Xử lý nghiêm 'đầu tàu' chệch hướng

GD&TĐ - Nếu hiệu trưởng, hiệu phó không tham gia đứng lớp, ngoài vi phạm quy định còn không được phụ cấp, nếu có lĩnh khoản này cũng sẽ bị thu hồi...

Tiết dạy của cô Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình, TPHCM).
Tiết dạy của cô Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận Tân Bình, TPHCM).

Hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông thực hiện đúng quy định định mức tiết dạy sẽ có những chỉ đạo sát sao trong chuyên môn, thấu hiểu, đồng hành với giáo viên trong quá trình dạy học. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả công tác quản lý.

Đồng hành để nâng cao hiệu quả

Cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng, đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà trường và chuyên môn. Bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4 (TPHCM), cho biết, nhận thức được vai trò này, ngay từ đầu năm học, phòng đã chỉ đạo hiệu trưởng, hiệu phó các trường thực hiện nghiêm số tiết nghĩa vụ theo quy định, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thực hiện thông qua thời khóa biểu, kế hoạch bài dạy.

“Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng thực hiện tiết dạy sẽ nắm được tình hình thực tế của học sinh, giáo viên, đặc biệt là những khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Từ đó, cán bộ quản lý sẽ ra rút kinh nghiệm và có chỉ đạo sát sao trong chuyên môn, khắc phục những vướng mắc, giúp giáo viên nâng cao tay nghề.

Việc tham gia đứng lớp, chắc chắn sẽ giúp cán bộ quản lý không “lụt nghề”. Nhờ sát sao trong công tác chỉ đạo, quản lý nên trong 5 năm trở lại đây, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Quận 4 không có cán bộ quản lý dạy đối phó hay không thực hiện đúng quy định về định mức tiết dạy...”, bà Hà cho hay.

“Điều quan trọng là cán bộ quản lý khi tham gia giảng dạy sẽ hiểu được tâm tư tình cảm của giáo viên khi thực hiện chương trình, đặc biệt hiện nay việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 khó khăn như thế nào. Bám sát thực tế sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho giáo viên, đồng hành cùng người dạy trong quá trình thực hiện, chương trình mới, từ đó có biện pháp chỉ đạo quản lý, tháo gỡ phù hợp. Cán bộ quản lý tham gia giảng dạy mới thấy những vấn đề khó mà nhiều khi nếu đứng ngoài chỉ đạo sẽ lý thuyết, không thực tế…”, ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp (TPHCM), cũng cho rằng, mục đích đứng lớp của hiệu trưởng, hiệu phó ngoài đảm bảo nghĩa vụ còn nắm tình hình giảng dạy, từ đó có những chỉ đạo điều chỉnh phù hợp với thực tế tại trường. Quy định việc giảng dạy của cán bộ quản lý rất “thoáng”, không cố định giảng dạy tại một lớp, việc đứng lớp cũng không nhất thiết phải giờ chính khóa, mà đứng lớp những tiết theo chương trình phổ thông quy định, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh yếu…

Theo chia sẻ của ông Thanh, trong đợt sinh hoạt đầu năm, phòng luôn nhắc lại quy chế và yêu cầu các cán bộ quản lý phải thực hiện nghiêm túc quy định về định mức tiết dạy. Việc hiệu trưởng, hiệu phó tham gia vào giảng dạy để chia sẻ số tiết với giáo viên cũng chỉ là chia sẻ một phần nhỏ. Ví như, một trường có 50 giáo viên, nhưng theo quy định 2 hiệu phó dạy mỗi tuần 8 tiết, hiệu trưởng 2 tiết, như vậy tổng số tiết của ban giám hiệu/tuần không đáng kể so với cường độ làm việc của toàn bộ giáo viên trong trường.

Nêu cao tính gương mẫu

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, quy định cán bộ quản lý tại các trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm bắt được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Vì vậy, hiệu trưởng, hiệu phó phải gương mẫu, thực hiện đúng quy định về định mức tiết dạy. Từ đó đồng hành cùng đội ngũ giáo viên vượt qua mọi khó khăn, triển khai tốt mục tiêu đề ra.

Thầy Lê Hữu Bình, hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) luôn thực hiện giảng dạy theo đúng quy định.

Thầy Lê Hữu Bình, hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) luôn thực hiện giảng dạy theo đúng quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, một số trường còn xảy ra việc hiệu trưởng, hiệu phó dạy không đủ tiết theo quy định. Gần đây, ngày 17/1/2023, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản về kết quả thanh tra đột xuất tại Trường THPT Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM). Kết luận nêu rõ, trong niên độ thanh tra (từ năm học 2017 -2018 đến năm học 2021 - 2022), Hiệu trưởng Hồ Xuân Phúc và 2 Hiệu phó là cô Nguyễn Thị Hồng Vân và thầy Huỳnh Siêu Hùng đã không đảm bảo dạy số tiết nghĩa vụ đúng theo quy định và thậm chí có những học kỳ không xác định được số tiết dạy.

Do đó, hiệu trưởng và các hiệu phó Trường THPT Lê Minh Xuân bị thu hồi số tiền phụ cấp ưu đãi của tất cả các tháng do đứng lớp chưa đủ giờ, nhưng đã hưởng chế độ với số tiền hơn 80 triệu đồng. Trong đó riêng hiệu trưởng phải nộp lại số tiền gần 36 triệu đồng. Đồng thời, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng yêu cầu Phòng Tổ chức Cán bộ Sở tham mưu Giám đốc tổ chức kiểm điểm thầy Hồ Xuân Phúc, thầy Hùng và cô Vân về vụ việc trên cũng như các hạn chế, thiếu sót sau khi thanh tra đột xuất.

Trước đó, từ tháng 9/2019 đến 5/2021, cô Châu Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận, TPHCM) và 2 Hiệu phó là cô Nguyễn Thị Hồng Hà và cô Nguyễn Thị Long không thu xếp công tác đứng lớp theo quy định nhưng vẫn nhận được phụ cấp 35% (phụ cấp đứng lớp) trong thời gian trên.

Vì vậy sau khi kiểm tra, xác minh UBND quận Phú Nhuận đã thu hồi nộp về ngân sách hơn 165 triệu đồng, đây là số tiền phụ cấp mà cô Thanh, cô Long và cô Hà đã nhận. Lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận cũng yêu cầu phòng GD&ĐT quận nhắc nhở, chấn chỉnh đối với cán bộ, viên chức nhân viên Trường Tiểu học Trung Nhất trong việc chấp hành điều lệ, quy định của ngành và thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ về hoạt động chuyên môn của đơn vị để đảm bảo thực hiện đúng quy định.

Trao đổi về việc cán bộ quản lý thực hiện định mức tiết dạy, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp (TPHCM), cho hay: “Thực tế, có những nơi hiệu trưởng, hiệu phó vì nhiều lí do không thực hiện việc giảng dạy theo định mức, rõ ràng là sai quy định. Nếu không tham gia đứng lớp, ngoài vi phạm quy định còn không được phụ cấp, nếu có lĩnh khoản tiền này cũng sẽ bị thu hồi. Vì vậy ngoài việc tuyên truyền, vận động nhắc nhở, phải có chế tài và xử lý nghiêm. Đặc biệt, hiệu trưởng, hiệu phó phải luôn gương mẫu để giáo viên trong trường noi theo…”.

“Việc hiệu trưởng, hiệu phó tham gia công tác giảng dạy để nắm bắt được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh là rất tốt. Những trường hợp hiệu trưởng, hiệu phó không thực hiện giảng dạy theo định mức, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định...”, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.