Việc duy trì giảng dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được xem như hành trình trau dồi chuyên môn, đồng cảm, chia sẻ với học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học, và từ đó đưa ra những chỉ đạo đúng đắn, sâu sát.
Hành trình thấu hiểu học trò, đồng nghiệp
Gần 30 năm kinh nghiệm làm quản lý, trong đó 19 năm đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng, cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn nhớ kỉ niệm khúc mắc giữa học sinh và giáo viên của trường: “Hôm đó, nhà trường thu tiền học phí, một học sinh phản ánh đã đóng tiền nhưng cô giáo không ghi lại. Còn cô giáo khẳng định chưa nhận được tiền học phí của học sinh...”.
Cô Hợi đã gọi riêng học sinh vào phòng trao đổi. “Tôi nhẹ nhàng nói, nếu gia đình em gặp khó khăn hay bản thân có khúc mắc, hãy mạnh dạn chia sẻ, cô sẽ cho tiền đóng học phí. Thầy, cô là những người mang đến cho học sinh kiến thức, tình yêu thương, những điều tốt đẹp. Vì vậy, các em cần tôn trọng, đừng làm thầy, cô buồn lòng. Em hãy suy nghĩ về điều cô nói và cho câu trả lời trung thực nhất…”.
Hôm sau, nam sinh lên gặp cô Hợi thừa nhận chưa nộp học phí, do chót vay tiền bạn nên khi bố mẹ đưa tiền đóng học đã sử dụng để trả nợ. Cô giáo nhắc đóng học phí, em đánh liều nói dối. Kết thúc sự việc, cô giáo được minh oan, học sinh nhận sai lầm và hứa không tái phạm. “Trao đổi giữa tôi và học trò khi ấy được giữ bí mật rất lâu. Tôi làm như vậy để em không cảm thấy tự ti, xấu hổ mỗi khi đến trường, chơi cùng bạn bè, gặp mặt thầy cô…”, cô Hợi chia sẻ.
Cô Hợi cho rằng, giải quyết sự việc của học trò khi đó thuận lợi không do tình cờ hay may mắn mà bởi kinh nghiệm thực tế nhiều năm đứng lớp, giảng dạy trước khi làm quản lý. Cho tới hôm nay, đứng vai trò “thuyền trưởng” cô vẫn luôn đặt mình ở cương vị giáo viên, người mẹ của học trò để nhìn nhận, phân tích, giải quyết, đưa ra những quyết định, chỉ đạo… liên quan tới chuyên môn, trường lớp, giáo viên, học sinh sao cho phù hợp nhất.
Cô Hợi cũng khẳng định, nhờ việc đứng lớp 2 tiết/tuần nên lúc đó đã biết nam sinh có học lực khá, kỷ luật tương đối tốt nhưng gia đình hoàn cảnh khó khăn. Khi xảy ra sự việc, cô có thể nhanh chóng xâu chuỗi các thông tin và tìm được hướng giải quyết công bằng, khách quan, hiệu quả cho cả học trò và giáo viên.
Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT có quy định cán bộ quản lý ngoài thực hiện các nhiệm vụ quản lý còn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo quy định: Hiệu trưởng 2 tiết/ tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần.
Theo quy định này, cô Hợi vẫn dạy 2 tiết/tuần vào buổi chiều các ngày cuối tuần bởi đây là thời điểm cô đã hoàn thành phần lớn công việc quản lý; Xây dựng “thời khóa biểu” khoa học, hợp lý đã giúp công tác quản lý và giảng dạy của cô Hợi không chồng chéo.
Đánh giá cao tính hiệu quả của quy định trên với người làm công tác quản lý, cô Hợi chia sẻ: “Bản thân được đào tạo làm công tác giảng dạy, do vậy khi làm nhiệm vụ quản lý nhưng hàng tuần, tôi vẫn đứng lớp sẽ giúp chuyên môn được trau dồi liên tục, không mai một. Hơn nữa, hiệu trưởng không đơn thuần chỉ làm quản lý, mà cần đồng hành cùng đồng nghiệp, học trò. Muốn làm tốt điều đó, hiệu trưởng cần phải đứng lớp, giảng dạy thực tế…”.
