Hiệu trưởng - người dẫn dắt, lan tỏa hạnh phúc trong trường học

GD&TĐ - Để hiện thực hóa trường học hạnh phúc, hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng. Đội ngũ này được coi là người dẫn dắt và lan tỏa hạnh phúc trong trường học.

Trong giờ tập viết của HS lớp 1 Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Trong giờ tập viết của HS lớp 1 Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Tạo động lực

Là giáo viên, việc đầu tiên cô Nguyễn Thị Huế, Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) mong mỏi từ hiệu trưởng là sự công bằng, sáng tạo trong quản lý, để đại đa số giáo viên nể phục, hài lòng và do đó sẽ ủng hộ. “Điều này là cốt lõi để giáo viên cảm thấy “hạnh phúc”, để họ có động lực làm việc. Còn hiệu trưởng sáng tạo trong quản lý sẽ giảm áp lực hành chính về hồ sơ cho giáo viên rất nhiều” – cô Huế chia sẻ.

Một phẩm chất khác giáo viên cũng mong mỏi từ hiệu trưởng là phải quan tâm đến chất lượng giáo dục. Đừng tạo áp lực cho giáo viên bằng các quy chế cứng nhắc, bởi nghề giáo vốn đã nhiều áp lực. Thay vì chỉ trích, phê bình, nên chuyển sang góp ý chân thành, chỉ ra lỗi sai cho giáo viên sửa và động viên khích lệ. Cùng với đó, hiệu trưởng cũng nên quan tâm đến nhu cầu tinh thần của giáo viên; khéo léo tổ chức cho giáo viên gặp gỡ, giao lưu, kết nối để gắn kết hơn.

“Giáo viên luôn mong có một hiệu trưởng tạo được uy tín với học sinh và phụ huynh, từ đó tạo được niềm tin và tự hào cho giáo viên khi giảng dạy ở trường. Cũng sẽ rất tuyệt vời nếu người đứng đầu nhà trường hiểu biết các văn bản hành chính, nắm được các quy định của ngành để giải thích với phụ huynh một cách thuyết phục” – cô Nguyễn Thị Huế cho hay.

Để học sinh hứng khởi khi đến trường đòi hỏi môi trường GD phải thực sự hạnh phúc. Ảnh: Thế Đại
Để học sinh hứng khởi khi đến trường đòi hỏi môi trường GD phải thực sự hạnh phúc. Ảnh: Thế Đại

Dưới góc độ chuyên gia, theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm: Trường học hạnh phúc là nơi có các mối quan hệ tích cực; phương pháp dạy và học phù hợp; môi trường học tập an toàn và thân thiện. Đó là nơi mà mọi học sinh, giáo viên và cán bộ, nhân viên cảm thấy được yêu thương, an toàn, tôn trọng, được hiểu và có giá trị. Để hiện thực hóa trường học hạnh phúc có  nhiều công việc cần phải triển khai một cách đồng bộ; trong đó, vai trò của người đứng đầu nhà trường vô cùng quan trọng.

“Công tác xây dựng trường học hạnh phúc cần phải được phản ánh trong kế hoạch và ngân sách hàng năm của nhà trường và không thể thiếu vai trò của người hiệu trưởng. Bên cạnh đó, để xây dựng các cấu phần cơ bản của một trường học hạnh phúc cần có những chính sách nhất quán và chỉ đạo mạnh mẽ từ người đứng đầu nhà trường” – PGS Trần Thành Nam cho hay.

PGS Trần Thành Nam đồng thời cũng nhấn mạnh đến các nội dung giúp có được một trường học hạnh phúc chỉ có thể thực hiện nếu người đứng đầu nhà trường hiểu và quyết tâm thực hiện. Trong đó có việc giảm các bài kiểm tra định kỳ, tăng cường đánh giá quá trình; thay thế bài tập về nhà bằng các hoạt động tự chọn để “mở rộng” việc học; tăng cường tổ chức hoạt động nhóm giúp học sinh hợp tác giải quyết vấn đề; dạy học sinh đặt câu hỏi và coi những lỗi sai của học sinh như một phần của quá trình học tập và phát triển; tổ chức những hoạt động sau giờ học để thay thế việc dạy kèm gia sư; tổ chức các sự kiện để thúc đẩy ý thức tập thể trong cộng đồng nhà trường; hay triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần; phương pháp mindfulness (thư giãn thiền) trong trường học...

Cô và trò Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) trao đổi bài học trong môi trường thân thiện. Ảnh: Thế Đại
Cô và trò Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) trao đổi bài học trong môi trường thân thiện. Ảnh: Thế Đại

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, chủ trương của ngành Giáo dục là xây dựng mô hình: “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, với hai chỉ số quan trọng nhất trong mục tiêu giáo dục của trường là hạnh phúc và chất lượng. Do vậy, nhiều trường học đã bắt đầu tạo ra những thay đổi đột phá về tư duy, mạnh dạn trong cách làm, sáng tạo trong tiếp cận để đạt được mục tiêu giáo dục cho nhà trường.

Chia sẻ điều này, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trường nhà trường: “Người ta coi “hiệu trưởng, người dẫn dắt, lan tỏa hạnh phúc” là nguyên tắc vàng để xây dựng trường học hạnh phúc. Một khi hiệu trưởng, giáo viên thay đổi, nhà trường sẽ thay đổi. Khi ấy học sinh được hưởng niềm vui và có hạnh phúc.”. Theo ông Đặng Tự Ân, hiệu trưởng đi đầu thay đổi cần quan tâm đồng thời 3 yếu tố (con người, môi trường làm việc và phong cách làm việc trong trường). Cả 3 yếu tố lồng ghép, đan xen vào nhau và con người ở đây được hiểu là cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh và cha mẹ học sinh.

Đưa ra những chỉ dẫn cơ bản cho hiệu trưởng trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Hiệu trưởng trước hết phải là người có hạnh phúc mới có thể lan tỏa hạnh phúc. Người đứng đầu nhà trường cũng cần thân thiện, cởi mở; đặc biệt, hãy kiếm tìm hạnh phúc từ những việc làm nhỏ bé.

“Để làm được những điều lớn lao, cao xa, ngay từ bây giờ, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: Bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp” – ông Đặng Tự Ân gợi ý.

“GS Hồ Ngọc Đại từng đưa ra khẩu hiệu, được coi là triết lý trong học tập của ông, đó là “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Học sinh tới trường không phải là sự ép buộc của gia đình mà là niềm vui khi được gặp bạn bè, thầy cô, được biết thêm về kiến thức và trải nghiệm nhiều trong cuộc sống. Vì thế, có thể hiểu “Mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc” là một triết lý, một cách tiếp cận mô hình trường học hạnh phúc. Làm sao cho cha mẹ học sinh cũng trở thành những thầy cô giáo của chính con em họ chứ không chỉ giao phó 100% cho nhà trường” – ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