Để 'thuyền trưởng, thuyền phó' vững tay chèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo quy định, đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, hiệu phó dạy 4 tiết/tuần. 

Thầy Cao Duy Chương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng trực tiếp đứng lớp dạy học sinh. Ảnh: NVCC
Thầy Cao Duy Chương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng trực tiếp đứng lớp dạy học sinh. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, có tình trạng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng “trốn tránh” nhiệm vụ.

Đồng hành cùng giáo viên

Từng là Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV - nhìn nhận quy định “hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, hiệu phó dạy 4 tiết/tuần” phù hợp thực tiễn. Do vậy, cần duy trì và thực hiện nghiêm túc. Qua đó, không những giúp cán bộ quản lý được hưởng phụ cấp đứng lớp, mà còn nuôi dưỡng tình yêu, đam mê, nhiệt huyết với nghề.

Ông Tứ viện dẫn, để thuận tiện cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường, vừa trực tiếp tham gia giảng dạy nên việc phân công giảng dạy cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Theo đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo (các môn học/chủ đề tự chọn). Ngoài ra, họ có thể tham gia dạy học môn đạo đức (đối với chương trình giáo dục tiểu học); thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp…

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay giáo viên đi học, nghỉ ốm, thai sản, dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho đảm bảo tổng số tiết dạy quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

“Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD&ĐT quy định định mức tiết dạy với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Quy định này giúp hiệu trưởng, hiệu phó có thực tiễn trong chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, xây dựng chính sách, kế hoạch giáo dục và bồi dưỡng giáo viên; Đồng hành cùng thầy, cô giáo nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường…”, ông Lê Tuấn Tứ trao đổi.

Tuy nhiên, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa băn khoăn bởi với hướng dẫn trên vẫn có thể có người lạm dụng để “trốn tiết” hoặc “biến tấu” hợp thức hóa số tiết dạy theo định mức. Đã có trường hợp, hiệu trưởng/hiệu phó sử dụng giờ chào cờ để bổ sung vào định mức tiết dạy của mình.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - nhấn mạnh, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và giáo viên cùng trên chiếc “thuyền giáo dục”. Hiệu trưởng được ví như thuyền trưởng, hiệu phó là thuyền phó nên họ phải vững tay chèo. Muốn vậy, cần sâu sát thực tế để việc quản lý điều hành hiệu quả và có sáng tạo. Trên hết là đồng hành và “xắn tay” cùng giáo viên, tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

“Việc quy định ban giám hiệu phải tham gia giảng dạy một số tiết học như hiện nay hoàn toàn hợp lý. Có giảng dạy thực tế, ban giám hiệu mới hiểu học sinh, nắm chắc chương trình để chỉ đạo chuyên môn có hiệu quả…”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Bắt nhịp Chương trình GDPT 2018

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục - cho rằng Bộ GD&ĐT cần rà soát, ban hành mới thông tư quy định định mức giờ lao động đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông để phù hợp với yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo đó, đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cần hướng dẫn cụ thể quy định định mức giờ dạy.

Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

“Nên chăng quy định định mức hiệu trưởng phải dạy 4 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 6 tiết/tuần. Không cần quy đổi số tiết dạy của ban giám hiệu nhà trường sang các hoạt động giáo dục khác. Như vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ nắm chắc nội dung, chương trình giáo dục và tình hình thực tế dạy, học của giáo viên, học sinh…” – TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đề xuất.

Nhấn mạnh lý do nên quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải lên lớp trực tiếp giảng dạy số giờ trong chương trình giáo dục; TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho hay, ở một số nước như Singapore, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không những dạy trực tiếp học sinh, mà họ còn dạy giỏi, dẫn dắt giáo viên trong thực hiện thay đổi. Hiệu trưởng, hiệu phó cũng là người thường lên lớp mỗi khi khách đến thăm trường, dự giờ. Họ đề cao quan điểm “muốn giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải là người tiên phong thay đổi…”.

Tại Australia, giáo dục cũng đề cao vai trò lãnh đạo, dẫn dắt chuyên môn của hiệu trưởng, trong đó nhấn mạnh hiệu trưởng phải làm tốt những gì yêu cầu đối với giáo viên. Trong khi đó ở Việt Nam, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi được bổ nhiệm thường ít đứng lớp trực tiếp dạy học sinh. Mặt khác, dù có quy định về định mức tiết dạy/tuần nhưng cho phép quy đổi, do đó nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không lên lớp, xa rời thực tế, thiếu cập nhật; thậm chí một số lãnh đạo nhà trường không đủ khả năng thực hiện tốt các yêu cầu mới trong thực hiện chương trình giáo dục.

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, để chỉ đạo giáo viên thực hiện các yêu cầu mới trong dạy học, giáo dục và đánh giá học sinh thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cần tiên phong trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

Mặt khác, theo tiêu chuẩn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thường được bổ nhiệm từ những giáo viên có thành tích tốt trong dạy học, giáo dục học sinh. Vì vậy, cần để họ tiếp tục phát huy năng lực và trên hết để học sinh được thụ hưởng những giờ dạy hay từ các thầy, cô giáo có chất lượng, trong đó có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. “Nếu biết sắp xếp thời gian biểu làm việc khoa học, sẽ không khó để thực hiện việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy một số tiết/tuần”, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh khẳng định.

Theo ông Lê Tuấn Tứ, do không trực tiếp dạy học nên có tình trạng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lơ mơ về chuyên môn. Ở nhiều trường phổ thông, rất hiếm thấy hiệu trưởng đứng lớp giảng dạy để giáo viên dự giờ, học tập kinh nghiệm. Thực tế này càng đặt ra yêu cầu, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải duy trì định mức tiết dạy/tuần theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.