Cô Hợi cho rằng, ưu điểm khi cán bộ quản lý đứng lớp là có thể cập nhật, nắm bắt những xu hướng mới, sở thích, tâm lý, mong muốn của học trò. “Trong thời đại công nghệ phát triển, học sinh có cách suy nghĩ, lối sống lẫn cách tiếp cận khác so với các thế hệ trước. Việc giảng dạy chắc chắn giúp hiệu trưởng, hiệu phó nâng cao hiệu quả công tác quản lý…”, cô Hợi cho hay.
Cô Hoàng Thị Kim Thu, Trường Tiểu học Thượng Ấm, tỉnh Tuyên Quang, được trải nghiệm và nắm được thực tế đổi mới trong giáo dục khi đứng lớp. Ảnh: NVCC |
Quản lý nên gắn liền giảng dạy
Cô Lê Thị Anh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS & THPT Đăk GLong (huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông), cho rằng việc giảng dạy giúp cán bộ quản lý đồng hành, thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn của giáo viên khi lên lớp. Thông qua các tiết dạy, ban giám hiệu có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, học sinh, từ đó điều chỉnh công tác quản lý tối ưu nhất.
Tuy nhiên, cán bộ quản lý khi tham gia dạy học trực tiếp có thể gặp phải một số khó khăn như khối lượng công việc lớn, không có điều kiện nghiên cứu sâu chuyên môn... Mặt khác, nhiều học sinh sẽ tỏ ra e ngại khi thầy cô dạy là hiệu trưởng, hiệu phó vì ít có thời gian làm việc trực tiếp.
Cô Lê Thị Anh chia sẻ: Khi tạm rời vai trò quản lý, tôi luôn tự nhắc bản thân cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của giáo viên bộ môn. Để làm được điều này, tôi thường tranh thủ tự học để nâng cao chuyên môn, trực tiếp tham gia các sinh hoạt của nhóm chuyên môn và học hỏi từ đồng nghiệp.
“Lên lớp dạy học, cán bộ quản lý phải ghi nhớ mình đang thực hiện vai trò của giáo viên bộ môn. Việc đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp phù hợp với yêu cầu của chương trình dạy học, nhiệt tình trong từng tiết dạy, toàn tâm với học sinh là cách tốt nhất để xóa đi áp lực…”, cô Lê Thị Anh bày tỏ.
Với vai trò quản lý và tham gia giảng dạy theo quy định đầy đủ, cô Trần Thị Hợi gặp một số khó khăn như: Giờ dạy trùng với lịch đi kiểm tra, đi họp. Do đó, với lịch công tác có sẵn, cô Hợi chủ động đổi tiết dạy cho giáo viên bộ môn và dạy vào hôm trước; Nếu lịch đột xuất, đổi tiết và dạy thay cho giáo viên hôm sau nhưng vẫn đảm bảo đứng lớp 2 tiết/tuần.
“Việc giảng dạy không gặp nhiều khó khăn vì số tiết dạy trong tuần không nhiều, có thể linh hoạt đổi tiết học với các giáo viên khác. Hơn nữa, đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy nên khi đứng lớp, tôi không mất nhiều thời gian để làm quen và hòa nhập…”, cô Thắm khẳng định.
Cô Ong Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Văn Quan (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), chia sẻ: “Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nên đứng lớp để duy trì chuyên môn, nắm những thay đổi trong chương trình để phục vụ việc chỉ đạo, điều hành công tác chuyên môn thuận lợi hơn”.
Xuất phát là giáo viên dạy Tiếng Anh, hiện nay, cô Thắm vẫn giảng dạy bộ môn này cho riêng một lớp với định mức là 3 tiết/tuần (thừa giờ so với quy định). Để cân bằng thời gian giữa công tác quản lý và giảng dạy, cô Thắm dành cuối tuần soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng cho cả tuần. Thời gian trong tuần, cô thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý.
Do phải tham dự nhiều cuộc họp của ban ngành, địa phương, nên cô Thắm cho biết đôi khi tiến độ lên lớp không đảm bảo. Những ngày đi họp trùng với giờ dạy, cô phải điều tiết sang hôm khác và đổi giờ dạy cho giáo viên để đảm bảo dạy đủ 3 tiết/tuần và truyền đạt đủ kiến thức cho học sinh. Song song đó là đảm bảo công tác quản lý các hoạt động nhà trường.
