn đề và mục đích làm được gì?
GS.TS Nguyễn Văn Minh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh khuyên sinh viên hãy nghĩ về sự tự tôn dân tộc bằng việc làm, bằng thành quả, bằng sự đóng góp chứ không chỉ bằng những lời hoa mỹ hò reo.
“Chúng ta nhớ rằng, đất nước đang trong quá trình hội nhập. Đây là xu thế của thời đại. Định hình của một quốc gia, của một dân tộc là bản sắc, văn hóa; giáo dục là nơi xác lập những giá trị căn cốt cho mỗi người. Đừng bao giờ quên điều đó” - GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngày nay, sự đồng hóa bắt đầu từ sự lai căng, từ những xâm thực tưởng chừng rất nhỏ bé, mà không đơn thuần bằng súng đạn, chiến tranh.
Ngày nay, sức mạnh của một dân tộc, của một đất nước không chỉ dựa vào tài nguyên được đào lên để bán mà sức mạnh phải tạo ra từ trí tuệ mỗi người. Giữa những tác động của thời cuộc, những thực tại với nhiều trăn trở, lo toan; giữa những nốt trầm đang vang xa trong tâm tưởng mỗi người, có cả những âm vang của bi quan, chán nản… Tất cả, sẽ dội vào tâm tư các em, có thể bào mòn niềm tin trong sáng của các em.
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
“Nhưng thử hỏi, chỉ ngồi kêu ca, làm “anh hùng bàn phím” thì sẽ được gì hơn; có bớt đi đói nghèo? Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình. Sự mục ruỗng trong tâm hồn không phải chỉ sự xâm thực của ngoại cảnh mà chính là do bản lĩnh mỗi người. Đừng đánh mất niềm tin, mất niềm tin là tiêu tan động lực” - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ và mong mỗi em, trước hết tạo cho mình niềm tin chân chính.
Niềm tin chân chính luôn đồng hành với bản lĩnh với sự chính trực. Sự cám dỗ luôn bên cạnh ta và ngay cả trong ta, sự ngọt ngào và du dương sẽ dễ làm lòng ta dao động, sự thô ráp của cuộc đời có thể làm ta dễ phải rụt tay.
Sự giằng xé giữa cái phải chịu mất và cái an toàn của lợi ích, không phải dễ dàng để chiến thắng chính mình. “Với những người đầy tình yêu thương, thông thái và giàu đức hy sinh như các em, thầy tin rằng, các em sẽ đủ minh mẫn để lựa chọn và quyết định, xác định được đúng, sai, những gì nên làm và không nên làm” – GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.
Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. |
Đánh thức lòng trắc ẩn
Đừng để cái thái cực đói nghèo níu kéo, cái ảo tưởng giàu có trong mơ che lấp và ngồi than vãn với cuộc đời, không làm gì cả thì liệu có ích gì không? Không thể chối bỏ thực tại, nhưng cũng đừng ngồi để chờ ba điều ước trong chuyện cổ tích, hãy nghĩ cách làm thông minh và hành động.
GS.TS Nguyễn Văn Minh.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ, hãy dám nghĩ về những điều bất tận và nghĩ cả những điều gần gũi hàng ngày. Có những cái thuộc về chuẩn mực tốt đẹp của xã hội thì cố mà giữ, nhưng với những thách thức của thời đại thì phải dám thoát ra khỏi cách nghĩ an toàn. Một trạng thái mới cần được thiết lập để nghĩ về những điều mới hơn.
Hãy từ bỏ cách học các mẹo mực, ngóc ngách và không để làm gì cả. Học đại học là tự học và gắn liền với nghiên cứu. Đây là con đường tốt nhất để trưởng thành.
Các em hãy đối diện với những thách thức thời đại. Đừng tự ru ngủ mình, hãy tỉnh táo để nhận diện, để học và để hành động. Hãy dám nghĩ về những điều bất tận, để quên đi hữu hạn cuộc đời.
Nghèo khó không phải là hèn, nhưng phải coi nghèo khó là nỗi đau để làm giàu chính đáng. Và con đường rõ ràng nhất là phải học, phải giáo dục để mỗi người biết phải làm gì.
Hãy đánh thức lòng trắc ẩn trong chính chúng ta và trong mỗi người bằng những việc làm gần gũi. Hãy biết quan tâm, sẻ chia đến mẹ cha, đến gia đình, đến bạn bè và những người hàng xóm mỗi khi có chuyện vui buồn.
Hãy luôn nở nụ cười cho đời thêm tươi đẹp và hãy yêu thương hơn để hờn oán phôi pha. Hãy biết giúp đỡ những phận đời không may mắn trong khả năng của mình và hãy khoan dung với những lỗi lầm.
Khi có khát vọng chân chính, có tình yêu thương, có trí tuệ; nhận diện được yêu cầu thời đại, có niềm tin và tự rèn mình thì ắt sẽ làm được.
Hãy đi vào vòng xoáy của những vấn đề giáo dục nổi cộm, của những vấn đề liên quan đến ngành học của mình, định vị trong bức tranh của đất nước và thời đại để tìm giải pháp và hãy bắt đầu!
Hãy vì một nền giáo dục bình đẳng và trung thực. Rất nhiều em đang có mặt ở đây đến từ các vùng đất khác nhau. Các em có thể nhận thấy, trẻ ở đây đến trường và trẻ nơi rẻo cao đến trường khác nhau lắm.
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tặng thưởng cho tân sinh viên Đinh Cao Sơn - Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2023. |
Chúng ta kỳ vọng những chính sách sẽ sát sườn hơn, và những người viết báo cáo để đưa ra các giải pháp sẽ đặt cả con tim và lương tri của mình vì một sự thật, dù có sần sùi, thô ráp đến đâu nữa, để cùng nhận diện và chung tay làm cho tốt hơn.
Chúng ta đã làm được không ít việc trong giáo dục, đây là điều đáng mừng, nhưng các mảng màu đa sắc đó không phải đều tươi mới như nhau. Hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này. Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau.
Mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai. Mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng.
Làm tốt điều đó mà được khen thì mừng quá, nhưng xin đừng chỉ vì những bằng khen mà giấu diếm và thổi phồng, mà nghiệt ngã với nhau. Mong rằng, đừng làm biến tướng bản chất tốt đẹp của thi đua. Khi quan niệm rằng, thiêng liêng nhất của nghề giáo là con trẻ lớn lên thành người tử tế để rồi họ biết dấn thân và làm cho xã hội văn minh hơn.
Đó là phần thưởng tuyệt vời nhất mà mỗi người hướng đến. Ảo ảnh mãi mãi là ảo ảnh, chạy theo nó cũng giống như chạy theo cái bóng của mình và thất vọng mỗi khi ngày nắng tắt.
Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy cô giáo mà hãy đồng hành. Mong rằng mỗi chúng ta, các bậc phụ huynh, cả xã hội cùng nhau ngẫm nghĩ điều này.
"Để làm cho nụ cười chớm nở trên môi trẻ thơ, trên môi chúng ta không thể là nụ cười gượng gạo. Để giữ cho sự trong vắt, thánh thiện trong tâm hồn và ánh mắt trẻ thơ, trong lòng chúng ta không thể chứa chất những điều sầu muộn, u uất và đầy tràn bão tố. Đừng để những tổn thương làm rạn nứt những tâm hồn" - GS.TS Nguyễn Văn Minh.