Theo cô Thắm, cán bộ quản lý nên duy trì giảng dạy bởi nếu không, họ không thể nắm vững chuyên môn, không thể chỉ đạo giáo viên. Đặc biệt, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đứng lớp giúp cán bộ quản lý nắm vững yêu cầu, nội dung và mục tiêu chương trình.
Không rời xa thực tế
Có thâm niên trong công tác quản lý, cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) nhìn nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như những “đầu tàu”, trực tiếp chỉ đạo hoạt động chuyên môn nhà trường nên không thể xa rời việc dạy học, cần đứng lớp giảng dạy đúng số tiết theo quy định.
Mặt khác, tham gia vào thực tế dạy học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng có cơ hội hiểu hơn hoàn cảnh, tính cách, kết quả học tập… của học sinh; Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, triển khai Chương trình GDPT 2018 càng đòi hỏi cán bộ quản lý, nắm vững nội dung chương trình, từ đó có chỉ đạo sát sao, cụ thể, đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời.
“Đứng lớp giảng dạy là hành trình giúp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tự bồi dưỡng chuyên môn; hiểu và chia sẻ với khó khăn của giáo viên khi dạy học. Đây cũng là hình thức kiểm tra gián tiếp đối với giáo viên về việc thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh”, cô Mỹ cho hay.
Từ hành trình thực tế bản thân, cô Mỹ nhận thấy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ có lúc không thể chủ động lịch dạy do thực hiện các nhiệm vụ khác của người quản lý. Bên cạnh đó, nếu phải đi tập huấn dài ngày, thầy cô sẽ không đảm bảo giảng dạy đủ 2 tiết/tuần và phải phân công giáo viên dạy thay hoặc dạy bù trong thời gian tiếp theo. Vì vậy, cô Mỹ kiến nghị trong một số thời điểm như đầu năm học, ban giám hiệu có thể được linh hoạt trong việc thực hiện quy định trên cho phù hợp với thực tế công việc.
Ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn - cho rằng, việc duy trì đứng lớp giúp cán bộ quản lý trong các trường học nắm vững chuyên môn, quản lý sát sao.
“Giáo dục là ngành đặc thù, nếu người quản lý không nắm vững chuyên môn, tình hình học tập của học sinh, việc dạy của giáo viên thì công tác điều hành, chỉ đạo chuyên môn sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, trong mỗi giai đoạn, học sinh có những nhu cầu tiếp cận kiến thức, giao tiếp xã hội khác nhau. Để bồi đắp mối quan hệ thầy trò, cần tiếp xúc, giảng dạy và đồng hành với các em. Người quản lý phải có cái nhìn tổng thể nên việc đứng lớp vô cùng cần thiết…”, ông Hiền phân tích.
Hiện nay, để quản lý giờ dạy theo quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan thông qua hệ thống hồ sơ của nhà trường, cụ thể là bảng phân công công tác, thời khóa biểu, sổ đầu bài, sổ báo giảng nhà trường và giáo án. Mặt khác, “hàng năm, chúng tôi sẽ dự giờ dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng qua các đợt kiểm tra chuyên môn nhà trường. Khi phát hiện những cán bộ quản lý không thực hiện giảng dạy theo quy định, Phòng GD&ĐT tiến hành nhắc nhở, lập biên bản, đề xuất UBND huyện tiến hành kiểm điểm về vi phạm quy chế chuyên môn, thu hồi phụ cấp đứng lớp theo quy định và đánh giá thi đua, viên chức cuối năm…”, ông Hiền cho biết.
Cô Hoàng Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Ấm, (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), chia sẻ: “Khi lên lớp, tôi được trải nghiệm và nắm thực tế những đổi mới trong giáo dục. Vì vậy, thực hiện mỗi tiết dạy tôi đều cảm thấy hào hứng, thích thú. Không những thế, giai đoạn này toàn ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình GDPT 2018, thực dạy càng giúp tôi nhìn ra những khó khăn, thuận lợi và có phương án hỗ trợ cho giáo viên tốt nhất…”.